Bám trụ cùng "án tử"

Qua những tấm biển chỉ dẫn cho thuê phòng trọ giăng khắp nơi, chúng tôi tiến vào con ngõ nằm đối diện cổng Bệnh viện K, thuộc phường Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội. Không khí ảm đạm bao trùm "xóm trọ ung thư", xóm trọ buồn nhất của Hà thành.

leftcenterrightdel
 Những người bệnh coi nhau như hàng xóm láng giềng, tâm sự trò chuyện cho khuây khỏa nỗi cô đơn, nhớ quê hương, nhớ gia đình

Bệnh nhân thuê trọ tại đây có đủ lứa tuổi, từ tứ xứ về chữa bệnh. Trung bình mỗi bệnh nhân phải đến bệnh viện xạ, hóa trị, khám bệnh 3 - 4 lần/tuần, có người may mắn chữa bệnh vài tháng rồi khỏe, có người phải "gắn bó" với xóm tới vài năm, có người lỡ vận thì đành chấp nhận "án tử".

Từ Ninh Bình lên thuê trọ điều trị ở Bệnh viện K, bác Trường (ngoài 60 tuổi) cho biết mới phát hiện bệnh cách đây gần tháng, nhưng khi biết thì đã ở thời điểm khá muộn.

"Dân lao động chúng tôi ngày đi làm, có khi nào đi khám đâu, chỉ đến lúc biết đau, đi khám thì cũng muộn mất rồi, giai đoạn cuối rồi", bác Trường thở dài, rồi nói tiếp: "Ung thư nó không tha ai đâu, chỉ là vận đen nó rơi vào mình thì đành chịu".

Cùng phòng bác Trường là một bác trai 67 tuổi mắc ung thư vòm họng, mới từ Thanh Hóa ra Hà Nội để điều trị được nửa tháng nay. Căn bệnh quái ác khiến người đàn ông không thể phát âm rõ lời, dù đã rất cố gắng. Nói đỡ cho người bạn cùng phòng, bác Trường kể: "Ông ấy ho ra máu, đi khám thì mới biết ung thư vòm họng. Cái bệnh quái quỷ này có ốm đau gì đâu để người ta biết sớm. Đến lúc sút cân dai dẳng, thì đã rồi!".

Hỏi tên người bạn già, bác Trường cũng không biết, có lẽ là bởi ở nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, người ta cũng không quan tâm gì hơn câu chuyện về sinh mệnh.

Chia sẻ về cuộc sống nơi xóm trọ, bác Trường cho hay, không chỉ lo tiền viện, những bệnh nhân ung thư ở đây còn phải chắt bóp từng đồng để chi trả cho các khoản phí khác khi trọ gần viện. Như tiền ăn uống, tiền trọ và các khoản lặt vặt khác.

Căn phòng nhỏ bác Trường dẫn chúng tôi đi xem khoảng 15 m2 chia thành 8 buồng nhỏ cho 8 người thuê, với giá 3 triệu/người/tháng. Mỗi buồng vừa đủ kê một chiếc giường cỡ nhỡ và một kệ chất đầy những vật dụng sinh hoạt cũng như các loại thuốc. Dường như hiểu được sự ái ngại của chúng tôi, bác Trường giải thích: "Ở đây ổn hơn các chỗ khác rồi, cầu thang rộng, đi lại thoải mái. Tôi đi xem thử các chỗ khác, lối cầu thang bé tí, mà tối u ám lắm. Ở đấy chết vì buồn trước khi chết vì bệnh".

leftcenterrightdel
 Bác Trường phát hiện ra bệnh ở thời điểm khá muộn

Tình thương đến từ những mảnh đời xa lạ

Nói như bác Trường, căn bệnh quái ác có thể đến bất cứ lúc nào, mà chính những người lao động chân tay như ông càng không có điều kiện để phát hiện bệnh từ sớm. Nhưng ung thư còn đáng sợ nữa khi tinh thần người bệnh bị gục ngã, và cách duy nhất những bệnh nhân "xóm ung thư" có thể làm là đối diện với sự thật và truyền tinh thần sống tích cực cho nhau.

"Lên đây thì chẳng ai biết tên ai, chỉ có sống và chết thôi", bác Trường cười giòn tâm sự. Họ từ khắp các tỉnh, thành đổ về, mỗi người một câu chuyện, một số phận ngặt nghèo.

