Sẽ đi dưỡng lão

Chị Odin Tran kể về kế hoạch vào viện dưỡng lão của chị và chồng trong tương lai. Cách đây 8 năm, chị gặp gỡ và nên duyên với anh Odin. Khi ấy chị 57 tuổi và đang sung sức làm việc. Ở quê nhà, chị vốn là phụ nữ đơn thân nên cha mẹ chị rất lo - lo về già chị sẽ sống cùng ai, rồi ai chăm sóc chị…

leftcenterrightdel
 Ông bà Odin Gérard tiếp bà Liliane khi bà ghé gửi may giúp những chiếc khăn tay

Sau 8 năm theo chồng, chị mới biết có một lối sống tuổi già không phiền con cháu. Anh Odin lớn hơn chị 10 tuổi, đã nghỉ hưu từ nhiều năm trước. Anh sống một mình, dù đã có 3 người con với vợ cũ (đã mất).

Trước khi về chung sống, chị bày tỏ mối lo ngại cảnh con chồng, anh cười xòa: “Chúng có cuộc sống của chúng. Anh và em có cuộc sống riêng mình”. Cứ vậy, họ nắm tay nhau đi khắp châu Âu. Mỗi nơi trú lại, chị Odin đều xin việc làm hẳn hòi. Anh Odin Gérard cũng ủng hộ vợ.

Nhờ có việc làm, có thu nhập, dù chỉ bằng một nửa so với mức lương hưu của anh, nhưng chị sống rất thoải mái. Chị còn tích lũy được tiền riêng. Theo anh Odin, người già nào ở Pháp cũng sống như vậy - sau khi con cái trưởng thành, cha mẹ “hết trách nhiệm”. Các con cũng không phải nặng nề việc chăm sóc cha mẹ.

Đối diện nhà anh chị Odin trên đường Avenus du 8 mai 1945 ở xã Lormes, quận Nièvre, miền Trung nước Pháp, là gia đình ông Waout và bà Bien - cặp vợ chồng người Hà Lan, xấp xỉ 70 tuổi. Ông bà không có con, nhưng cuộc sống của họ đầy sắc màu.

Mỗi sáng, ông ra vườn dọn cỏ, chăm hoa. Xong việc, ông chạy chơi cùng chú chó husky, còn bà Bien ngày ngày đều kéo xe đi chợ, thăm hàng xóm… Lâu lâu, họ cùng nhau đến viện dưỡng lão thăm mẹ của bà. Ông Waout nói, sẽ đến ngày ông bà vào viện dưỡng lão như cha, mẹ, ông, bà của ông. Cuộc sống như vậy có gì buồn không? Ông nói, làm gì có chuyện buồn khi chúng tôi luôn yêu thương nhau và đã lên kế hoạch về già từ thời thanh xuân.

Chị Odin nói: “Anh Odin đã chọn nhà dưỡng lão tư nhân tầm trung, hợp mức lương hưu của 2 vợ chồng. Chắc không lâu nữa, chúng tôi sẽ vào đó sống. Bạn bè tôi, có người khó khăn hơn, họ sẽ vào viện dưỡng lão của nhà nước”. 

Một mình vẫn cứ vui 

Cảm giác sống một mình ra sao? Bà Mariette - tên thân mật là Momo - mỉm cười: “Tôi thấy thanh thản lắm. Ngày ngày, nếu trời quang mây tạnh, tôi sẽ đi bộ ra siêu thị, ngắm nhìn hàng hóa, xem giá cả, cười chào mọi người xung quanh… Ngày mưa hay tuyết, tôi ngồi bên lò sưởi, đan cho con, cháu, dâu, rể, bạn già hàng xóm mấy cái găng tay, khăn quàng cổ hay áo ghi-lê… Ngay chân tôi còn có con chó nhỏ chạy xung quanh mà buồn gì”.

leftcenterrightdel
 Y tá đến tận nhà lấy máu giúp ông Pierre xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ

