1. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ mãn kinh

Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, ngoài sự tác động tiêu cực của quá trình lão hóa thì sự sụt giảm estrogen sẽ khiến phụ nữ phải đối mặt với những thách thức mới về sức khỏe, đó là nguy cơ loãng xương, mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết, có gần 1/3 phụ nữ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ đau tim ở phụ nữ bắt đầu gia tăng khoảng một chục năm sau khi mãn kinh. Nguyên nhân chính là estrogen giúp giữ cho mạch máu linh hoạt, giúp chúng co lại và giãn ra để phù hợp với lưu lượng máu. Một khi estrogen giảm đi, lợi ích này sẽ mất đi. Cùng với những thay đổi khác như huyết áp tăng cao có thể làm dày thành động mạch, khiến trái tim của phụ nữ trở nên dễ bị tổn thương.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, những thay đổi về thể chất, sinh học, tâm lý, những cơn bốc hỏa thường xuyên và dai dẳng ở phụ nữ mãn kinh có liên quan đến bệnh tim mạch trong tương lai.

Có khoảng 1 trong 4 phụ nữ có thể phát triển nhịp tim không đều (rung tâm nhĩ) sau khi mãn kinh. Rung tâm nhĩ có thể dẫn đến cục máu đông, đột quỵ, suy tim hoặc các biến chứng tim mạch khác.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những phụ nữ mãn kinh sớm có nguy cơ bị bệnh tim mạch lớn hơn nhiều so với người bình thường. Phụ nữ có nhiều cơn bốc hỏa sớm hơn trong thời kỳ mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Nguyên nhân do estrogen có liên quan mật thiết tới sự cân bằng lượng chất béo trong máu, khi đó cholesterol xấu trong máu tăng trong khi cholesterol tốt lại giảm, dẫn tới nguy cơ xơ vữa và hẹp lòng mạch máu, cản trở lưu thông máu.

Phát hiện mới nhất về tác dụng của nước ép củ cải đường- Ảnh 1.
Phụ nữ mãn kinh sớm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

2. Nên chủ động đối phó như thế nào?

Vì những nguy cơ đối với sức khỏe nên các chuyên gia khuyên phụ nữ trước thời kỳ mãn kinh nên chủ động thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, duy trì luyện tập và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Cần đi khám sức khỏe định kỳ để có biện pháp can thiệp phù hợp nếu có bất thường về tim mạch.

Đối với những phụ nữ có tiền sử gia đình bị bệnh tim hoặc những cơn bốc hỏa sớm và nghiêm trọng nên thường xuyên theo dõi sức khỏe và gặp bác sĩ tư vấn về sự cần thiết sàng lọc về bệnh tim mạch hay không.

Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên Sản phụ khoa, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp can thiệp phù hợp như dùng thuốc, bổ sung nội tiết tố… Tuy nhiên chị em nên có sự chuẩn bị về tâm lý, điều chỉnh lối sống lành mạnh, tập luyện thể chất thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và tuần hoàn máu.

Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, canxi, vitamin và chất khoáng như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt… Những biện pháp này sẽ giúp cải thiện tình trạng loãng xương, đặc biệt là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau mãn kinh.

3. Thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe tim mạch phụ nữ sau mãn kinh

Theo nghiên cứu mới được công bố của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania, Đại học Edith Cowan, Đại học Tây Úc, Đại học Wake Forest và Đại học Leed, nước ép củ cải đường được phát hiện có thể giúp phụ nữ sau mãn kinh tránh phải đến gặp bác sĩ tim mạch. Đó là vì nước ép củ cải đường giúp kích thích sản xuất oxit nitric, một chất truyền tin hóa học quan trọng thúc đẩy tuần hoàn và lưu lượng máu.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng "bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ và nguy cơ tăng lên sau giai đoạn mãn kinh. Việc bổ sung nước ép củ cải đường và các loại thực phẩm giàu nitrat có nguồn gốc thực vật khác là một chiến lược không dùng thuốc đầy hứa hẹn để tăng oxit nitric toàn thân và cải thiện chức năng nội mô ở nhóm người cao tuổi".

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng chéo, mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược trên phụ nữ sau mãn kinh để xem tác dụng của việc bổ sung nitrat thông qua việc uống nước ép củ cải đường đối với chức năng nội mô mạch máu lớn khi nghỉ ngơi và sức đề kháng của nội mô đối với tổn thương thiếu máu cục bộ - tái tưới máu toàn bộ cánh tay ở hai giai đoạn mãn kinh riêng biệt.

Phụ nữ được chia thành nhóm hậu mãn kinh sớm (kỳ kinh nguyệt cuối cùng cách đây từ một đến sáu năm) và nhóm hậu mãn kinh muộn (hơn sáu năm kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng). Mỗi nhóm đều yêu cầu phụ nữ uống nước ép củ cải đường giàu nitrat và nước ép củ cải đường ít nitrat mỗi ngày trong một tuần.

Những người tham gia nghiên cứu uống nước ép củ cải đường giàu nitrat mỗi sáng trong bảy ngày, sau đó vài tuần, họ uống nước ép củ cải đường không chứa nitrat.

Phát hiện mới nhất về tác dụng của nước ép củ cải đường- Ảnh 3.

Uống nước ép củ cải đường có thể cải thiện sức khỏe tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nước ép củ cải đường giàu nitrat làm tăng lưu lượng máu so với giả dược không có nitrat. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, lợi ích đối với mạch máu đã mất đi sau 24 giờ uống nước ép củ cải đường.

Cuối cùng, họ kết luận: uống nước ép củ cải đường hàng ngày có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh, nhưng điều này phụ thuộc vào thời điểm bổ sung vì tác dụng sẽ mất đi sau 24 giờ.

Vì vậy, để có được lợi ích tăng cường tim mạch liên tục từ việc uống nước ép củ cải đường giàu nitrat, phụ nữ sau mãn kinh nên đưa nó vào danh sách thực phẩm hằng ngày của mình.

Tuy nhiên cũng cần có những nghiên cứu dài hạn, lớn hơn để tìm ra liều lượng và thời điểm hấp thụ nitrat tốt nhất nhằm thúc đẩy chức năng mạch máu và sức khỏe tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh.

Theo suckhoedoisong.vn