1. Dấu hiệu của viêm bờ mi
Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây viêm bờ mi có thể do vệ sinh kém hay bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh trong các vật dụng hàng ngày, do các yếu tố môi trường (như khói bụi, ô nhiễm, sử dụng máy điều hoà), hay các yếu tố bất lợi tại mắt sẵn có (như khô mắt, bệnh đái tháo đường, vảy nến) hoặc do một vài loại ký sinh trùng như nấm hay demodex...
Theo Đông y, viêm bờ mi chủ yếu do trong cơ thể vốn có thấp nhiệt ứ đọng ở hai kinh tỳ, vị hoặc do tạng tâm vốn quá nóng (tâm hỏa), lại bị cảm nhiễm phải yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài mà sinh bệnh.
Người bệnh cảm thấy đau mắt, nhìn mờ vào buổi sáng; cảm giác nóng rát trong mắt, cộm như có cát ở trong mắt, chảy nước mắt, quanh chân lông mi có nhiều chất bẩn và vảy tiết. Thường thì viêm bờ mi sẽ đi kèm với viêm kết mạc, gọi là viêm bờ mi kết mạc. Viêm cấp tính khu trú hay viêm mạn tính lan tỏa gọi là chắp và lẹo.
Viêm bờ mi tấy đỏ, luôn ẩm ướt do chứa nhiều dịch phân tiết.
2. Bài thuốc điều trị viêm bờ mi
Bài 1: Vỏ núc nác 6g, thương truật 6g; sắc nước uống thay trà. Uống theo từng đợt. Uống liền trong 10 ngày là 1 liệu trình.
Công dụng: Thanh nhiệt hóa thấp. Dùng trong trường hợp bờ mi luôn ẩm ướt do chứa nhiều dịch phân tiết, đỏ ửng, hơi ngứa.
Bài 2: Hoàng đằng 6g, kim ngân hoa 9g, sinh địa 12g, trúc diệp (lá tre, trúc) 15g, xa tiền tử (hạt mã đề) 15g, mao căn (rễ cỏ tranh) 12g; sắc và uống liên tục10 ngày, nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục đợt khác.
Công dụng: Thanh tâm, tả hỏa, hóa thấp. Dùng trong trường hợp thấy bờ mi tấy đỏ do sung huyết, đau nhấm nhói và rất ngứa.
Bài 3: Kinh giới 12g, thương truật 9g, khổ sâm 12g, hoạt thạch 12g, xa tiền tử 12g; sắc uống mỗi ngày 1 thang, uồng liền trong 10 ngày là 1 liệu trình.
Công dụng: Trừ phong thắng thấp. Dùng trong trường hợp thấy bờ mi đỏ ửng, ngứa, chân lông mi trắng xám với rất nhiều vẩy nhỏ như cám, dễ bong, lông mi thường bị rụng nhưng vẫn có thể tái sinh.
Cây và vị thuốc thảo quyết minh
Bài 4: Kim ngân hoa 9g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 12g, bồ công anh 15g, cành lá bọ mẩy 10g, vỏ núc nác 9g; sắc và uống liên tục 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác.
Công dụng: Thanh hóa thấp nhiệt, tả hỏa giải độc. Dùng trong trường hợp thấy bờ mi ẩm, sưng, tấy đỏ, cảm giác mắt đau nhói, sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt, nang lông mi bị hư hại, xiên vào trong trở thành lông quặm, rụng mi nhiều.
3. Dược thiện hỗ trợ điều trị viêm bờ mi
Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Dùng 25g mầm, ngọn, hoặc cành non của cây hoa cúc, rửa sạch, thái nhỏ, thêm chút muối, cùng với 80g gạo tẻ nấu cháo. Ngày ăn một lần vào buổi sáng.
Bài 2: Thảo quyết minh (sao đen), hoa cúc trắng, mỗi vị 15g; cho vào nồi sắc lấy nước, thêm 80g gạo tẻ nấu cháo, ngày ăn 1 lần.
Bài 3: Thảo quyết minh (sao đen) 15g, hạ khô thảo 10g; sắc nước uống thay trà.
Bệnh viêm bờ mi là bệnh dễ tái phát và có xu hướng mạn tính. Phòng bệnh viêm bờ mi bằng cách vệ sinh cá nhân, chủ yếu là rửa tay sạch sẽ. Ngoài ra nên có các phương tiện che chắn cho mắt khi ra ngoài, khi làm việc trực tiếp trong môi trường có yếu tố ảnh hưởng đến mắt. Những trường hợp bệnh nặng hoặc có những triệu chứng khác về mắt, bệnh nhân nên đến khám tại bệnh viện để hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn