Những lá thư đã quá cũ, có một vài dòng chữ bị nhòe đi vì thời gian, nhưng đây là kỷ niệm vô giá trong quá khứ của gia đình tôi.
Bố tôi là công nhân xí nghiệp tàu thuyền. Cứ chủ nhật hàng tuần, ông lại đạp xe hơn 50km từ công ty về thăm gia đình. Tôi nhớ rất rõ chiếc xe đạp màu bạc cũ, trên ghi-đông xe bao giờ cũng có một túi bóng bánh mì – món quà thành phố mà lũ trẻ nhà quê chúng tôi rất thích. Bố nói với chúng tôi thỉnh thoảng xí nghiệp cũng cho công nhân đi tắm biển nhưng bố không thích, bố thích về nhà hơn!
Lần này bố về đột ngột vào một ngày giữa tuần. Bố bảo, bố thi tay nghề thợ hàn đậu rồi. Bố sẽ đi xuất khẩu lao động ở Lybia mấy năm. Đó là năm 1995, ông nội tôi mới mất, tôi học lớp 9, bà nội đã già, ở cùng mẹ và 4 chị em tôi. Biết tin bố đi xuất khẩu lao động, gia đình tôi vừa mừng lại vừa lo. Bởi hồi đó, ở làng quê nghèo như làng tôi, chuyện đi ra nước ngoài làm ăn (mà tận sa mạc Sahara cách Việt Nam nửa vòng trái đất) là chuyện lớn, vì rất hiếm người đi chứ không như bây giờ.
Bố sửa soạn vài bộ quần áo công nhân và lên máy bay. Bố sang xứ người lao động để thực hiện ước mơ ấp ủ cả một đời, mẹ tôi không phải làm nhiều ruộng, không phải nuôi trâu nữa và quan trọng hơn là có tiền để nuôi chúng tôi ăn học.
Những lá thư Bố viết cho tôi từ 20 năm trước khi ông đang làm việc tại Lybia
Ngày đó, chưa có điện thoại, bố và gia đình tôi chỉ liên lạc qua những lá thư viết bằng tay. Cũng từ ngày bố đi xa, niềm vui lớn nhất của gia đình là nhận được thư của bố (cứ có chuyến bay về Việt Nam bố lại viết thư). Tôi còn nhớ rất rõ mỗi cánh thư về từ đảo xa của bố, mẹ tôi mừng quýnh, xé vội chiếc phong bì, rồi khuỵu gối, ngồi sập xuống bậc hè. Mẹ vừa đọc thư vừa khóc nghẹn không thành tiếng, lá thư nào cũng chan đầy nước mắt. Bốn chị em tôi ngồi xung quanh túm lấy vạt áo mẹ và khóc theo. Mỗi khi đọc thư xong mẹ tôi đều không quên nhắc nhở chúng tôi: “Bố bay vất vả, khổ sở ở tận Châu Phi để nuôi bay ăn học nên đứa nào đứa nấy phải ngoan ngoãn, học giỏi để không phụ lòng bố nghe chưa”.
Bố đi xuất khẩu được thời gian thì con trâu bạc gắn bó nhiều năm với gia đình tôi đột ngột đổ bệnh và chết. Buổi sáng tinh mơ, mẹ tôi phát hiện trâu chết bà vừa khóc vừa la chúng tôi dậy. Bốn đứa con nít nheo nhóc, 1 người phụ nữ cao gầy cùng bà nội, mỗi người beo vào một cái then cửa chuồng trâu khóc thương trâu như khóc tiễn biệt một người thân trong gia đình.
Trâu chết, chúng tôi vừa thương như tình thương 1 thành viên trong gia đình cũng vừa tiếc 1 tài sản lớn nhất bị mất. Mẹ và chúng tôi vội vàng viết thư báo tin buồn này cho bố. Lá thư kín đầy 2 tờ giấy đúp, mỗi người 1 đoạn đều là những dòng thư loang đầy nước mắt tiếc thương.
Đến ngày tôi đi học xa nhà, bố lại viết thư riêng cho tôi. Cũng không biết bố sẽ gửi thư cho mình vào dịp nào bởi còn phụ thuộc chuyến bay. Nhưng cứ lâu lâu và theo linh cảm tôi lại rủ con bạn thân lên văn phòng khoa tìm thư của bố. Những dòng thư ăm ắp tình phụ tử cùng niềm tự hào và trách nhiệm của cuộc đời một người cha. Bố tâm sự, bố được như ngày hôm nay (được công ty Vinaconex tuyển đi xuất khẩu, vượt qua rất nhiều người thợ tài giỏi khác) là có cái giá của nó. Bố đã phấn đấu rèn luyện khổ đau, vất vả rất nhiều để mong thoát khỏi cảnh đồng ruộng và có tiền nuôi các con ăn học. Còn nếu cứ ở nhà làm công nhân, mẹ làm ruộng thì các con của bố chỉ học hết được cấp 3 là may lắm rồi.
