Người phụ nữ khỏe mạnh (trừ trường hợp có thai hoặc đang cho con bú) khoảng 28 ngày hành kinh 1 lần. Thời gian hành kinh kéo dài 3-4 ngày hoặc 5-6 ngày. Lượng kinh huyết không nhiều không ít (khoảng 50-100ml). Kinh lúc đầu đỏ nhạt sau đậm hơn, cuối cùng lại đỏ nhạt. Chất kinh không quá loãng cũng không quá đặc, không vón cục, không có mùi hôi dị thường...
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc có tác dụng bổ huyết điều hòa kinh nguyệt:
1. Canh mộc nhĩ, táo đỏ, gà mái giúp điều hòa kinh nguyệt
- Nguyên liệu: Mộc nhĩ 30g, táo tầu 10 quả, thịt gà mái 800g, nước, magi, dầu vừng vừa đủ.
- Giá trị dược lý:
+ Mộc nhĩ: Vị ngọt, tính bình; có tác dụng nhuận phổi, ích khí, bổ não, an thần, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tim mạch, hoạt huyết, chống tụ máu; thích hợp với người bệnh cao huyết áp, thiếu máu, bệnh trĩ, táo bón.
+ Táo đỏ: Vị ngọt, tính ôn; có tác dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần; hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, tỳ hư khí yếu, huyết hư da vàng, tinh thần bất an, thiếu máu.
+ Thịt gà mái: Vị ngọt, tính ôn; có tác dụng ôn trung ích khí; tăng cường sức khỏe cho người gầy yếu, mệt mỏi, kém ăn, hay khát nước, tiêu chảy, phù thũng, thiếu sữa sau khi sinh...
Táo đỏ dùng trong trường hợp kinh nguyệt ít hoặc tắc kinh
- Cách làm: Thịt gà rửa sạch, chặt nhỏ, mộc nhĩ ngâm rửa sạch, táo đỏ rửa sạch. Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi đất, rồi cho thịt gà, mộc nhĩ, táo đỏ vào đun đến khi thịt gà chín là được.
- Cách dùng: Ăn cả cái lẫn nước, mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 5 ngày.
- Công dụng: Dưỡng huyết điều kinh, chữa chứng kinh nguyệt ít, nhỏ giọt hoặc tắc kinh do huyết hư gây nên.
2. Hoàng kỳ, câu kỷ, thịt gà
- Nguyên liệu: Hoàng kỳ 60g, câu kỷ tử 20g, thịt gà 800g, một lượng nước, gia vị vừa đủ.
- Giá trị dược lý:
+ Thịt gà: Vị ngọt, tính ôn. Bổ trung ích khí. Có công dụng tăng cường sức khỏe cho người gầy yếu, kém ăn, tiêu chảy, kiết lỵ, hay khát, phù thũng.
+ Câu kỷ tử : Vị ngọt, tính bình. Bổ gan, thận, ích tinh huyết, sáng mắt, nhuận phổi. Có thể hỗ trợ và điều trị gan, thận hư tổn, chóng mặt, hoa mắt, đau mỏi lưng, thị lực giảm, suy nhược thần kinh, bệnh tiểu đường, vô sinh, di tinh...
+ Hoàng kỳ: Vị ngọt tính hơi ôn. Bổ trung ích khí, lợi tiểu hành khí, chống phù nề... dùng trong trường hợp tinh thần mệt mỏi, kém ăn, tiêu chảy, thoát giang, mồ hôi trộm, sa tử cung, tiểu tiện khó...
- Cách làm: Thịt gà rửa sạch, chặt miếng, câu kỷ tử và hoàng kỳ rửa sạch. Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi, rồi cho thịt gà, hoàng kỳ, câu kỷ tử vào đun chín nhừ, sau đó nêm gia vị vừa miệng là được.
- Cách dùng: Ăn cả cái lẫn nước, mỗi ngày 1 thang. Chia 2 lần, dùng liên tục trong 5 ngày.
Công dụng: Bổ khí, lợi tiểu, điều kinh, chuyên chữa chứng kinh ra nhiều, kéo dài ngày, người mệt mỏi do khí hư gây nên.
3. Đương quy, hoàng kỳ hầm gà đen
- Nguyên liệu: Gà đen 1 con, hoàng kỳ 20g, đương quy 10g, phục linh 10g, nước, gia vị vừa đủ.
- Giá trị dược lý:
+ Gà đen: Vị ngọt, tính bình; bổ tỳ, ích gan, thận, thoái nhiệt trừ hư; chuyên chữa chứng suy nhược cơ thể, chống khát nước, tiêu chảy, thiếu sữa sau khi sinh...
