Nữ khán hộ công gia đình người Việt (phải) tại Đài Loan
THỊ TRƯỜNG CŨ, CƠ HỘI MỚI

          Khán hộ công gia đình (được hiểu là công việc chăm sóc người già tại gia đình) vốn là ngành nghề đầu tiên mà Đài Loan tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Có thời gian, số lao động Việt Nam làm công việc này trên đất Đài Loan lên tới 30.000-40.000 người.

Dù chỉ giới hạn trong việc chăm sóc người già, song thực tế hầu hết lao động đều “kiêm” thêm nhiều công việc khác, nên có thể coi là người giúp việc nhà.

          Trong những năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu lao động giúp việc nhà sang nhiều thị trường, với các “tâm điểm” là Đài Loan, Malaysia và một số nước vùng Trung cận Đông (Saudi Arabia, Lebanon, CH Cyprus...). Tuy nhiên, theo một số người từng làm việc ở nhiều thị trường nói trên thì làm giúp việc nhà ở Đài Loan là “dễ chịu” hơn cả. Bởi ở đây có sự tương đồng về văn hóa, dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ, bản tính số đông người Đài Loan khá hiền hòa nên ít rủi ro. Bên cạnh đó, mức lương cũng khá cao - hiện ở mức khoảng 13-15 triệu đồng/tháng.

Vì thế, thông tin phía Đài Loan nối lại thị trường lao động giúp việc nhà đối với Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là những lao động nữ diện nghèo, khi họ coi đó thực sự là một cơ hội việc làm mới đầy hứa hẹn.

          Ông Trần Đông Huy, nguyên Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (những năm 2000-2005), đánh giá: “Nếu người lao động Việt Nam thể hiện sự chuẩn mực, nghiêm túc với công việc, thì họ sẽ được đón nhận và đãi ngộ xứng đáng”.

Cần lọc ra những doanh nghiệp XKLĐ uy tín

          10 năm trước, lao động giúp việc nhà người Việt tại Đài Loan phải cạnh tranh quyết liệt với lao động đến từ Philippines, Indonesia, Myanmar và Thái Lan. Hiện giờ, Thái Lan và Indonesia không còn lao động giúp việc nhà ở vùng lãnh thổ này. Số lượng lao động Philippines cũng giảm mạnh. Vì thế, tính cạnh tranh không còn cao như trước. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội, vẫn đòi hỏi lao động Việt Nam phải có nhiều nỗ lực.

          Nguyên nhân chính khiến Đài Loan ngưng tiếp nhận lao động giúp việc Việt Nam vào năm 2005 chính là do tỉ lệ lao động vi phạm kỷ luật, bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp quá cao. Một trong những đặc điểm của thị trường XKLĐ tại Đài Loan là các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam đều phải xuất lao động thông qua các công ty môi giới Đài Loan. Nếu giữa doanh nghiệp XKLĐ với công ty môi giới không đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong tuyển dụng và quản lý lao động thì sẽ xảy ra nhiều sự cố ngoài mong muốn, mà phổ biến hơn cả là người lao động không được đảm bảo quyền lợi, hoặc người lao động bị dụ dỗ, lôi kéo trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp hòng kiếm thu nhập cao và không phải trả tiền môi giới.

Trao đổi về vấn đề này, TS Huang Kai Ming, Tổng giám đốc công ty nhân lực quốc tế Forward (một trong những nhà môi giới hàng đầu của Đài Loan), cho biết: “Để tránh tái diễn tình trạng cũ, sắp tới, phía môi giới Đài Loan cần sàng lọc những doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam có đầy đủ uy tín, kinh nghiệm, có lực lượng cán bộ, nhân viên đủ mạnh nhằm xác lập mối quan hệ mật thiết, từ việc tuyển dụng đảm bảo trực tiếp, không thông qua trung gian, cò mồi, tới việc đào tạo và quản lý nhằm tạo nguồn lao động đạt chất lượng và đảm bảo quyền lợi người lao động trong thời gian làm việc theo hợp đồng tại Đài Loan”.

So với trước đây, hiện số doanh nghiệp được phép đưa lao động sang Đài Loan đã giảm mạnh, từ trên 100 xuống chỉ còn khoảng 40 đơn vị. Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, chỉ những doanh nghiệp tổ chức bộ máy đào tạo chuyên trách, tuân thủ tốt pháp luật về XKLĐ, có cam kết bảo đảm việc làm, thu nhập, thu phí đúng quy định mới được phép làm. Người lao động sang Đài Loan theo hợp đồng 3 năm (được gia hạn thêm 17 tháng).

Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm mức lương tối thiểu 17.500 TWD (Đài tệ)/tháng (khoảng 11,6 triệu đồng). Người lao động được chủ sử dụng trả phụ cấp làm thêm, chăm sóc y tế đầy đủ; bố trí nơi ở, ăn miễn phí và mua bảo hiểm rủi ro với mức bồi thường 300.000 TWD (gần 200 triệu đồng).

          Trong giai đoạn thí điểm từ ngày 1/7/2015 đến cuối tháng 12/2015, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện đúng cam kết, nhất là trong vấn đề thu phí, sẽ không được phép tiếp tục tham gia.

    BẢO KHÁNH/Báo PNVN