Nay bà bước vào tuổi 75. Hơn 10 năm từ ngày chồng mất, bà Momo sống một mình nơi thị trấn Lormes nhỏ xinh này. Cứ 1, 2 tháng bà lại nhận 1 bưu thiếp - album ảnh màu được in trên tệp giấy A4 của tất cả con cháu của bà. Trong ảnh có khi là sinh nhật của cháu ngoại Lily hay ngày cháu cố Daniel biết đứng chựng, là ảnh của Peter - cháu nội trai của bà - lãnh bằng tốt nghiệp… Rồi hình con gái, con dâu đang nấu bếp, lái xe đi làm. 

Bà nói: “Bưu thiếp và còn video call qua WhatsApp nữa. Ngày nào chúng cũng gọi lu bù. Nhìn chúng nó vui, mình vui theo. Nhưng cũng có khi nó báo tin gặp chuyện buồn, mà buồn thì tôi biết mình có buồn lâu cũng không thể giúp chúng. Tôi vui, khỏe thì chúng sẽ an lòng học, làm, kiếm sống và thành công theo những giấc mơ của chúng”.

Nghe tôi hỏi bà sống một mình bệnh tật thì sao, bà cười: “Thì y tế lo. Tôi có bảo hiểm y tế mà”. Bà đưa tôi qua nhà hàng xóm, một ông cụ 91 tuổi đang được nhân viên y tế đến tận nhà lấy máu xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Bà nói, bữa trước, bà Evelyne, nhà cuối đường, phải đi mổ phụ khoa, nằm viện một mình 10 ngày. Xuất viện, y tế còn cử người tuần 3 bữa tới nhà vệ sinh vết thương, quét dọn nhà giúp vì biết bà ấy sống một mình.

Ngày chúng tôi gặp bà Momo lần đầu, bà đang buồn vì cô cháu ngoại mới 39 tuổi qua đời vì ung thư, để lại đứa con 8 tuổi. Nhưng khi thấy chúng tôi chia buồn, bà nói: “Không sao, chỉ lo cháu bé thôi. Cháu gái đi vậy sẽ không bị bệnh hành đau đớn nữa”. Hôm sau, chúng tôi vẫn gặp bà đi chợ, vui chào mọi người. 

Cuối tuần ấy, bà Momo vẫn đến nhà uống trà với gia đình ông Pierre - một ông lão 91 tuổi vui với tuổi già dù suốt ngày quanh quẩn bên cái bếp than; để rồi bà với ông tranh luận yaourt ngon hay phô mai bổ hơn. “Cuộc chiến không hồi kết” ấy làm 2 người ngoảnh mặt không thèm nói chuyện…

Cuối cùng, vợ ông Pierre phải ôm cả hai để giảng hòa. Bà Pierre cười giải thích: “Giận vậy đó, tuần sau gặp lại rôm rả nói cười, rồi thể nào cũng có chuyện mà giận tiếp”. Tuổi già lẩn thẩn, họ hiểu nhau và chia sẻ với nhau, nhưng ai nấy đều sẵn sàng cho ngày vào viện dưỡng lão của mình - điều họ đã chọn.

Lối suy nghĩ của bà Momo hay ông bà Odin đều quá khác biệt so với cách nghĩ của người Việt. Chúng ta vẫn hoài tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” và nếu phải chọn vào viện dưỡng lão sống là điều chẳng đặng đừng. 

Nói như các ông bà xứ Lormes này, tuổi già ra sao là do mình chọn. Nhưng hình như người già Việt Nam ta chưa thể chọn lựa cho mình lối sống độc lập, không làm phiền con cháu, bởi hệ thống bảo hiểm y tế, an sinh xã hội của chúng ta chưa “xịn” như xứ bạn. Song cũng đã đến lúc mỗi chúng ta phải chuẩn bị cho tuổi già thanh thản, an vui theo ý muốn chính mình rồi thì phải? 

Theo phụ nữ TPHCM