1. Đông y có chữa được tắc tuyến lệ không?

Tắc tuyến lệ hay còn gọi là tắc tuyến lệ đạo xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần. Có nhiều nguyên nhân trong đó có thể kể đến các nguyên nhân phổ biến như: tắc nghẽn bẩm sinh, liên quan đến tuổi tác, viêm nhiễm, chấn thương… Vì vậy, đông y không chữa được tắc tuyến lệ. Tuy vậy, một số phương thuốc có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả căn bệnh này.

2. Cách xử trí khi bị tắc tuyến lệ

Mỗi đối tượng và nguyên nhân gây bệnh sẽ có những phương pháp điều trị tắc tuyến lệ khác nhau.

- Đối với trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ bẩm sinh: Nhiếu trường hợp trẻ sơ sinh bị mắc tắc tuyến lệ không cần phải điều trị, vì khoảng 90% tuyến lệ có thể "tự khai thông" trở lại khi trẻ 1 - 2 tuổi.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyến lệ chưa thông hẳn, cha mẹ cần biết cách làm vệ sinh cho trẻ như sau:

  • Sử dụng bông mềm hoặc khăn vải xô mềm chấm nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý NaCl 0.9%
  • Nhẹ nhàng lau mắt cho trẻ, lấy hết gỉ mắt… Lưu ý lau hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng để tránh trầy xước mi gây viêm nhiễm. Nếu thấy mắt trẻ có hiện tượng sưng đỏ cần đưa ngay đến các bệnh viện mắt uy tín để có phương pháp điều trị phù hợp. Nên massage 2 - 4 lần/ngày để mắt trẻ luôn được sạch sẽ.

- Với các bệnh nhân bị chấn thương vùng mắt gây tắc tuyến lệ: Bác sĩ sẽ theo dõi cho đến khi vết thương lành. Trường hợp vết thương lành mà tuyến lệ vẫn tắc, khi đó, bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.

Có thể đặt luồn ống thông để mở các tắc nghẽn thu hẹp trong phạm vi hệ thống ống nước mắt. Trước khi tiến hành đặt luồn ống cần gây tê cho bệnh nhân. Giãn thông qua ống thông bóng để mở các đoạn thu hẹp hoặc bị chặn bởi sẹo, viêm và các nguyên nhân khác.

- Phẫu thuật mở túi lệ xuống đến tận mũi: Chỉ định cho người lớn và trẻ lớn bị chống chỉ định ống thông, ngoài ra nó còn được chỉ định cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi với ống dẫn nước mắt bị tật bẩm sinh khi đã sử dụng các phương pháp khác mà không có hiệu quả. Phẫu thuật nhằm giúp mở lối thoát nước mắt vào mũi.

3. Tắc tuyến lệ có chữa khỏi được không?

Tắc tuyến lệ là bệnh lý phổ biến và hoàn toàn có thể chữa được. Tùy thuộc đối tượng, nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng tắc nghẽn mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến tắc tuyến lệ- Ảnh 2.
Tắc tuyến lệ là bệnh lý xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn. Ảnh minh hoạ.

4. Cách chăm sóc bệnh nhân tắc tuyến lệ tại nhà

Tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đối với trẻ bị viêm tắc lệ đạo bẩm sinh thì cha mẹ nên massage lệ đạo cho trẻ để giúp đôi mắt của trẻ được thư giãn, tạo những phút nghỉ ngơi thư thái giúp lấy lại năng lượng cho các hoạt động tiếp theo. Massage mắt đúng cách và hợp lý còn giúp đôi mắt của trẻ có vẻ đẹp tự nhiên, khỏe khoắn.

