Tối 20 tháng Chạp, trong chầu cà phê với bạn bè thời trung học sau những câu chuyện cười đã đời, một bạn tôi bỗng buột miệng: “Ngồi đây tán gẫu thì thấy thong thả, nghĩ đến mấy ngày sắp tới oải quá, mọi người chuẩn bị tết đến đâu rồi”. Vậy là kiểu như có người mở lời, cái nút chai bật tung ra những câu vừa kể vừa ta thán: “Tui mua bánh mứt ở siêu thị rồi”, “Tui còn cái nhà chưa dọn”, “Năm nay ông chồng tui lại bày ra gói bánh tét, ăn không bao nhiêu, toàn nấu cho người này người kia. Tui không ngại việc gói mà ngại chuyện dọn”…
Mỗi người chốt hạ một câu, ai nấy thấy chí lý: “Rồi cũng xong đâu vào đó hết, tết qua cái vèo thôi mà”.
|
|
Thời gian như một dòng chảy, luôn chảy |
Thời gian như một dòng chảy, luôn chảy. Trong cái dòng thời gian tuôn chảy không bao giờ ngừng lại đó, có những sự kiện xảy ra khiến con người phải đi nhanh hay chậm lại. Và tết là cái mốc thời gian đặc biệt nhất làm cho sáng trưa chiều tối thành bận rộn.
Hình dung trên dòng chảy (của ông) thời gian tưởng như vô tình đó, con người như rộn lên khi tờ lịch rơi xuống và mất hút. Những chộn rộn nhanh của xã hội những ngày giáp tết bỗng như có chiếc đũa thần gõ xuống, biến những chuyển động nhanh thành chậm lại vào những ngày “mùng”. Niềm vui, hạnh phúc và cả nỗi buồn, cô đơn… có đầy đủ. Mỗi người một hoàn cảnh.
Không chỉ ngoài xã hội mà trên các trang mạng cũng đủ kiểu chộn rộn và bức tranh tết hiện ra với nhiều sắc màu, âm thanh. Facebook là một trong những kênh đa dạng màu sắc đó, thể hiện rõ nét sự đa dạng hoàn cảnh.
Có người con cháu sum vầy, nét mặt ai cũng rạng rỡ tươi tắn trong những tấm hình áo xống lung linh, thì cũng có những dòng trạng thái than thở về nỗi cô đơn khi tết chỉ có một mình… Trong bức tranh tết đủ màu ấy, tuy không thể hiện hết tính muôn mặt của xã hội nhưng qua đó có thể hình dung được dòng chảy cuộc đời dừng lại một chút, mọi thứ có thể lắng xuống hay bùng lên những trạng thái cảm xúc.
Và rồi như câu nói của người bạn tôi ở trên, rồi cũng qua hết thôi mà. Điều đó còn hàm ý, đừng lo lắng gì dù thế nào thì tết cũng xong.
Và đúng là tết đã qua, đã xong. Bà nội trợ mở kho tủ lạnh kiểm xem những thứ gì còn, giải quyết như thế nào để không lãng phí. Cái nào hư phải bỏ đi, ăn chỉ tổ sinh bệnh rồi lại trách mình năm nào cũng như năm nào không bỏ được cái tính “sợ thiếu”.
Những người mẹ, người bà lần nữa lại ra cổng vẫy tay chào con cháu túi xách đùm đề lên xe về lại thành phố. Không loại trừ cái nhìn buồn bã, hay những giọt nước mắt mà chỉ mới tuần trước thôi, đón chúng về sao vui đến thế. Những bước chân con cháu xa dần, có đứa cháu tình cảm, quay đầu lại nhìn bà, cái bàn tay nhỏ nhỏ xinh xinh vẫy vẫy, sao bà thương thế không biết!
Bức tranh tết lùi dần như bóng người mờ dần về phía xa. Ông, bà, cha, mẹ quay vào nhà, lại bắt đầu việc dọn dẹp, công chuyện nhà và chờ đợi tiếng chuông điện thoại, hình ảnh con cháu qua màn hình… Và lại ngóng thời gian: “Tết năm sau chúng lại về”.
Bức tranh tết lùi dần và mất hút. Trên những con đường bận bịu áo cơm là những lo toan mà mình đã tạm quên mấy ngày tết bên ông, bà, cha mẹ bắt đầu hiện ra rõ nét, đối mặt với thực tại. Nói câu động viên: “Tết năm sau sẽ về thăm ông bà nữa mà”.
Trên cái dòng thời gian tưởng là vô tình đó hiện lên những hợp đồng, công việc, nghề nghiệp. Năm nay sẽ làm gì, cố gắng như thế nào, mình phải thay đổi cái gì, cái nào cần buông bỏ, một mối quan hệ không tốt cần phải bình tĩnh và sáng suốt chấm dứt, quyết không níu giữ những buồn bã, đớn đau khi tâm hồn bị tổn thương.
Năm mới là hy vọng, là làm lại, làm mới. Nói câu quyết tâm, biết là khó vì cuộc đời còn phụ thuộc vào may mắn nữa.
Những bước chân mạnh mẽ đi về phía trước với nhiều lạc quan thì cũng có những bước chân chầm chậm trong vườn, sau nhà, chái bếp chỉ biết quanh quẩn lời nguyện cầu cho con cháu được bình an, thuyền to thì sóng lớn, đã nói câu khuyên nhủ mà không biết chúng có nghe không?
Theo phụ nữ TPHCM