Nấm tuyết có danh pháp khoa học là Tremella fuciformis, loại nấm này còn có nhiều tên gọi khác như mộc nhĩ trắng, ngân nhĩ, tai mèo, bạch mộc nhĩ.
Nấm tuyết có màu từ trắng đến vàng nhạt, kết cấu mềm như thạch, là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, phòng ngừa nhiều bệnh tật. Loại nấm này còn được mệnh danh là "tổ yến của người nghèo".
1. Giá trị dinh dưỡng của nấm tuyết
Hiện tại chưa có thông tin về giá trị dinh dưỡng của nấm tuyết. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng của loại nấm này có thể tương tự như các loại nấm ăn được khác.
Nhìn chung, nấm thường ít calo và cung cấp một lượng nhỏ protein và chất xơ. Đồng thời cũng cung cấp một lượng nhỏ vitamin D, kẽm, canxi và folate.
|
|
Nấm tuyết được ví như "tổ yến của người nghèo" (Ảnh: ST) |
2. Tác dụng của nấm tuyết đối với sức khỏe
Một số nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng tăng cường sức khỏe của nấm tuyết là nhờ hàm lượng chuỗi carbohydrate được gọi là polisaccarit. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng của nấm tuyết đối với sức khỏe vẫn cần thực hiện trên người nhiều hơn để đi đến kết luận chính xác.
Dưới đây là 6 lợi ích nổi bật của nấm tuyết đối với sức khoẻ:
2.1. Dưỡng nhan, tốt cho làn da
Nấm tuyết có tác dụng dưỡng nhan là nhờ đặc tính chống lão hóa và dưỡng ẩm.
Đặc biệt, trong nấm tuyết có chứa nhiều collagen thực vật. Loại nấm này chứa 17 loại axit amin - thành phần tổng hợp collagen. Hơn nữa, nấm tuyết cũng có các thành phần giữ nước tự nhiên như tremella polysaccharide, canxi và các khoáng chất khác.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên Báo cáo Y học Phân tử cho thấy nấm tuyết có tác dụng bảo vệ da khỏi bị tổn thương và lão hóa. Điều này xảy ra thông qua sự điều hòa của enzyme SIRT1. Những enzyme này có liên quan đến việc ngăn ngừa sự chết của tế bào do stress oxy hóa.
|
|
Nấm tuyết có chứa nhiều collagen thực vật tốt cho làn da (Ảnh: ST) |
2.2. Chống viêm
Viêm là phản ứng tự nhiên, xảy ra khi có tổn thương và hỗ trợ quá trình chữa lành. Tuy nhiên, viêm mãn tính có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất nấm tuyết có hoạt tính chống viêm và có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh lý do viêm gây ra.
2.3. Tăng cường hệ miễn dịch
Các hợp chất hoạt tính sinh học trong nấm tuyết có thể kích thích một số tế bào bảo vệ hệ thống miễn dịch.
Điều đáng chú ý hơn, các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy một loại protein có trong nấm tuyết có thể kích thích hoạt động của đại thực bào - một loại tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ các mô bị tổn thương.
Ngoài ra, có nghiên cứu cũng chỉ ra polysaccharides của nấm tuyết có thể giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch và giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiễm trùng.
|
|
Các hợp chất hoạt tính sinh học trong nấm tuyết có thể kích thích một số tế bào bảo vệ hệ thống miễn dịch (Ảnh: ST) |
2.4. Tăng cường sức khỏe não bộ
Polysacarit trong nấm tuyết có thể bảo vệ tế bào não chống lại tổn thương tế bào thần kinh và các bệnh thoái hóa.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất nấm tuyết có thể làm giảm độc tính lên não do beta-amyloid gây ra - một loại protein có hàm lượng cao có liên quan đến sự phát triển của bệnh Alzheimer và có thể cải thiện trí nhớ.
2.5. Kiểm soát lượng đường trong máu
Tác dụng của nấm tuyết trong việc kiểm soát lượng đường trong máu là nhờ Polysaccharides. Chất này có thể cải thiện độ nhạy insulin, tốt cho người bị tiểu đường và tác động tích cực đến các enzyme và hormone liên quan đến bệnh tiểu đường. Đặc biệt Polysaccharides còn có thể cân bằng mức độ resistin và adiponectin - hai loại hormone có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin khi bị thay đổi.
Các nghiên cứu còn cho thấy nấm tuyết có thể ức chế hoạt động của aldose reductase. Mức độ tăng của enzyme này có thể gây tổn thương mắt và thần kinh ở những người mắc bệnh tiểu đường.
|
|
Polysaccharides trong nấm tuyết có thể cải thiện độ nhạy insulin (Ảnh: ST) |
2.6. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Cũng như các loại nấm ăn được khác, nấm tuyết rất giàu chất xơ và ít calo, tốt cho sức khỏe tim mạch.
Hơn nữa, các hợp chất trong nấm tuyết cũng có thể bảo vệ chống lại bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy hoạt động chống oxy hóa của nấm có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol LDL (có hại). Mà quá trình oxy hóa cholesterol LDL có liên quan đến sự khởi đầu và tiến triển của chứng xơ vữa động mạch - sự tích tụ mảng bám trong động mạch và được coi là yếu tố nguy cơ gây ra huyết áp cao và đột quỵ.
