Bố thích làm cho những việc bình thường nhất trở nên thú vị. Chẳng hạn như nhà mấy chị em chữ ai cũng đẹp chỉ có em trai viết chữ xấu, nghuệch ngoạc và viết bằng tay trái. Hè đến, bố mua một cuốn vở dày, bọc bìa thật đẹp và ghi bên ngoài là Chép thơ hay. Và thế là con trai vừa luyện chữ vừa thuộc được những bài thơ hay mà bố mẹ và các chị em trong nhà chọn.

Tủ sách của nhà đồ sộ tưởng chừng như không bao giờ có thể đọc hết, nhưng bố dành riêng một giá sách toàn truyện và thơ thiếu nhi cho trẻ con trong nhà. Bố không chỉ đặt báo Thiếu niên tiền phong, báo Nhi đồng đều đặn mà còn thỉnh thoảng mua sách tặng riêng cho các con trong nhà. Cuốn thơ vui cho thiếu nhi dịch từ tiếng Nga Ngài Tuytxto in năm 1981, trong trang thứ hai bố ghi: Tặng con gái yêu của bố. Và con gái đã thuộc cuốn thơ ấy cho đến tận bây giờ.

Một trong những việc mà bố chỉ bảo kỹ lưỡng cho con gái, đó là quét nhà. Cách cầm chổi ra sao, nhấn chổi thế nào để quét cho sạch mà lại nhẹ tay, lựa ngóc ngách moi gầm giường gầm tủ, cách đứng sao cho người quét khỏi bụi, quét sao cho lựa hướng gió mà đừng có làm bụi ngàu cả nhà lên, và phải ý tứ dừng tay quét khi sắp có người đi ngang qua… Và cách rửa bát ra sao, rửa đũa thì phải vặn đũa thế nào cho sạch. Rau thì phải rửa ít nhất ba nước, rau ăn sống thì ngâm nước muối và vẩy rau sao cho khỏi rơi khỏi rổ mà lại ráo nước.

Khi chỉ bảo, bao giờ bố cũng nói thật nhẹ nhàng và tình cảm với các con, nhớ lại hình như con gái chưa khi nào bị bố nặng lời. Bố cũng thích tự tay cắt tóc cho con gái, chỉ một kiểu tóc ngang gọi là kiểu đầu khoanh bí. Có lần bố cắt quá tay, rồi sửa mỗi bên một chút, đến lúc xong, nhìn vào gương thấy tóc ngắn quá cộc quá, con gái khóc hu hu bắt đền bố rồi không chịu đi học vì xấu hổ với bạn bè. Vậy mà lần sau vẫn ngoan ngoãn cho bố cắt, đến tận khi học cấp ba để tóc dài rồi mới thôi.

Đất nhà chỉ khoảng một sào, ngoài dăm luống chè hái lấy búp sao khô thì toàn là cây ăn quả. Một cây bưởi to đứng lừng lững giữa vườn, rồi nào mít, nào ổi, nào na, và rất nhiều chuối ... Trước nhà là mảnh sân đất nện, hai bên sân trồng hai cây ngâu thật to, đến mùa hè, hoa ngâu chín vàng thơm ngan ngát trong nhà ngoài sân. Rồi vườn rau mẹ trồng xanh tươi đủ loại rau mùa nào thức ấy. Chỉ có khoảng đất rộng cạnh đầu hồi nhà là trồng toàn hoa và cây cảnh mấy chị em quen gọi là vườn của bố.

dac-diem-y-nghia-va-nhung-su-that-thu-vi-ve-hoa-quynh-nu-hoang-cua-bong-dem-202201101156348126

Ảnh minh họa.

Góc vườn là cây lựu thân đã lớn xù xì, hoa sai chiu chít rực rỡ khi hè về. Kế đó là một bụi hoa nhài thật lớn. Khi mang về mớ cành xin được của nhà người ta, bố đã đào một hố đất, gọi cả sáu chị em tới, mỗi đứa tự tay trồng một vài cành. Và chia nhau tưới, và chăm bón. Bụi nhài giờ xum xuê, mùa hè hoa nở trắng muốt, đêm thơm ngào ngạt. Vườn của bố còn nhiều loại cây và hoa khác như đồng tiền đơn và đồng tiền kép, hoa hồng bạch, hồng cỏ, sói, mộc, dã hương, hải đường, vạn tuế, nhất chi mai… Nhưng chỉ duy nhất cây quỳnh và cành giao là được bố nâng niu trồng vào chiếc chậu đất gốm Thổ Hà. Ngày mới trồng, cành giao nhỏ xíu bên chiếc lá quỳnh màu xanh hơi ngả vàng.

Con gái lạ lắm hỏi: “Bố ơi cây gì thế?”

“Là cây quỳnh cành giao, hoa đẹp lắm, nở vào đêm trăng muộn con gái ạ!”