Các bước massage lệ đạo khá đơn giản:

  • Đặt trẻ nằm trên giường hay trên 2 chân. Một tay đỡ đầu trẻ, tay kia dùng ngón trỏ (hoặc ngón út) đặt lên hốc mắc (góc mắt) của trẻ, hơi xiên xiên, mũi ngón tay hướng về phía đầu trẻ. Ấn nhẹ ngón tay xuống để đẩy mủ (ghèn) trong túi lệ ra ngoài.
  • Dùng bông gòn thấm tí nước ấm để lau mắt cho sạch.
  • Nhỏ thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê toa (nếu có). Chờ khoảng 2 phút cho thuốc lan đều trong mắt.
  • Đặt ngón trỏ vào vị trí cũ, ấn nhẹ và miết ngón tay dọc theo cánh mũi, làm 10 lần.
  • Mỗi ngày bạn thực hiện 3 lần. Ngoài ra, lúc có thời gian bạn cũng có thể làm động tác massage mà không cần nhỏ thuốc. Nhớ lau mắt của trẻ bằng bông gòn thấm nước ấm và nước phải sạch.

Tương tự với người lớn cũng cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ và massage ống dẫn lưu nước mắt: Massage nhẹ nhàng giữa các ống dẫn lưu và massage dọc lên phía trên mũi giúp tuyến lệ lưu thông tốt hơn.

Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay, sát khuẩn tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh viêm kết mạc. Khi có cảm giác xốn mắt hay ngứa mắt thì không nên dụi hay chà mắt. Không sử dụng chung mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm với người khác.

Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá vì chúng sẽ gây kích ứng đường mũi, làm tình trạng nhiễm khuẩn và tắc tuyến lệ ngày một nặng hơn.

5. Những lưu ý quan trọng đối với tắc tuyến lệ

Tình trạng tắc tuyến lệ thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đối với người lớn, có thể bệnh do sưng, chấn thương, khối u hoặc nhiễm trùng mắt. Bạn có thể thể kiểm soát nguy cơ bị tắc tuyến lệ đạo bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Tuổi tác và giới tính: Do những thay đổi liên quan đến tuổi tác, phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ bị bệnh cao nhất.
  • Người mắc viêm mắt mạn tính có nguy cơ mắc cao hơn.
  • Người từng thực hiện các phẫu thuật mắt, mí mắt, mũi hoặc xoang.
  • Bệnh tăng nhãn áp sử dụng thuốc chống tăng nhãn áp, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
  • Bệnh nhân dùng thuốc hóa trị và xạ trị ung thư có nguy cơ cao.

Vì vậy, khi có biểu hiện tắc tuyến lệ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

6. Chi phí chữa bệnh tắc tuyến lệ

Tùy từng trường hợp cụ thể mà có phác đồ phù hợp, có thể chăm sóc tại nhà hay day vùng túi lệ kết hợp tra thuốc kháng sinh nếu có gỉ mắt nhiều, sau 3 tháng không đỡ thì cho người bệnh đến bơm thông lệ đạo.

Đối với phẫu thuật tắc tuyến lệ, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán cần thiết để xác định tình trạng bệnh. Khoản chi phí này sẽ phụ thuộc vào loại xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán được áp dụng.

Trung bình chi phí phẫu thuật tắc tuyến lệ khoảng 3 triệu đồng cho mỗi bên mắt. Đây chỉ là chi phí ước tính và không bao gồm các yếu tố bổ sung như thuốc và chăm sóc hậu phẫu. Khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh có thể phải nhập viện và điều trị. Sau đó sẽ tái khám sau 7 ngày để đảm bảo tiến trình điều trị. Trường hợp bệnh nhân đặt ống silicone sẽ được hẹn rút ống từ 2 đến 4 tháng sau khi thực hiện phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, bảo hiểm y tế có thể bảo trợ một phần chi phí phẫu thuật tắc tuyến lệ. Tuy nhiên, phạm vi bảo hiểm và mức độ bảo trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bảo hiểm mà bạn đang sở hữu.

Ngoài ra, giá phẫu thuật có thể thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh viện và tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Vì thế, việc tham khảo ý kiến và thỏa thuận với bác sĩ trước khi tiến hành phẫu thuật là điều quan trọng để có thông tin chính xác về chi phí và quy trình điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn