Ảnh minh họa: shutterstock
Lao động du lịch trong sáu nghề gồm phục vụ phòng, lễ tân, chế biến món ăn, điều tour, đại lý du lịch và phục vụ nhà hàng được luân chuyển trong khối nhờ vào Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN, dự kiến sẽ áp dụng vào năm tới. Trong số các nghề này, dự đoán nghề lễ tân, phục vụ phòng sẽ di chuyển mạnh.

"Nếu có những chuỗi khách sạn quốc tế thì những người này lại càng tìm việc dễ dàng hơn, có thể là người lao động sẽ đến Singapore, Malaysia, những nơi có tiền lương cao hơn ở Việt Nam," ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói tại buổi họp báo chiều nay (25-11) về tình hình triển khai thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong khối ASEAN.

Tuy cho rằng hai nghề này có nhiều cơ hội tìm được việc làm trong khối, nhưng cơ quan quản lý du lịch chưa có số liệu cụ thể về tổng số lao động đang làm lễ tân và phục vụ buồng ở các khách sạn, khu du lịch. "Số liệu chính xác chưa có nhưng theo một điều tra cũ, những người làm khách sạn chiếm đa số trong tổng số lao động du lịch trực tiếp và trong khối khách sạn thì có nhiều người làm lễ tân và phục vụ phòng," ông Siêu nói.

Theo số liệu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội tuần trước, cả nước có khoảng 700.000 lao động trực tiếp và khoảng 1,2 triệu lao động gián tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Cũng theo ông Siêu, hiện tại Việt Nam chưa hoàn tất bộ tiêu chuẩn quốc gia về nghề lễ tân và nghiệp vụ phòng để có thể so sánh, đối chiếu với tiêu chuẩn của ASEAN nhằm thực hiện việc luân chuyển. Bốn nghề còn lại đã hoàn tất. Nhìn chung, tiêu chuẩn nghề của Việt Nam cao hơn tiêu chuẩn ASEAN vì chuẩn ASEAN lấy ở mức chung, cơ bản cho 10 nước. Trong cuộc cạnh tranh về nhân lực, lao động du lịch của Việt Nam có thể cạnh tranh tốt về kỹ năng nghề nhưng khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật thì lại có vấn đề.

"Nếu lao động của chúng ta đáp ứng được yêu cầu trong nước thì có thể đến các nước khác làm việc, thậm chí làm ở châu Âu vì bộ tiêu chuẩn của Việt Nam được phía châu Âu tài trợ xây dựng. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là nhiều người còn yếu về ngoại ngữ," ông Siêu nói.

Theo Tổng cục Du lịch, hiện chưa thể biết chính xác thời gian thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN mà chỉ dự đoán là có thể đến năm sau vì các nước còn nhiều việc liên quan đến kỹ thuật cần phải hoàn tất. Ngoài việc hoàn tất các bộ chuẩn nghề quốc gia để so sánh với tiêu chuẩn chung thì nhiều việc khác cũng đang trong quá trình thực hiện. Trong đó, trang web chung để người lao động lên tìm việc và doanh nghiệp các nước đến để tìm nguồn nhân lực cũng mới đang được chạy thử.

Theo thesaigontimes.vn