"Ở đây thoải mái hơn ở nhà, mình không ảnh hưởng tinh thần con cái. Khu trọ này vui lắm, tứ xứ đổ về đây, cũng bệnh tật cả. Tối đến ngồi hành lang nói chuyện, chỗ nấu ăn chung, có gì đem ra ăn với nhau", vừa nói bác Trường vừa giơ lọ chè quê cầm từ Ninh Bình lên.

Ở một khu trọ khác, tận cùng trong con ngõ (tổ 15 phường Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội), cô Liên (Bắc Giang) cùng hai bệnh nhân ung thư vú nương vào nhau để chiến đấu với bệnh tật.

Tay xoa xoa cái đầu đã rụng tóc sau những ngày hóa trị, cô Liên tâm sự: "Tôi truyền mới rụng hết tóc này, còn xạ trị thì nó lại đang mọc lại ít tóc. Phụ nữ mà mất tóc trông xấu đi nhiều lắm đấy, cũng không tự tin đâu vì trông già đi hàng chục tuổi!". Dù vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, nụ cười vẫn luôn nở trên môi cô, ánh mắt đôn hậu, vui vẻ.

Ở cái tuổi lục tuần, xa chồng, xa con cháu, một thân một mình xuống Hà Nội chạy chữa khi bệnh đã ở đầu giai đoạn 3, cô Liên vẫn quan niệm bản thân phải luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

"Mới đầu biết bệnh, đêm nằm nghĩ ngợi, chán chường khóc suốt đấy. Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng không được ủ rũ, vì còn con còn cháu, cứ buồn mãi cũng ảnh hưởng đến nó, nó đi làm không yên tâm", cô Liên nói.

leftcenterrightdel
 Cô Liên cố gắng lạc quan để kéo dài sự sống, sum vầy với chồng con

Cô Ngân (Hải Dương), chung phòng trọ với cô Liên cũng mắc căn bệnh quái ác này đã gần 1 năm. Chúng tôi gặp cô khi cô vừa đi mua thuốc về, cô giơ lọ thuốc cho cô Liên xem, cảm thán: "Lọ bé tí này mà 500.000 đồng đấy, đắt nhỉ! Liên mở hộ tôi với!". Tình bạn giữa hai nữ bệnh nhân ung thư vú thắp sáng con đường tối tăm dẫn vào xóm trọ, thắp lên hy vọng sống giữa muôn vàn khó khăn.

Mở phòng trọ đã hơn 5 năm, ông Chu Văn Chánh (chủ nhà trọ số 40, Tổ 15, P.Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội) chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ và tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" mà những người bệnh dành cho nhau. Ông Chánh cho hay: "Người cùng cảnh thì thông cảm cho nhau. Bệnh hiểm nghèo thì xác định chiến đấu dai dẳng, từ tỉnh lên Hà Nội thì cứ nương nhau mà sống. Nhà trọ có bếp nấu dành riêng cho người thuê, người này mệt quá không nấu được thì người khác nấu cho ăn. Họ đồng cảm, động viên nhau vui vẻ, lạc quan".

Ông Chánh cũng tâm niệm luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những người bệnh tới thuê trọ. Ông nói: "Ở ngoài kia, mạnh thường quân tài trợ cháo từ thiện, bánh trái thì tôi làm nhà trọ cũng phải giúp đỡ người bệnh cho đúng lẽ, lúc nào cũng tạo điều kiện hết sức. Với những bệnh nhân ở lâu, thiếu thốn, tôi cũng đỡ đần một phần. Ví dụ người ta phải đóng 10 thì tôi chỉ thu 8. Giá phòng một đêm là 150.000 thì tôi chỉ lấy 100.000 - 120.000 thôi. Về nấu nướng, tôi hỗ trợ tiền ga, tiền điện, một phòng 2 - 3 người chỉ thu 10.000, gọi là cho có".

Ẩn sâu trong đôi mắt những người ở "xóm trọ ung thư" vẫn là sự cam chịu, nhưng tình yêu thương giữa con người và giữa những người đồng cảnh ngộ đã giúp họ có thêm nghị lực để lạc quan đối diện với cuộc đời. Dù chẳng dễ dàng vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, nhưng những bệnh nhân trong xóm trọ vẫn đùm bọc, đoàn kết bên nhau, chiến đấu với hy vọng chiến thắng được "án tử" đang cận kề.

Theo Thanh niên