1.Đặc điểm và công dụng của sắn dây

Sắn dây thuộc cây họ đậu, có vị ngọt, tính mát. Tác dụng trị tiêu chảy, chống khát, giải biểu, tiêu nhiệt, chữa bệnh nhức đầu do cảm lạnh, cảm nắng và ban chẩn không mọc ra được… rất công hiệu

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, sắn dây có tác dụng cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn, tăng độ đàn hồi của động mạch vành, chống thiểu năng tuần hoàn não và thiếu máu cơ tim cấp tính, nhờ tác dụng gia tăng lượng máu cung cấp cho các tổ chức não và cơ tim.

Sắn dây còn có tác dụng hạ huyết áp. Thành phần có tác dụng hạ huyết áp là puerarin và một số chất có gốc aglycone. Ngoài những ứng dụng cổ truyền, hiện tại sắn dây có thể sử dụng để chữa tăng huyết áp, xơ vữa động mạch vành, thiếu máu não, kèm theo các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, cổ gáy cứng đơ.

photo-1687191819550

Sắn dây cho vị thuốc cát căn chữa nhức đầu, giảm khát

2. Cháo sắn dây giải nhiệt

- Thành phần: Bột sắn dây 15g, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ.

- Cách dùng: Gạo vo sạch, thêm nước vào nấu thành cháo, cháo chín bỏ bột sắn dây vào, bột chín là được, thêm đường, chia ăn trong ngày.

- Công dụng: Trừ nhiệt, giải phiền muộn. Chủ trị cảm mạo phong nhiệt, sốt không có mồ hôi, đau đầu, ù tai, khát nước do nhiệt, cổ họng sưng đau, tiêu chảy do tỳ hư, tăng huyết áp, suy tim, giải độc rượu.

Tác dụng của cháo bột sắn dây trong các y thư cổ:

- "Bản thảo cương mục" cho rằng, bột sắn dây có tác dụng giải khát, lợi đại tiểu tiện, giải rượu, trừ được nóng nhiệt khó chịu trong người, trẻ em lở loét do nhiệt.

- "Thực y tâm kính" cho rằng, cháo bột sắn dây dùng để trị trẻ em bị nôn mửa.

- "Thái bình thánh huệ phương" trị chứng khát nước nóng bức khó chịu trong người, nôn mửa do trúng gió, không ăn được... Bột sắn dây rất thích hợp với các chứng lở loét do nhiệt, cổ họng sưng đau, khát nước khó chịu trong người.

- "Danh y biệt lục" cho rằng, sắn dây trị nhức đầu do trúng gió trúng lạnh, làm cho cơ thể thoải mái dễ chịu ra mồ hôi. Tác dụng trị tiêu chảy, chống khát; giải biểu, tiêu nhiệt của rễ sắn dây được các thầy thuốc rất coi trọng.

Nhiều danh y dùng rễ sắn dây trị chứng tiêu chảy do tì vị hư nhược. Qua nghiên cứu tính chất dược lý, rễ sắn dây không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà còn giúp tăng lưu lượng máu ở mạch máu não và động mạch vành.

Căn cứ vào ghi chép của sách y học và kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng, cháo rễ sắn dây có hiệu quả trị liệu rất tốt đối với bệnh tăng huyết áp, chứng điếc tai đột phát thời kỳ đầu.

Tuy nhiên, Trương Nguyên Tố đời Kim có nói "Không nên dùng nhiều, sợ hư tổn vị khí". Người bị viêm loét dạ dày sau khi dùng cháo sắn dây có thể bị trướng bụng, khó chịu, nên dùng ít.

photo-1687191821872
 

Cháo bột sắn dây trị phong nhiệt cảm mạo,

3. Một số bài thuốc khác thường dùng

- Chữa đau đầu, sốt nóng, đau mình mẩyCát căn (củ sắn dây thái lát, phơi hoặc sấy khô) 10g, địa liền 5g, bạch chỉ 5g. Phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g.

- Thuốc giải nhiệt, tiêu khát, tiêu độc: Rau má để tươi rửa sạch 20g, giã nát, thêm nước sôi để nguội, lọc lấy nước cốt rồi hòa 10g bột sắn dây. Thêm đường, uống làm một lần.

- Chữa sốt rét, khát nước, không có mồ hôi: Cát căn 8g, đại táo 5g, ma hoàng 5g, gừng sống 5g, cam thảo 4g, quế chi 4g, bạch thược 4g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm hai lần, uống trong ngày.

Theo suckhoedoisong.vn