Chân mang ủng, tay đeo bao tải và chiếc kẹp chuyên dùng để gắp rác, chị Cúc cùng với 50 tình nguyện viên trong nhóm lặng lẽ làm việc. Vừa làm, chị vừa nhắc mọi người để không bị bỏ sót mảnh rác nào. Cuối buổi, hơn 100 bao rác được đưa lên xe của phường chở về nơi tập kết.
"Tôi mong muốn tạo nên một cộng đồng nhặt rác. Khi nào người có ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn những người xả rác thì Việt Nam mình chiến thắng", người phụ nữ 32 tuổi nói.
Vốn là một người kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, homestay, chị Cúc có nhiều bạn bè ở nước ngoài và nỗi xấu hổ thường trực của nữ doanh nhân này là không ít lần nghe những người bạn nói "Việt Nam cái gì cũng tốt, chỉ có điều là quá nhiều rác". Năm 2017, Cúc nghe chị gái đi du lịch nước ngoài về kể, ở đó có những đội nhóm nhỏ chỉ vài người ra đường nhặt rác, kết hợp tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Chị tự hỏi mình: "Nước ngoài làm được sao mình không làm được? Nếu không làm bây giờ thì khi nào? Không phải mình thì ai sẽ làm?"
Kim Cúc quyết định thử. Một ngày cuối tháng 9/2017, để hưởng ứng một sự kiện nhặt rác trên thế giới với sự tham gia của 42 nước, chị cùng nhóm bạn đang đi du lịch ở Đà Nẵng tổ chức một buổi nhặt rác dọc bãi biển Phạm Văn Đồng. Ban đầu, chỉ có lác đác vài người cầm cây gắp, bao đựng đi nhặt rác giữa một "rừng" du khách. Thấy nhóm chị làm, nhiều tò mò hỏi thăm, rồi cũng tự nguyện tham gia. Đoàn người nhặt rác cứ thế nối dài dần, kết quả sau đó là một bãi biển sạch bong. "Thừa thắng xông lên", nữ doanh nhân trẻ tổ chức thêm nhiều buổi nhặt rác nữa và cũng đều thành công.
Tuy nhiên, không phải ở đâu, chị cũng nhận được sự ủng hộ. Trong lần nhóm của Cúc đến nhặt rác ở một khu chợ huyện miền núi Hà Tĩnh, nhiều người đã ngăn cản, xua đuổi và tuyên bố: "Rác của tui tui nhặt không cần đến mấy người". Không thể giải thích nên hôm đó, cả nhóm đành rời đi. Rút kinh nghiệm từ thất bại này, chị Cúc nghĩ trong mỗi lần "hành động", mình cần thông báo với chính quyền địa phương để họ báo cho người dân, tạo sự tin tưởng, đồng thời nhận thêm sự hỗ trợ từ lực lượng đoàn viên thanh niên.
Nhưng Cúc cũng nhận ra một thực tế buồn là càng nhặt rác ở nhiều nơi thì lại có thêm nhiều bãi rác mới xuất hiện. Nghĩ rằng mình không thể đi tìm rác để nhặt mãi mà điều quan trọng hơn là làm sao để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân nơi đó. Vậy là nữ doanh nhân trẻ bắt đầu tham gia những buổi học, những hội thảo về môi trường để lấy kinh nghiệm. Sau khi nhặt rác xong, chị dành một buổi vào trường học ở địa phương, hướng dẫn các em học sinh ở đó cách phân rác tại nguồn, cung cấp thêm những kiến thức về thiên nhiên, môi trường. Khi trở về, chị để lại một đội nhóm ở đó để duy trì hoạt động. Chính vì thế, hai năm nay chị đã tạo nên một cộng đồng nhặt rác khắp 39 tỉnh thành và 11 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Cuối tháng 9 vừa rồi, sau khi dọn sạch rác ở bãi biển, Kim Cúc phát hiện bờ kè dài 2 km dọc biển là địa điểm hóng mát của người dân địa phương, sau khi ăn uống xong nhiều người không có ý thức nên xả rác bừa bãi dù địa phương đã có bố trí nơi chứa rác. Chị nảy ra sáng kiến cùng hàng trăm tình nguyện viên và người dân địa phương ở làng chài Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu vẽ bức bích họa về môi trường trên bờ kè dài để thay thế những khẩu hiệu tuyên truyền đơn thuần.
"Đến dọn một ít rác mà thải ra thêm rác thì đâu có được", chị Cúc yêu cầu các tình nguyện viên có mặt hôm đó không được ra ngoài ăn uống và mang về những loại rác thải nhựa một lần. Dưới cái nắng gắt ở bãi biển, hàng trăm người sử dụng nước đựng trong bình cá nhân mang theo. Những bao lớn chứa rác, chị Cúc cũng xin lại những bao thức ăn gia súc, bao đựng lúa gạo từ các nhà máy, chứ không mua mới.
Ông Lê Văn Minh, Bí thư tỉnh đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: "Ý tưởng thực hiện bức họa ven biển của Cúc rất hay, làng chài như khoác một màu áo mới. Cúc còn lôi kéo được người dân tham gia cùng, người nào không vẽ được thì cầm dù che nắng cho tình nguyện viên. Bây giờ, người dân không còn xả rác như trước, họ có ý thức bảo vệ mỹ quan bờ kè - một tác phẩm mà họ đã góp công vào đó".
Dù nhận được nhiều kết quả, nhưng cũng không ít lần chị Cúc muốn từ bỏ công việc "vác tù và hàng tổng" này. Nhiều địa điểm sau khi nhóm chị rời đi, người dân không có ý thức lại xả rác bừa bãi. Nhiều tình nguyện viên vốn từng rất gắn bó cũng không ở lại bởi họ thấy "sao làm hoài mà không bớt rác". Những lúc như thế, chị Cúc lại nghĩ lại lý do mình bắt đầu. Chính vì thế chị đặt tên của nhóm mình là Green Trips VietNam - nghĩa là một hành trình đi khắp Việt Nam để làm xanh môi trường. "Nhưng đã là hành trình, thì không phải ngày một ngày hai", chị Cúc trải lòng.
Tháng 7 vừa qua, trong một sự kiện mang tên "Ngày xưa biển không có rác như bây giờ" ở Vũng Tàu, đứa con gái Gia Hân, 13 tuổi của chị Cúc nói trước hàng trăm người rằng: "Con thường được nghe nhiều người nói trẻ em là những mầm non, là tương lai đất nước. Nhưng hằng tuần con vẫn thấy mẹ và những người bạn của mẹ đi nhặt rác. Con không biết tương lai của mình sẽ ra sao nếu tương lai đất nước mình đi đâu cũng thấy rác. Việc nhặt rác của mẹ con sẽ không có ý nghĩa gì nếu tất cả mọi người không chung tay để thay đổi".
Chưa từng dạy con gái nói những lời đó, bà mẹ trẻ xúc động, mắt đỏ hoe tâm sự: "Từ giây phút đó, tôi cảm thấy tin tưởng hơn vào việc mình đang làm là đúng và không đơn độc".
Theo vnexpress