Đã 3 năm anh chị tôi ở quê mới sắp xếp lên thành phố sum họp trong ngày đám giỗ mẹ.

3 năm dài hay ngắn còn tùy vào mỗi người. Người ta nói càng lớn tuổi càng thấy thời gian trôi quá nhanh, như cái chớp mắt. Khi còn trẻ, có những giai đoạn tôi cứ muốn thời gian trôi nhanh hơn nữa, cho qua đi cái sự ẩm ương, và cả nhìn rõ hơn đoạn đường tương lai phía trước.

Nhưng khi ở độ tuổi trung niên, tôi luôn cảm giác chưa kịp làm gì đã vèo mất 1 năm. Có những đứa cháu sau 3 năm không gặp, nay đã trổ giò lớn bổng. Và những đứa trẻ ở độ tuổi đại học năm nào, nay đã bước vào đời, đứa nào cũng bận rộn với những áp lực mang tên cuộc sống. Vậy nên có buổi sum họp đông đủ rất hiếm hoi, nên tôi trân trọng lắm.

Nói với nhau những điều chân thành trong những cuộc gặp gỡ (ảnh minh họa)
Nói với nhau những điều chân thành trong những cuộc gặp gỡ (ảnh minh họa)

 

Nhưng đó chỉ là trong ý nghĩ. Mọi thứ diễn ra lại khác. Nhà tôi tổ chức đám giỗ buổi trưa. Khi con cháu có mặt đông đủ sẽ thực hiện nghi thức liên quan tôn giáo, cũng chỉ chừng 10 phút thôi. Sau đó là cùng dùng chung bữa cơm gia đình.

Tuy cũng chỉ là ăn uống nhẹ nhàng nhưng để no đủ cho cả đại gia đình khoảng hơn 3 mâm cỗ, thì những người nội trợ trong nhà cũng phải làm quần quật từ sáng. Đó là chưa kể khâu chuẩn bị vài ngày trước đó cho một vài món ăn thuộc truyền thống gia đình mà mọi người đều muốn được thưởng thức.

Vậy nên cái sự tất bật ấy kéo dài cho đến khi ăn uống và dọn dẹp xong thì đã sang chiều. Những người ở xa tranh thủ về để tránh giờ kẹt xe.

Cả tôi, tuy chẳng mấy bận rộn vẫn bị xoáy vào vòng tất bật. Đến khi trở về nhà vẫn chẳng biết thông tin về chuyện công việc, học hành của các cháu, chẳng thể hỏi thăm kỹ hơn về căn bệnh của chị, chia sẻ nỗi đau của anh rể có mẹ mới mất…

Tôi còn muốn nghe thêm chuyện thời cha mẹ mình, mà chỉ có những chị gái lớn trong nhà mới biết. Tôi muốn nghe những kỷ niệm gắn với tuổi thơ bên các anh chị mà vì lý do gì đó mà có những đoạn đời tôi không lưu lại bất cứ ký ức nào, nhưng cuối cùng cũng chẳng thực hiện được. Mọi thứ cứ ào ào, xong bữa thì ai về nhà nấy.

Duy nhất khoảnh khắc chị gái tôi mệt, vào trong phòng yên tĩnh nghỉ ngơi, tôi có đi theo. Lúc ấy chị kể, ngày mẹ bằng tuổi chị đã thấy mẹ bị đau khớp gối, mỗi ngày uống 1 viên thuốc, vậy mà chẳng đứa con nào quan tâm xem đó là thuốc gì, đến giờ mới biết là loại thuốc hạ huyết áp mà các chị cũng đang phải uống.

Ai đã đi khám bệnh với mẹ để mẹ biết bị cao huyết áp? Mẹ tự đi. Ai đã đi mua thuốc cho mẹ để có thuốc uống mỗi ngày? Mẹ tự mua. Ai đưa tiền cho mẹ mua? Mẹ tự dành dụm được.

Rồi những cơn trái gió trở trời tay chân mỏi rời “như đi mượn”, nghe mẹ than mãi vậy mà chẳng đứa con nào quan tâm cho đến khi triệu chứng ấy đã dần xuất hiện ở các chị bởi tuổi tác…

Chúng tôi không quan tâm mẹ vì lẽ gì? Vì cuộc sống khi ấy còn nhọc nhằn, ai nấy tất bật với công việc? Vì thiếu kiến thức? Khi ấy, chưa có mạng Internet để cập nhật thông tin như bây giờ. Thậm chí, cầm bệnh án về căn bệnh suy thận của mẹ trên tay, chúng tôi vẫn không biết mức độ nguy hiểm của căn bệnh. Có ngờ đâu chỉ ít thời gian sau đó, mẹ rời bỏ chúng tôi đi.

Chị gái tôi chép miệng: “Đến tuổi già mới biết thương mẹ đã phải trải qua bao nhiêu khốn khó mà chỉ có một mình”.

 

Tôi chưa một lần hỏi mẹ đau ở đâu, đau như thế nào (ảnh minh họa)
Tôi chưa một lần hỏi mẹ đau ở đâu, đau như thế nào (ảnh minh họa)

 

Tôi nhận ra, không phải chỉ bây giờ mới sống nhanh, sống vội; mà hơn chục năm trước, chúng tôi vẫn mãi vội vàng mà chẳng hiểu vì điều gì. Có thứ gì đó ở phía trước khiến bản thân mỗi người cứ mãi lao theo. Sao không ngồi lại với mẹ, hỏi xem mẹ đau ở chỗ nào, con có thể làm gì cho mẹ? Điều ấy đâu phụ thuộc bởi thông tin, kiến thức. Nó không hẳn sẽ chữa khỏi bệnh cho mẹ nhưng ít nhất cũng làm trái tim mẹ ấm lại khi được các con quan tâm.

Rốt cuộc, bản thân mình vội vã vì điều gì? Tôi tự chất vấn mình. Rồi tự nhủ lòng mình sẽ tập sống chậm lại từ từ. Bắt đầu bằng việc nói với nhau những câu chân thành trong mỗi cuộc gặp gỡ…

Theo phụ nữ TPHCM