Hơn một năm phải làm việc từ xa vì dịch, một thế hệ những người lao động vừa xuất hiện - những người trẻ mới tốt nghiệp chưa từng đặt chân đến văn phòng - theo Wall Street Journal.

Kể từ khi biến chủng Delta xuất hiện, kế hoạch mở cửa văn phòng trở lại tại nơi Matt Fanchi (20 tuổi) làm việc tiếp tục hoãn lại. Nhận công việc kỹ sư phần mềm vào tháng 7, Matt dự định chuyển tới Washington D.C, nơi đặt trụ sở công ty.

Song, các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng cao trở lại khiến chuyến đi chưa biết ngày có thể thực hiện.

 
 
the he tre chua tung di lam van phong vi covid 19 anh 3

"Tôi rất mong đợi chuyển tới thành phố mới vì ở đó cuộc sống phong phú và nhiều thứ trải nghiệm hơn. Giờ tôi không chắc mình có đến được đấy không", Matt nói. Hiện tại, anh đang làm việc từ phòng ngủ của mình tại Summerville, bang South Carolina (Mỹ).

Nhiều người trẻ bày tỏ sự thất vọng khi chưa có cơ hội làm việc với đồng nghiệp, cũng như mở rộng mối quan hệ công sở - điều dễ dàng làm được khi đến văn phòng. Số khác cho biết họ đã quen với làm việc trực tuyến và không mặn mà với việc đến chỗ làm.


Thích đến công ty hơn

Đối với những người trẻ tốt nghiệp năm 2020 và 2021, hai năm học online đã cho họ tâm thế làm việc từ xa ngay từ đầu.

Từ tháng 3 năm ngoái cho đến khi tốt nghiệp vào tháng 5 năm nay, Abbey Phaneuf, cộng tác viên tiếp thị của một start-up, học hoàn toàn qua màn hình máy tính. Kỳ thực tập năm ngoái, cô cũng làm việc từ xa. Điều tương tự vẫn đang diễn ra khi mới đây Abbey nhận công việc toàn thời gian.

"Tôi nghĩ việc học trực tuyến chắc chắn giúp ích cho làm việc từ xa", cô gái 22 tuổi nói. Abbey học được cách giao tiếp thoải mái với mọi người qua Zoom trong thời gian thực tập. Kỹ năng này được cô áp dụng vào năm học cuối trên trường và giúp cô xin việc thành công dù vẫn sống cùng bố mẹ ở Boston.

Song, cô gái vẫn thấy đến văn phòng trực tiếp sẽ giúp ích cho sự nghiệp của mình hơn.

Nữ nhân viên muốn chuyển đến New York sớm nhất vào mùa đông năm nay, nơi cô có thể gặp mặt trực tiếp đồng nghiệp - những người cô mới chỉ gặp 1 lần.

Theo Adam Galinsky, giáo sư ở Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ), lao động trẻ đang làm việc tại nhà có thể bỏ lỡ những cột mốc quan trọng tại nơi làm việc.

"Điều tôi quan tâm nhất là việc học hỏi, cố vấn. Rất nhiều thứ ngẫu nhiên có thể tiếp thu được ở nơi làm việc, điều khó xảy ra trên các nền tảng trực tuyến", Adam nói, đề cập thêm trở ngại nữa là khó thích nghi với văn hóa công ty hay năng lượng từ bầu không khí chung.

Felix Malamud (21 tuổi), bắt đầu công việc nhà phân tích tại một ngân hàng ở New York từ tháng này. Đây là công việc toàn thời gian đầu tiên của chàng trai. Từng trải qua vị trí thực tập sinh tại một số công ty trước đại dịch, Felix nghĩ được làm văn phòng sẽ có lợi cho mình hơn.

"Gặp mặt, kết nối, trò chuyện trực tiếp với đồng nghiệp và nhiều bộ phận. Tôi nghĩ tất cả đều cần thiết để phát triển sự nghiệp", anh nói.


Bỏ lỡ trải nghiệm văn phòng

Một số chuyên gia đánh giá việc bỏ lỡ trải nghiệm văn phòng ở giai đoạn đầu của sự nghiệp có thể làm ảnh hưởng đến quá trình học hỏi những người đi trước và phát triển kỹ năng cá nhân. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý cần nỗ lực giải quyết vấn đề.

"Các nhân sự trẻ cần những mối quan hệ thân thiết, người tâm sự và cố vấn trong công việc hơn là những người đã đi làm nhiều năm", Eddy Ng, giáo sư tại Đại học Queen's (Canada) cho biết. Mùa hè năm ngoái, Eddy thực hiện một cuộc khảo sát trên 424 người làm việc từ xa.

 
 
the he tre chua tung di lam van phong vi covid 19 anh 5

Kết quả cho thấy, trong số những người trên 40 tuổi, 45% cho biết họ muốn tiếp tục làm việc từ xa sau đại dịch. Ở những người dưới 40 tuổi, tỷ lệ này là 30%.

Theo giáo sư này, một yếu tố tác động vào suy nghĩ của thế hệ trẻ là hội chứng sợ bỏ lỡ FOMO, cụ thể ở đây là nỗi sợ bản thân bỏ lỡ những cuộc gặp mặt tương tác ở công ty.

Giáo sư Galinsky khuyên các công ty đang có nhân viên trẻ từ xa nên tạo nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Ví dụ, ông từng cho phép các nghiên cứu sinh ngồi cạnh mình để xem cách ông làm việc. Với các nền tảng làm việc trực tuyến, cách này hoàn toàn áp dụng dễ dàng.

Một cách khác là dành 10-15 phút mỗi ngày sau giờ làm để nói chuyện với nhân viên trẻ, giúp họ hiểu hơn về công việc cũng như gắn kết họ với công ty.

Hannah Packman (22 tuổi), cho hay quản lý từ xa của cô đã làm rất tốt trong việc chỉ dẫn lại kinh nghiệm cho mình, dù cả hai chưa từng gặp mặt.

"Cô ấy luôn chủ động nhắn tin cho tôi, hỏi xem tôi có gặp vấn đề gì không sau mỗi cuộc họp. Tôi cảm thấy mình có thể hỏi về bất cứ điều gì thắc mắc". Hannah cho hay cả nhóm 7 người đã cùng trợ giúp, chỉ dẫn cô cách viết, nghiên cứu và chỉnh sửa nội dung.

Hiện tại, Hannah đang tìm kiếm công việc toàn thời gian và biết sẽ mất khá nhiều thời gian mới tìm được vị trí cô ưng ý.

Cho đến khi đó, cô vẫn đang hài lòng với việc work from home và hiểu rằng những người bạn đồng trang lứa với mình đều đang trải qua điều tương tự.

  "Bạn chỉ cần phải thích nghi và linh hoạt", cô nói.

Theo Zing