3. Món ăn bổ dưỡng được làm từ nấm tuyết
Nấm tuyết có hương vị ngọt nhẹ và rất dễ ăn. Loại nấm này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dưới đây là một vài món ăn dễ làm, giàu giá trị dinh dưỡng từ nấm tuyết mà mọi người có thể tham khảo:
3.1. Súp gà nấm tuyết
Súp gà là món ăn vừa tốt cho tiêu hóa lại bổ dưỡng, giúp làm ấm cơ thể, giảm nhẹ các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, tăng cường năng lượng. Khi nấu súp gà với nấm tuyết vừa gia tăng hương vị lại cung cấp đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể.
- Chuẩn bị nguyên liệu: 600g ức gà, trứng gà 4 quả, nấm tuyết 2 bông, 1 lít nước lọc và gia vị.
- Cách chế biến:
+ Sơ chế nấm tuyết bằng cách ngâm và rửa sạch, bỏ phần chân nấm. Gà có thể mua loại được chế biến sẵn và bạn chỉ cần rửa sạch.
+ Cho gà lên luộc đến khi chín thì vớt ra. Sau đó cho một bát bột năng đã hòa tan vào nồi nước luộc gà, đun đến khi thấy nước đặc và quánh lại.
+ Xé nhỏ thịt gà đã luộc cùng với nấm tuyết rồi cho vào nồi nước dùng hầm đến khi thấy các nguyên liệu đã nhừ.
+ Đập trứng vào súp cho đến khi trứng chín. Nêm nếm gia vị lại một lần nữa là bạn đã có món súp gà nấm tuyết ngon và bổ.
|
|
Súp gà nấm tuyết vừa tốt cho tiêu hóa lại giúp tăng cường miễn dịch (Ảnh: ST) |
3.2. Chè hạt sen, táo tàu và nấm tuyết
Món chè nấm tuyết nấu cùng hạt sen và táo tàu có tác dụng tốt cho đường ruột, cải thiện miễn dịch và giúp làm đẹp da. Cách làm món này cũng rất đơn giản.
- Chuẩn bị nguyên liệu: nấm tuyết khô, táo tàu, hạt sen, đường phèn, kỷ tử, nhãn nhục.
- Cách chế biến:
+ Nấm tuyết rửa sạch ngâm nước 15 – 20 phút cho mềm và nở, cắt bỏ chân nấm. Táo tàu, hạt kỷ tử, hạt sen rửa sạch để ráo, hạt sen bỏ tâm để không bị đắng.
+ Cho nấm vào nồi và đổ nước sao cho ngập mặt nấm. Đun trong khoảng 20 phút.
+ Tiếp tục cho hạt sen vào và đun sôi đến khi hạt sen mềm.
+ Cho táo tàu vào nồi chè và đun khoảng vài phút rồi cho đường phèn theo khẩu vị của gia đình.
+ Đến khi nêm nếm vị đã ngon, cho kỷ tử vào nồi chè khoảng 1 đến 2 phút rồi tắt bếp và có thể thưởng thức.
Ngoài cách chế biến trên, mọi người cũng có thể sử dụng nấm tuyết với lẩu như một loại rau, làm salad chay, nấu canh,...
4. Một số lưu ý khi sử dụng nấm tuyết
Hiện chưa có báo cáo nào về tác dụng phụ của nấm tuyết. Tuy nhiên, khi ăn nấm tuyết mọi người cũng nên lưu ý một số điều:
- Nấm tuyết không phù hợp với người bị ho có đờm hoặc thể trạng nhiệt. Vì vậy, những người này nên hạn chế ăn loại nấm này.
- Những người bị cảm lạnh ở giai đoạn đầu nên tránh dùng nấm tuyết.
- Bạn không nên tìm kiếm nấm tuyết trong tự nhiên nếu không rõ về chúng để phòng tránh nguy cơ nhầm nấm ăn được với nấm độc.
- Chọn mua nấm tuyết chất lượng để đảm bảo sức khoẻ
Mẹo chọn nấm tuyết chất lượng
+ Hình dạng và màu sắc: gần như trong mờ và có màu trắng pha chút vàng nhạt, nấm to và lỏng lẻo. Cuống không được có đốm đen và tạp chất. Nấm tuyết hư thường có màu vàng sẫm, hình dạng hoa không hoàn chỉnh và có tạp chất ở cuống.
+ Kết cấu: khô và không có cảm giác ẩm ướt.
+ Mùi: không có mùi hoặc mùi đặc biệt. Nếu có mùi chua hoặc hăng là đã hỏng.
+ Hiệu ứng ngâm: nấm tuyết sẽ nở ra gấp 5 hoặc 10 lần kích thước khô sau vài giờ ngâm. Nếu không có hiện tượng này thì có nghĩa là nấm đã bị hư hỏng hoặc không chất lượng.
Vân Anh (Tổng hợp)