|
|
Sang Úc làm nông nghiệp đang được cộng đồng lao động bàn luận nhiều trên mạng xã hội |
Úc đang là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu hiện nay được người lao động (NLĐ) Việt Nam quan tâm lựa chọn. Thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt, cùng cơ hội định cư, bảo lãnh người thân đang là ưu thế cạnh tranh của Úc trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển khan hiếm nhân lực có tay nghề. Tuy vậy, các chương trình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Úc chưa được triển khai nhiều nên số lượng lao động Việt Nam sang Úc chưa được như kỳ vọng. Đây cũng là điểm yếu khiến nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng bối cảnh này để lừa đảo, trục lợi bất chính.
Thông tin, chi phí mập mờ
Chán nản với mức lương văn phòng thấp, tương lai công việc không mấy tươi sáng, anh Lê Ngọc Việt (30 tuổi, quê Khánh Hòa) quyết định nghỉ việc, tìm cơ hội sang Úc làm việc. Lên mạng xã hội tìm hiểu, anh rối nùi trong hàng loạt thông tin được các công ty môi giới đưa ra.
"Tôi chỉ biết chương trình Work and Holiday (Lao động kết hợp kỳ nghỉ - visa 462) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ký với Úc và nhiều bạn trẻ đã đi theo chương trình này. Còn các chương trình khác chưa được bộ triển khai nhưng nhiều công ty vẫn công khai đăng tuyển. Chi phí có nơi chào trọn gói 150 triệu đồng, nhưng cũng có nơi lên tới 500 triệu đồng. Tôi thấy khá rủi ro" - anh Việt nói.
Theo chỉ dẫn của anh, chúng tôi đã tìm hiểu và nhận thấy hàng trăm tài khoản trên TikTok, Facebook đăng tải hàng ngàn bài viết, video có nội dung giới thiệu, tư vấn các hình thức sang Úc làm việc, định cư với đủ loại điều kiện. Đáng chú ý, nhiều tài khoản tuyên bố đi Úc với chi phí rất rẻ, không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Úc vẫn đi được.
Tuy nhiên, khi để lại số điện thoại để tư vấn, nhiều người bất ngờ với các khoản phí lên đến vài trăm triệu đồng. Tài khoản TikTok có tên "Đi Úc cùng H…" đăng tải hơn 50 video ghi lại cảnh làm việc, đi chơi những nơi sang chảnh, nhận lương đếm tiền… nhằm tô vẽ cuộc sống đầy màu hồng khi sang Úc làm nông nghiệp. Khi phóng viên nhắn tin cần tư vấn thì mới biết đó là một công ty môi giới lao động sang Úc có trụ sở tại TP HCM. Tìm hiểu kỹ về chương trình, tư vấn viên tại đây cho biết tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng, 3 tháng có thể xuất cảnh, bao đầu ra chứng chỉ tiếng Anh…!
Trong khi đó, anh Vũ Công Hùng (28 tuổi, quê Phú Thọ) hiện làm việc trong một trang trại tại Úc cho hay chi phí đưa anh sang Úc năm 2022 chỉ 30 triệu đồng, bao gồm cả vé máy bay. "Tôi nghiên cứu rất kỹ quy định về điều kiện để chuẩn bị hồ sơ và tự nộp qua VFS Global - đơn vị được cơ quan thị thực Úc chỉ định. Bởi qua các công ty môi giới sẽ bị vẽ vời để lấy tiền của NLĐ. Nếu tìm hiểu kỹ thì ai cũng có thể tự làm hồ sơ và tự nộp sẽ không tốn nhiều tiền" - anh Hùng khẳng định.
Ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (quận 7, TP HCM), cho biết các chương trình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Úc đang được thảo luận chứ chưa triển khai cụ thể. Vì vậy, để tránh rủi ro, NLĐ cần tìm hiểu thật kỹ các loại visa sang Úc làm việc.
Theo ông Bình, hiện Úc có nhiều loại visa dành cho những đối tượng NLĐ khác nhau đến từ nhiều quốc gia. Phổ biến nhất có 5 loại visa mà NLĐ Việt Nam có thể tham khảo. Đầu tiên là visa 491. Đây là visa diện tay nghề vùng miền cấp phép cho NLĐ nước ngoài có kỹ năng được tạm trú tại các khu vực được chỉ định của Úc để làm việc. Điều kiện để xin loại visa này là NLĐ phải được đề cử bởi Chính phủ của tiểu bang, vùng lãnh thổ Úc hoặc người thân là thường trú nhân, công dân Úc.
Tiếp đến là visa 189. Đây là thị thực thường trú dành cho công dân nước ngoài có kỹ năng tay nghề cao muốn sống và làm việc tại Úc, dựa vào thang điểm di trú đã đạt được. Để sở hữu visa này, NLĐ cần thỏa mãn những điều kiện như: đạt ít nhất 65 điểm di trú, gửi thư bày tỏ nguyện vọng để được mời nộp đơn, dưới 45 tuổi tại thời điểm nộp hồ sơ, nghề nghiệp phải thuộc danh sách nghề của Úc, vượt qua kỳ kiểm định tay nghề của cơ quan có thẩm quyền của Úc, phải có chứng chỉ tiếng Anh thỏa điều kiện của Úc.
Visa 190 cũng là một thị thực thuộc nhóm visa tay nghề Úc. Để xin được loại visa này, NLĐ phải được chính phủ tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ tại Úc đề cử. Một số điều kiện tương tự với visa 189. Trong khi đó, visa 457 là dạng visa tạm trú dành cho NLĐ nước ngoài đến Úc làm việc, sau 2 - 4 năm sẽ có cơ hội được định cư Úc cho bản thân lẫn gia đình. Điều kiện quan trọng nhất của loại visa này là phải được chủ doanh nghiệp tại Úc chỉ định cho các vị trí công việc được phép.
Cuối cùng là visa diện lao động kết hợp kỳ nghỉ (còn gọi là visa 462). Loại visa này dành cho các công dân trẻ đang học cao đẳng, đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được quyền vừa du lịch vừa làm việc hưởng lương tại Úc trong 1 năm, có thể gia hạn visa thêm 2 lần nếu thỏa mãn các điều kiện.
Chưa triển khai
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay chương trình lao động nông nghiệp tại Úc được Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc đã ký kết Bản ghi nhớ vào cuối tháng 3-2022. Hiện hai bên mới thống nhất về mức lương cơ bản và vẫn trong quá trình trao đổi, đàm phán để thống nhất quy trình, nội dung triển khai. Cục chưa có bất cứ thông tin gì về điều kiện, thời gian tham gia chương trình hay chi phí... Vì vậy, NLĐ cần cảnh giác với những thông tin quảng cáo, mời chào tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Úc.
|
Theo nld