Theo y học hiện đại, gan lợn là loại thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng, chất dinh dưỡng.
Vitamin B12, vitamin A, riboflavin, folate trong gan lợn tốt cho hoạt động của bộ não, cải thiện thị lực, làm sáng mắt, chữa mỏi mắt, khô mắt, duy trì hoạt động bình thường của tim và thận.
Ngoài ra, gan lợn còn chứa nhiều sắt, đồng, choline khi hấp thu sẽ tốt cho máu và gan. Trong gan lợn cũng có hàm lượng vitamin C và selen cao giúp chống lại quá trình oxy hóa; cùng với lượng collagen dồi dào, gan lợn có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa của da, giúp da trở nên mịn màng, săn chắc hơn.
Gan lợn cũng là nguồn cung cấp protein và một số loại acid amin mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Theo Đông y, gan lợn có tên là trư can, có vị ngọt đắng, tính ấm, nhập kinh can. Gan lợn có các tác dụng bổ can, dưỡng huyết, làm sáng mắt, bổ khí kiện tỳ, thường được sử dụng điều trị các chứng mờ mắt do can hư, quáng gà, chứng cam mắt, cam tích ở trẻ nhỏ, tỳ vị hư nhược, cước khí phù thũng, thủy thũng, thoát giang, đới hạ.
Theo sách Trung hoa bản thảo, gan dùng để chữa bệnh có thể dùng như một loại thực phẩm, cho vào thuốc sắc hoặc dưới dạng hoàn, tán.
Dưới đây là 5 bài thuốc có sử dụng gan lợn điều trị bệnh được ghi lại trong các thư tích Đông y.
1. Bài thuốc 'Trư can hoàn chứa gan lợn'
Công dụng: Trị chứng hư lao kèm theo có tâm phế ủng nhiệt, người xuất hiện lúc nóng lúc lạnh lúc xế chiều, hồi hộp không yên, thường thấy như phiền khát.
Thành phần: Dùng 2 bộ gan lợn (thái mỏng như lá liễu), cam thảo 600g (bột tươi).
Cách làm: Hai vị thuốc trên (đặt một lớp gan lợn, một lớp cam thảo vào trong chảo), cho khoảng 1 lít đồng tiện (nước tiểu trẻ em), đun cạn hết nước tiểu, lấy thuốc ra nghiền nhỏ làm hoàn như hạt ngô đồng.
Mỗi ngày uống 20 viên, uống lúc bụng đói với nước gạo, tăng dần liều đến 30 viên/ ngày.
Gan lợn thái mỏng trong bài thuốc trư can hoàn.
2. Bài thuốc 'Trư can canh'
Công dụng: Trị chứng tạng can hư nhược, không nhìn xa được.
Thành phần: Dùng 1 bộ gan lợn (thái mỏng, bỏ phần gân và màng trắng đi), 1 nắm hành lá (bỏ rễ, thái nhỏ), 3 quả trứng gà.
Cách làm: Đặt các vị thuốc trên vào trong nước đậu xị, nấu thành canh, khi gần chín đánh vỡ trứng gà, trộn vào để ăn.
3. Bài thuốc 'Tước manh tán'
Công dụng: Trị chứng đêm đến mắt không nhìn được.
Thành phần: Dùng một lá gan lợn đực (dùng dao làm bằng trúc cắt ra), phong phấn 12g (tức vỏ con trai nghiền mịn, nếu không có có thể thay bằng dạ minh sa).
Cách làm: Phong phấn cho vào trong gan lợn, buộc lại bằng dây gai, nấu với nước gạo đến khi chín được 7 phần. Lấy phần gan lợn chấm thêm phong phấn rồi nhai nhỏ, chiêu thêm bằng phần nước dùng.
Vị thuốc dạ minh sa có thể kết hợp với gan lợn trong bài thuốc Tước manh tán
4. Bài thuốc chứa gan lợn trong Bản thảo cương mục
Công dụng: Trị chứng thủy thũng đi tiểu buốt rắt.
Thành phần và cách làm: Dùng 3 miếng đầu nhọn ở gan lợn, 4 nắm đỗ xanh, 1 cốc (khoảng 180ml) gạo, cùng nấu thành cháo ăn.
5. Bài thuốc 'Trư can hoàn'
Công dụng: Trị chứng đi ngoài phân lỏng nát, ăn uống và thuốc thang đều đi nguyên ra ngoài, không hấp thu được.
Thành phần: Dùng 600g gan lợn (hầm cho khô), hoàng liên, ô mai nhục, a giao mỗi vị 80g, hồ phấn lượng bằng 7 quân cờ.
Cách làm: Các vị trên nghiền nhỏ, lấy mật làm hoàn to như hạt ngô đồng, uống với rượu mỗi lần 20 viên hoàn, mỗi ngày uống 3 lần, cũng có thể tán bột uống.
Mặc dù, gan lợn có những tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng cũng giống nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ phủ tạng động vật khác, không nên ăn lượng quá nhiều, quá thường xuyên... Đặc biệt những người vốn có các bệnh lý như tăng huyết áp, gout, rối loạn chuyển hóa lipid, phụ nữ có thai không nên sử dụng loại thực phẩm này. |