Mẹ tôi ly hôn năm bà 27 tuổi, một nách hai con, đứa lớn chín tuổi còn đứa nhỏ lên bảy. Khi đó mẹ đang làm kế toán cho một công ty phát hành sách. Vì ba tôi cứ nhậu vào lại đi tìm mẹ đòi tái hợp, mẹ phải bỏ việc, đi xin làm công nhân đứng máy in. Phần vì muốn cách ly ông chồng say xỉn, phần vì “con mèo ướt” là tôi hay vặt vẹo ốm đau nên mẹ xếp chứng chỉ kế toán, đi làm thợ in. Thời bao cấp, công nhân lao động trực tiếp lương cao hơn người làm việc văn phòng vì ngoài lương, còn có thêm tiền độc hại.
Mỗi ngày mẹ phải dậy và rời nhà từ 5g sáng, đạp xe hơn 10km từ H.Hóc Môn đến Q.5 (TP.HCM) để kịp vào ca sáng, rồi có khi tăng ca đến hơn 8g tối mới đạp xe ngược gió trở về.
Tôi nhớ, nhiều khi mẹ về, hai chị em tôi đã bị ngoại bắt lên giường ngủ. Nhưng ngày nào cũng vậy, dù mẹ về trễ đến đâu, mẹ cũng dựng cả hai đứa dậy, hôn hít, nắm tay nắm chân coi có trầy xước chỗ nào, giở tập sách dò coi hai đứa có học bài, làm bài đủ hay chưa, rồi thì thầm kể một câu chuyện cổ tích rồi mẹ mới ngủ.
|
|
Mẹ thích quanh mẹ cái gì cũng lung linh, nên chụp hình cùng con gái, mẹ đã gắn thêm cái mũ vui vẻ, đầy màu sắc |
Cuối tuần và ngày nghỉ, mẹ bắt hai chị em tôi lôi hết đồ đạc, sách vở trong các ngăn tủ ở căn phòng bé xíu của ba mẹ con ra sắp xếp lại cho ngăn nắp rồi tổng vệ sinh, lau nhà, lau hết đầu bàn, hộc tủ…
Vừa chăm con, mẹ vừa cống hiến 15 năm thanh xuân cho ngành in. Ngày mẹ nghỉ việc, bà là thợ in giỏi bậc 5/7.
Chị em tôi lần lượt vào đại học. Mẹ dùng số tiền ít ỏi mà bảo hiểm chi trả do mất sức lao động mở quán bán cà phê, nuôi hai chị em tôi. 10 năm sau, khi tôi đã chồng con đề huề, em trai tôi có việc làm ổn định mẹ mới giao quán cà phê lại cho dì để đi học viết.
Mẹ học lớp viết báo và làm cộng tác viên có lương của vài tạp chí. Bất ngờ hơn, mẹ theo lớp sáng tác kịch bản để rồi những vở Sống thử, Trinh nữ, Bà ngoại thời @… giúp mẹ thành danh. Người ta biết tới tên Ngọc Trúc nhiều hơn, từ cô thợ in, bà bán cà phê, mẹ rạng rỡ bước lên sân khấu lớn.
Mẹ tôi trẻ lại ở tuổi 50, rồi càng trẻ hơn khi hôm nay 70 tuổi. Dẫu cũng có nhiều buồn đau, có cả bệnh tật hiểm nghèo hành hạ, nhưng nhìn bà luôn hớn hở, tươi vui.
Chị em tôi hay trêu mẹ: “Mẹ yêu đi mẹ!”. Mẹ cười: “Khổ lắm, không được đâu!”. Rồi bà thủng thẳng: “Hồi xưa muốn quên một người mà không quên được. Còn bây giờ mẹ muốn nhớ một người mà nhớ hoài không ra họ là ai”.
Chị em tôi ôm bụng cười. Bởi biết bà nói thật. Thật như cái lần thứ n bà nhận nhầm chú H. (người mà chị em tôi mong mẹ tiến tới cho có bạn, có đôi) thành một người đàn ông lạ hoắc lạ huơ ở bờ kè Côn Đảo. Lần khác, thấy một người quen quen, mẹ mở miệng cười chào, đến gần mới phát hiện ra đó là ba tôi, người mà bà không muốn gặp lại.
Cái tính hay quên khiến mẹ tôi sống vui vẻ. Bởi buồn đó, xong rồi bà có thể vui ngay. Hôm qua mẹ khóc ngất vì dì Hai đổ bệnh, hoặc mẹ sẽ bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày khi nghe tin người bạn rất thân qua đời. Nhưng sau đó, nhìn cái cây trước sân nhà nhú chồi non, nhìn con gà cục tác đẻ ra cái trứng trong vườn, mẹ cũng bình tâm an ủi dì, gọi điện xoa dịu nỗi thương tâm của gia đình người bạn.
Rồi mẹ mày mò lên mạng tìm cách giúp dì Hai sống vui với bệnh mạn tính, kết nối liên lạc giúp những đứa con của người bạn còn nghèo khó kia tìm kế mưu sinh.
Mẹ tự cân bằng lại những nỗi đau bằng niềm vui bà tự tạo cho chính mình.
Chán phải nghe lối xóm hát karaoke ồn ào, mẹ tôi chạy hơn 30 cây số lên vườn nhà con trai nhổ cỏ, bắt sâu. Ngày phải đi bệnh viện tái khám định kỳ giữa mùa COVID-19 trở về, bà chạy thẳng lên vườn nhà của con gái sống một mình để cách ly với người thân, cho gia đình được an toàn.
Mẹ tôi thuộc típ người đặc biệt. Bà thích mọi thứ xung quanh mình phải sạch sẽ, thơm tho và màu sắc. Vì vậy công việc hằng ngày của mẹ ngoài những lúc cặm cụi sáng tác là đi… thắt nơ cho áo quần, túi xách.
Vì sở thích đó của mẹ, tôi không nhận ra… đôi giày mình hay đi bởi tự nhiên có thêm mấy hột nút lấp lánh hay cái nơ cánh bướm xinh xinh. Có một lần mẹ đi trại sáng tác hơn 10 ngày, nhớ mẹ, tôi vào phòng bà lục đồ. Nhìn tủ quần áo với đủ sắc màu, rồi nơ, kẹp, băng đô, phấn son… tôi bật thốt với dì: “Mẹ con mà có con gái chắc mẹ trang hoàng như công chúa!”. Dì tròn mắt nhìn tôi, bởi tôi đang là con gái của mẹ đó thôi!
Thật tình, tôi là con gái mà không giống mẹ. Từ nhỏ tôi ghét mặc áo nhún bèo, thắt nơ. Cho tới bây giờ mẹ vẫn hay cằn nhằn tôi không biết dùng phụ kiện, phối áo quần làm cho mình đẹp hơn. Nhiều lần tôi chào mẹ đi làm, bà nhăn mặt, nhíu mày: “Con đứng yên đó chờ mẹ!”. Rồi lật đật vô buồng lục tủ lấy sợi thắt lưng hoặc cái kim cài bắt phối. Không ít lần bà bảo tôi thay áo ra để… mẹ đơm thêm cái gì đó hay lắm!
Yêu thương và quan tâm của mẹ có khi khiến chị em tôi, rồi cả các cháu tôi rầu rĩ. Bởi không phải chỉ con gái mới bị mẹ soi mặt mụn, nổi tàn nhang, tăng cân, chê xấu, mà kể cả các chị em của mẹ, con trai, cháu ngoại, cháu nội đứa nào chưa đẹp đều bị mẹ mang ra “xử” rồi sửa cho “ngay và luôn”. Mẹ tặng dầu thơm, mua váy áo, đặt hàng kem trị mụn, thuốc xức răng. Đứa nào yêu đương, hôn nhân không hạnh phúc mẹ cũng phát rầu…
Có đôi lúc tôi năn nỉ mẹ bớt lo và la, thì bị mẹ quát: “Mẹ đang nói a, b, c, d…”, làm tôi hết cả hồn.
Có bữa sau khi la chị em tôi, mẹ trang điểm đẹp, không thèm nói tiếng nào, bà xách xe chạy như là giận lắm. Nhưng chỉ hơn nửa tiếng sau, nhóm chat của nhà tôi có tin nhắn các hình chùm ổi sẻ chín mọng, mớ mướp, bí đao mới cắt xanh tươi, ổ gà có hơn chục trứng… mẹ đăng lên.
Những lúc ấy, nhìn qua camera ở vườn, thấy mẹ lúi húi tay nhổ cỏ, tay xua bầy gà, biết mẹ đã tự tìm được trạng thái cân bằng, tôi thương mẹ đến nao lòng.
Theo phụ nữ TPHCM