Bố bảo, tuy ở Lybia có 1 mình bố là người Việt Nam, song người nước ngoài họ rất tốt, luôn hỏi thăm về gia đình và giúp đỡ bố. Vì bố nói tiếng Anh thành thạo nên trong sinh hoạt và công việc cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Bố mong sau này sẽ có một người Việt Nam về chỗ bố làm, có đồng hương bố sẽ có cơ hội để giao tiếp bằng tiếng Việt.
Bây giờ đã hơn 20 năm trôi qua, đọc lại thư bố, tôi thương bố vô cùng. Trong thư, bố luôn nói rằng, ông rất tin tưởng và tự hào vì ở miền thôn quê ấy có người vợ đảm đang, hiền thục giàu tình cảm, nơi ấy có mái ấm gia đình - và trong đó bố có những đứa con ngoan luôn học tập giỏi giang để mang lại niềm vui cho bố mẹ.
Lá thư nào bố cũng nói, bố nhớ và thương gia đình nhiều lắm. Không một ngày một đêm nào mà bố không nghĩ về gia đình, làng quê. Chính vì vậy bố càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn, bố càng phải phấn đấu nhiều hơn. Bố, mẹ và các con hãy vì nhau để có một ngày mai đoàn tụ và đủ đầy. Khi đó gia đình được ngồi với nhau để kể cho nhau những tháng ngày đã đi qua như thế nào. Bố ước đến ngày đó. Bố hi vọng những dòng chữ trên trang giấy nhỏ hẹp chứa đủ tình cảm và trách nhiệm của bố dành cho mẹ và các con.
Sau mỗi dòng chữ quen thuộc “Hiền con xa thương và nhớ nhiều của bố!”, ông lại dặn tôi đủ điều về cuộc sống ở thành phố. Rằng xa nhà đừng để mình thiếu bất cứ cái gì, từ cái kim sợi chỉ. Bố dặn tôi đừng giản dị quá như trước nữa, mua thêm đôi giày mà đi, cái áo hoa mà mặc cho phù hợp với sinh viên thành phố. Đừng tiết kiệm quá bố sẽ gửi tiền về, đừng lo nghĩ nhiều hãy giữ gìn việc học tập cho trọn vẹn. Thi thoảng về thăm nhà cũng được đừng về nhiều quá mà mệt ảnh hửng đến học tập,…
Tuy bố cách xa tôi nửa vòng trái đất, nhưng qua những dòng thư khiến tôi cảm thấy lúc nào ông cũng như đang ở bên cạnh, dõi theo từng bước đi, từng buổi tôi học trên giảng đường. Bố luôn nhắc nhở chúng tôi, dù có khó khăn đến đâu bố cũng sẽ nuôi 4 chị em học đại học. Đời bố mẹ đã thiếu thốn nhiều nên các con của bố mẹ sẽ không được thua thiệt với bạn bè cùng trang lứa.
Bố tôi đi xuất khẩu lao động ở Lybia 10 năm và có về thăm nhà 3 lần. Quà gửi về Việt Nam rất nhiều trong đó có những lá thư. Mỗi lá thư đầy 4 trang của tờ giấy đôi. Những dòng chữ chen ngang, chen dọc, chen lề trên, lề dưới, viết nhỏ rồi viết tắt chi chít lại với nhau. Sau này mặc dù có điện thoại nhưng bố tôi vẫn đều đặn gửi thư về cho gia đình và tôi. Bố bảo ngoài việc gọi điện bố vẫn thích viết thư. Bởi mỗi lần ngồi viết thư bố cảm thấy như đang ở bên cạnh gia đình để trò chuyện, tâm sự nên bố rất vui.
Những lá thư gửi về từ sa mạc Sahara đầy nắng và gió kết thúc vào năm 2011, khi cuộc nội chiến hỗn loạn tại Libya ập đến. Bố tôi cùng đoàn người làm việc tại đất nước sa mạc này đã có cuộc tháo chạy nghiệt ngã trong tiếng bom đạn dày đặc hiểm nguy. Có những người phải nhảy từ Lybia xuống biển Địa trung hải để thoát thân. Bố chúng tôi may mắn cùng đoàn người làm việc tại Lybia được lên chuyến bay sớm về Việt Nam, kết thúc bất ngờ và may mắn một thập niên lao động xứ người.
Giờ đây những bức thư màu giấy cũ chính là kỷ vật duy nhất ghi lại chặng đường 10 năm lăn lộn nước ngoài để nuôi chúng tôi ăn học của bố. Tôi cất giữ cẩn thận, bởi đây là kỷ niệm đầy trân trọng và tự hào về người cha đáng kính của mình.
Theo giadinhonline.vn