Chăm bẵm mãi rồi cả giao cả quỳnh đều xanh tốt, dãi nắng. Và cho nụ. Mới đầu là một nụ thôi, bé xíu. Nhìn nụ quỳnh lớn dần, bố bảo nhà mình chuẩn bị được thưởng hoa. Thế rồi đến một đêm trăng hạ tuần tháng Sáu, bố mang chậu quỳnh đặt lên chiếc đôn kê ở giữa sân, giục trẻ con mang bàn nước ra sân, bày ghế xung quanh.

Mẹ pha chè búp trong chiếc ấm nhỏ xinh, đợi chè ngấm, bố rót ra chén nhỏ cho bố và mẹ, hương chè thơm tinh khiết, nhẹ nhàng, ngai ngái. Khi mẹ đã châm nước thứ hai vào ấm, bố rót ra một tách nhỏ và trịnh trọng gọi: Nào, con gái ra đây bố cho tách chè! Phải là dịp đặc biệt, vì thường là trẻ con trong nhà không uống chè búp. Có uống là uống nước lá chè tươi mẹ hái và vò, ủ trong ấm tích lớn. Con gái sung sướng đưa hai tay đỡ chiếc tách nhỏ từ tay bố, nhấp một chút. Chè pha nước thứ hai vẫn còn xanh ngan ngát, vị hơi chát, thanh, ngọt đọng lại trong miệng như thể đang ngậm búp chè xanh non tươi mới hái.

Khoảng chín giờ tối, trăng lên khá cao, mà nụ quỳnh thì vẫn ngậm thinh chưa mở. Thời gian nhẹ nhàng đi trong êm lặng. Rồi hai em nhỏ nhất buồn ngủ quá nên chị cả đưa vào buồng ngủ trước, chỉ còn ba chi em và bố mẹ. Câu chuyện người lớn hôm ấy về điều gì không rõ, chỉ nhớ bố ngâm nga đọc một câu Kiều bằng cái giọng trầm ấm:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

Càng khuya trăng càng cao càng sáng. Đêm cứ thăm thẳm với những tiếng lào xào của gió trên rặng tre đầu ngõ, trên những luống chè và cây vườn, của tiếng côn trùng, có tiếng chó sủa xa xa tít trại bên cách đồng. Thế rồi nụ quỳnh bắt đầu mở cánh, từ từ từng cánh một. Thật nhẹ nhàng, thật chậm rãi, mãi rồi mới tới cái khoảng khắc những cánh hoa nở bung. Mấy chị em trầm trồ nhìn vào đài hoa bên trong trắng nao nuốt với những cọng nhị mềm mại màu vàng thật nhạt hình dung như những cô tiên trong đám mây trắng. Hương quỳnh lẳng lặng man mát trong đêm. Bố mẹ thì nhìn nhau, nét cười trên mặt như trẻ ra vì ánh trăng và bóng đêm xóa hết những nếp hằn tuổi tác

Có phải trong cuộc đời này đôi khi hiện hữu những sự tình cờ đến khó tin, và cũng như một cơ duyên không lặp lại, như một phần thưởng bất ngờ khiến người ta phải tin vào những điều kỳ diệu.

Đấy là ngày 13/8/1990, buổi chiều cuối cùng trước chuyến bay sang Nga của đoàn lưu học sinh. Dự kiến một năm học tiếng, năm năm học đại học tổng cộng là sáu năm. Khi ấy con gái đã chia tay gia đình ở quê, ra Hà Nội để sáng hôm sau theo đoàn ra sân bay sớm. Khoảng hơn sáu giờ tối, trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, chương trình dành cho thiếu nhi, con gái bất ngờ nghe thấy thơ của bố:

“ .. Sông ơi sông cứ hát

Thơm mùi thị mùi na

Vườn ơi vườn cứ hát

Dòng sông qua trước nhà”

(Dòng sông trước cửa – Anh Vũ)

Và có một buổi chiều của năm Covid -19 thứ tư, đoàn công tác lướt thướt trong mưa, đã lâu rồi ở cái thành phố biển phương Nam này mới có những trận mưa cuối mùa lớn đến như vậy. Về đến phòng mở điện thoại, có ai đó gửi lên nhóm Zalo cho hai người phụ nữ cùng đoàn lời chúc mừng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 kèm bức ảnh chụp một bông hoa quỳnh.

Cái khoảng khắc những cánh hoa mỏng manh tinh khiết, trắng nao nuốt hé mở trong đêm rất sâu được người nghệ sỹ không quen ấy lưu lại trong bức ảnh một cách tài hoa. Dường như thấy được cả mùi hương ngọt dìu dịu man mát nhẹ nhàng quen thuộc. Nước mắt mấp mé tràn mi, ký ức về những đêm trăng thưởng quỳnh của gia đình ngày thơ bé như bỗng ùa về trong lòng người đàn bà đã ngoài năm mươi tuổi. Cảnh vườn xưa giờ đây đã khác, người xưa thì cũng đã hạc nội mây ngàn. Bố ơi!

Theo giadinhonline.vn