Trung Trần, 23 tuổi, có 4 năm kinh nghiệm trong nghề. 

Dưới đây là trải lòng của một số lễ tân Việt về những lầm tưởng mà khách hàng thường nghĩ về công việc của họ.

 

Việc nhẹ, lương cao

"Mọi người cứ thấy chúng tôi lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu, đầu tóc vuốt keo là nghĩ công việc này nhàn hạ. Thực tế, lễ tân có rất nhiều áp lực", Trung Trần, lễ tân của một khách sạn ở Hà Nội, nói.

Anh chia sẻ, khi khách sạn có sự cố, người đầu tiên phải có mặt giải quyết là lễ tân. Họ luôn phải nghe nhiều phàn nàn nhất từ khách. Ví dụ phòng bẩn hay chăn gối chưa được trải thẳng, dù đây là công việc của bộ phận buồng phòng, lễ tân thường là người bị hỏi đầu tiên: "Tại sao không kiểm tra phòng". 

Những lễ tân làm ca đêm còn vất vả hơn. Họ thường không được ngủ đủ giấc, Việc sinh hoạt trái đồng hồ sinh học khiến nhiều người làm trong một thời gian dài bị giảm sút sức khỏe. Trong các khách sạn nhỏ, đôi khi lễ tân sẽ kiêm luôn bảo vệ (nếu làm ca đêm), nhân viên xách hành lý, kỹ thuật viên sửa nước, điện, internet và cả chân "sai vặt" đi mua đồ cho khách.

Thùy Linh, nhân viên một khách sạn ở Đà Nẵng cho biết ngoài đứng chào khách ở sảnh, lễ tân còn phải check-in, check-out cho khách; lắng nghe và giải quyết các khiếu nại một cách nhanh chóng; theo dõi lịch khách đến và đi, sắp xếp phòng ở theo danh sách, yêu cầu của sale gửi về; tư vấn cho khách về các chương trình, dịch vụ của khách sạn. Cô cũng làm nhiệm vụ trả lời điện thoại, giải đáp thắc mắc về đặt phòng, thông tin khách sạn; kiểm soát các giao dịch tiền mặt tại quầy lễ tân và nhiều việc "không tên" khác.

Tuy vậy, cả Trung và Linh đều cho biết mức lương không hề như nhiều người nghĩ. "Thu nhập trung bình của lễ tân tại các khách sạn nhỏ và vừa thường ở mức 3-4 triệu đồng, cộng thêm tiền tip của khách và các khoản phụ thu khác. nên tổng khoảng 5-8 triệu đồng", Linh nói. Nhiều khách sạn cao cấp, 5 sao, lương có thể hơn. 

Còn với Trung, mỗi tháng thu nhập của anh trung bình khoảng 7 triệu đồng. Anh cho rằng với những ai phải đi thuê nhà tại Hà Nội, đây không phải là một con số cao.

Tổng đài taxi

Lê Dũng, nhân viên khách sạn ngoài 20 tuổi ở Đà Lạt, cho biết nhiều khách đã lầm tưởng về trách nhiệm và nghĩa vụ của một lễ tân. "Trong mắt khách hàng, lễ tân giống tổng đài taxi vậy, gọi là phải có xe liền".Tổng đài taxi

Đồng tình với ý kiến của Dũng là Phan Nhật, cô lễ tân 21 tuổi đang làm việc tại một khách sạn 3 sao ở quận 1, TP HCM. "Có lần, một chị khách nhờ tôi gọi taxi giúp. Đến phút thứ ba chị ấy yêu cầu tôi hủy vì đợi lâu quá để đi bộ cho nhanh", Nhật kể. Cô kể mình cảm thấy có lỗi với các hãng xe taxi, vì phải hủy không dưới 20 chuyến do khách không chịu đợi. 

Google map, cửa hàng tạp hóa

Còn với Vương Kiều, 19 tuổi sống tại Phú Yên, khách luôn mặc định về việc cô phải biết mọi ngõ ngách, hàng quán trong thành phố. Có những địa điểm mới hay hàng quán mới Kiều chưa được nghe tới, hoặc không biết đường đi. Khi khách hỏi, cô không trả lời được thì nhận được thắc mắc: "Em là lễ tân mà không biết à". Những lần khách hỏi mà mình không rõ, Kiều thường xin thông tin cụ thể hơn về địa chỉ, tên quán rồi lên mạng tìm kiếm, hoặc hỏi bạn bè để hỗ trợ khách tối đa.

Bảo Nam, nhân viên trực ca đêm trong một khách sạn ở Phú Quốc, chia sẻ nhiều khách thiếu bất kỳ món đồ gì cũng gọi xuống lễ tân hỏi mua. "Họ hỏi mua từ kem đánh răng, bàn chải, mì tôm đến các món đồ tế nhị khác như băng vệ sinh, bao cao su...".

Linh, Trung, Nam, Thư và nhiều lễ tân khác cho biết, với họ khách hàng luôn là thượng đế. Do đó, họ luôn cố gắng để khách hài lòng, dù nhiều yêu cầu không nằm trong nghĩa vụ, trách nhiệm công việc của họ. Tuy nhiên, các lễ tân cũng mong khách thuê phòng nên cảm thông trong những lúc đông khách hay bình tĩnh hơn khi gặp sự cố.

Theo vnexpress