Bà giáo của lớp tình thương

Đều đặn mỗi buổi sáng sớm, từ thứ Hai tới thứ Sáu, bà Nguyễn Thị Kim Thuần - 73 tuổi, ở khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM - đạp xe đến lớp tình thương Ba Thôn dạy học.

leftcenterrightdel
 Dù đã 73 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thuần vẫn hăng say cống hiến

Bà tham gia công việc này từ năm 2021, phụ trách lớp Một với khoảng 20-25 học sinh mỗi khóa. Lớp tình thương, nơi những đứa trẻ nghèo, mồ côi, sớm vất vả mưu sinh đến kiếm con chữ là niềm vui sống của bà. 

Vốn là một giáo viên dạy tiểu học, năm 1987, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, bà xin nghỉ dạy để làm việc khác. Đến năm 1993, vì nhớ nghề, bà tham gia dạy phổ cập buổi tối tại quận Bình Thạnh suốt 13 năm. Đến năm 2016, khi các con đã có việc làm ổn định, kinh tế đã “dễ thở”, bà rời Bình Thạnh, chuyển về phường Thạnh Lộc, quận 12 sinh sống. 

Tuổi cao nhưng sức chưa yếu, vẫn đi đứng nhanh nhẹn, nói cười vồn vã, bà Thuần trở thành người “chị lớn” trong đội dưỡng sinh khu phố. Đội tập từ 5g sáng mỗi ngày tại đình thần Giao Khẩu.

Mỗi buổi sáng, mọi người luôn đến sớm để lau dọn vệ sinh, nhang khói trong đình. Sau khi tập luyện, họ còn quét dọn, trồng cây, trồng hoa trên tuyến đường TL31. Ngoài ra, bà Thuần còn tích cực tham gia nhóm văn nghệ, tập luyện và biểu diễn phục vụ bà con, hưởng ứng các hội thi, hội diễn; tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện. Bà chia sẻ: “Tham gia các hoạt động giúp tôi khỏe hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nghe tôi tâm sự rất yêu nghề dạy học, cô giáo của đội dưỡng sinh đã giới thiệu tôi vào lớp học tình thương của giáo xứ Ba Thôn”.

Kể về học trò, giọng bà Thuần đượm buồn. Hầu như bé nào cũng sống trong cơ cực. Có lần, đạp xe qua phường An Phú Đông, bà đứng chết lặng trước căn chòi vá víu của gia đình em Ngọc Trâm. Em sống cùng ông bà nội, bà bán hủ tíu còn ông bệnh nằm một chỗ. Cô bé thường đến lớp với những đôi dép chiếc đực chiếc cái, cũ mèm. Hay như Trúc Đào, ngày ngày theo bà cố ra chợ Cầu Đồng bán cá.

Ông bà cố của Trúc Đào không biết chữ, Trúc Đào cũng chưa được đến trường ngày nào. Được nhận vào lớp, em rất vui và ham học. “Các cháu đều sống trong cảnh ngặt nghèo, nhưng đều rất chăm ngoan. Ở lớp, ngoài dạy chữ, chúng tôi còn dạy các cháu lễ nghĩa, biết giữ gìn vệ sinh môi trường và nhất là luôn quyết tâm, lạc quan hướng về phía trước” - bà Thuần bộc bạch. 

Hết lòng vì người khó

Sân thượng nhà bà Nguyễn Thị Nữ - 73 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức - luôn có nhiều rau trái. Rau bà trồng không chỉ dùng cho gia đình mà còn mang cho lối xóm. Là một giáo viên trưởng thành trong môi trường quân đội, chuyện trồng trọt, chăn nuôi với bà đã là thói quen. Ngoài vườn rau, bà còn góp sức tạo vườn thuốc nam tại Trạm Y tế phường, trồng rất nhiều cây, hoa tại trụ sở khu phố. 

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Nữ (phải) thường xuyên đi thăm hỏi, hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Vào năm 2016, khi mới chuyển về địa phương, bà Nữ băn khoăn sao không thấy hội phụ nữ hoạt động gì. Sau đó, bà mới biết tổ 14, khu phố 2 chưa thành lập được tổ chức hội. Thế là bà tự nguyện “Để cô kết nối chị em cho”.

Với 24 năm làm hiệu trưởng trường tiểu học rồi THCS Tam Bình, bà có sự kết nối với nhiều thế hệ phụ huynh ở đây. Thành ra, khi ngỏ ý gầy dựng tổ hội phụ nữ thì các chị em đều ủng hộ bà, một số chị sống ở những tổ khác cũng tham gia. “Quen chắt bóp từ nhỏ nên tôi rủ những chị em có điều kiện lập quỹ tương trợ nhằm giúp hội viên có vốn buôn bán nhỏ” - bà Nữ cho biết. 

Năm 2019, bà Nữ đảm trách vai trò chi hội trưởng, quỹ tương trợ ngừng hoạt động, nhưng nhiều bạn bè, đồng nghiệp và học trò của bà lại góp tiền tạo nguồn vốn không phải trả lại cho những hộ đặc biệt khó khăn. 

Dù tuổi đã cao, nhưng chưa khi nào bà Nữ sao nhãng việc hội. 

Theo phụ nữ TPHCM