+ Hoàng kỳ: Vị ngọt, tính hơi ôn; bổ trung ích khí, cố biểu, lợi tiểu, tiêu thũng; có thể chữa trị chứng kém ăn, người mệt mỏi, tiêu chảy, trĩ, mồ hôi trộm...
+ Đương quy: Vị ngọt, đắng, tính ôn; bổ huyết, hoạt huyết, nhuận tràng, điều kinh; chuyên chữa chứng huyết hư, huyết ứ, tứ chi mệt mỏi, táo bón, đau bụng, tắc kinh, thống kinh, kinh nguyệt không đều.
Đương quy bổ huyết, hoạt huyết, chữa kinh nguyệt không đều.
+ Phục linh: Vị ngọt, tính bình; bổ tỳ, an thần; có thể chữa chứng lo lắng, hồi hộp, hoảng hốt, mất ngủ, hay quên...
- Cách làm: Thịt gà rửa sạch. Nhồi hoàng kỳ, đương quy, phục linh vào bụng gà, lấy chỉ khâu lại, cho vào nồi với một lượng nước vừa đủ, đun chín nhừ thịt rồi nêm gia vị vừa miệng là được.
- Cách dùng: Uống nước canh, ăn thịt gà. Mỗi ngày một con, liên tục trong 5 ngày.
- Công dụng: Bổ huyết ích khí, sinh huyết, chuyên chữa bệnh hành kinh sớm, lượng kinh ra nhiều.
4. Kê huyết đằng, táo tầu, thịt lợn nạc
- Nguyên liệu: Kê huyết đằng 30g, táo đỏ 10 quả, thịt lợn nạc 150g, nước vừa đủ.
- Giá trị dược lý:
+ Kê huyết đằng: Vị đắng, ngọt, tính ôn; bổ huyết hoạt huyết, mạnh gân cốt, thông lạc; có thể chữa chứng kinh nguyệt không đều, đau mỏi lưng gối, chân tay tê mỏi, thiếu máu...
+ Táo đỏ: Vị ngọt, tính ôn; bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần; chữa chứng cơ thể mệt mỏi, tỳ hư khí nhược, huyết hư da vàng, tinh thần bất an, thiếu máu.
+ Thịt lợn nạc: Vị ngọt, mặn, tính bình; bổ âm, nhuận phổi, bổ trung ích khí, nhuận da, có thể chữa chứng cơ thể nóng quá, khí huyết thương tổn, suy nhược, gầy yếu, hay khát nước, táo bón, ho khan...
-Cách làm: Thịt lợn rửa sạch, thái miếng nhỏ. Kê huyết đằng rửa sạch cắt khúc. Táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Cho cả ba thứ vào nồi với một lượng nước vừa đủ, đun khoảng 30 phút, bỏ bã chắt lấy nước.
- Cách dùng: Uống nước, ăn cái. Mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 5 ngày.
- Công dụng: Dưỡng huyết, điều kinh, chữa chứng kinh nguyệt ít do huyết hư gây nên.
5. Trần bì, ích mẫu, trứng gà
- Nguyên liệu: Trần bì 10g, ích mẫu 50g, trứng gà 2 quả, nước vừa đủ.
- Giá trị dược lý:
+ Trần bì: Vị đắng, cay, tính ôn; có công hiệu ôn vị, lí khí hóa đờm, chữa chứng kém ăn, nôn mửa, đau dạ dày, ho có đờm...
+ Ích mẫu: Vị đắng, cay, tính hơi hàn; có công hiệu điều kinh, hoạt huyết, khứ ứ sinh tân, lợi tiểu, tiêu thũng; chữa chứng kinh nguyệt không đều, chướng bụng dưới, hành kinh khó, tiểu tiện khó, phù nề, thống kinh, tắc kinh, sản dịch xuống không hết.
+ Trứng gà: Vị ngọt, tính bình; dưỡng khí, an thần, thanh phổi, lợi hầu, dưỡng huyết, an thai; có thể chữa chứng người nóng bồn chồn, khí huyết hư nhược, kinh nguyệt không đều, các bệnh sau khi đẻ, ho khan, đau họng, mắt mờ, động thai...
- Cách làm: Trần bì, ích mẫu rửa sạch cho vào nồi, lấy một lượng nước vừa đủ đổ vào, đun khoảng 30 phút, bỏ bã, chắt lấy nước. Đập trứng gà vào nước thuốc, đun chín.
- Cách dùng: Uống nước, ăn trứng. Mỗi ngày 1 lần liên tục trong 7 ngày.
- Công dụng: Lí khí, điều kinh; chữa chứng kinh nguyệt thất thường, hoặc sớm hoặc muộn do khí trệ gây nên.
Theo suckhoedoisong.vn