leftcenterrightdel
Hàn Quốc vẫn là thị trường lao động lớn được nhiều người lao động Việt Nam lựa chọn 

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài viết "Lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Quýt làm, cam chịu!", nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến báo. Tại các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều hội, nhóm liên quan cũng chia sẻ bài viết và nhận được hàng ngàn lượt bình luận của bạn đọc. Đa số bạn đọc lên án việc người lao động (NLĐ) bỏ trốn, để lại hậu quả cho những người có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc còn ở nhà. Tuy nhiên, nhiều thông tin mổ xẻ nguyên nhân bỏ trốn cũng được bạn đọc làm rõ.

Nhiều áp lực

Anh Tuệ An - quê Ninh Bình, hiện lao động tại Hàn Quốc - cho rằng việc nhiều NLĐ bỏ trốn có nguyên nhân sâu xa từ khoản chi phí mà họ phải trả để được sang nước này làm việc.

Theo anh An, hầu hết những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết nên dễ sa vào ma trận của "cò" (người môi giới) XKLĐ ngay trên quê hương mình. Phải qua nhiều người môi giới, NLĐ mới đến được với công ty có chức năng phái cử lao động được cấp phép. 

Vì thế, các khoản tiền mà NLĐ phải chi để có được tấm hộ chiếu, vé máy bay sang Hàn Quốc là không nhỏ. Số tiền này họ phải vay mượn, cầm cố tài sản, có người phải vay nóng với lãi suất rất cao. Gánh nặng tiền bạc đó đè lên vai NLĐ đi XKLĐ và cả gia đình họ ở quê. Áp lực quá lớn khiến NLĐ khi đã sang đến Hàn Quốc cảm thấy mệt mỏi và họ chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền.

"Đối diện với áp lực khiến nhiều NLĐ bất chấp tất cả để làm liều. Trong suy nghĩ của nhiều người, một lần đi là một lần khó nên phải "cày" cật lực để trả nợ trước, sau đó mới nghĩ đến việc tích lũy lo cho tương lai. Nhiều trường hợp NLĐ trốn ra ngoài đã bị nạn mà không được bảo hiểm hay chủ sử dụng quan tâm" - anh An dẫn chứng.

Anh Nguyễn Văn Thắng - quê Quảng Bình, đang làm việc tại Hàn Quốc - cho biết đa phần NLĐ sang xứ sở kim chi là muốn làm một thời gian kiếm số vốn rồi về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, nếu làm đúng công việc đã ký trong hợp đồng thì lương không nhiều, khả năng tiết kiệm không cao như kỳ vọng. Vì vậy, không ít người chọn cách trốn ra ngoài để có thể vừa làm được nhiều việc theo kiểu "đường nào cũng cày" vừa không phải đóng thuế. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc rất thích tuyển lao động bất hợp pháp để né bảo hiểm, trả thuế và tránh kiện tụng trong quan hệ lao động.

"NLĐ bỏ trốn và làm "chui" sẽ đối diện rất nhiều rủi ro mà ai cũng biết - công việc bấp bênh hơn, bị chủ DN bắt chẹt, tâm trạng lúc nào cũng bất an vì lo sợ cảnh sát nước sở tại bắt. Do đó, ai bỏ trốn là tự chọn rủi ro cho bản thân mình" - anh Thắng bày tỏ.

Về đúng hạn, lợi nhiều hơn

Theo các chuyên gia XKLĐ, thường có 2 dạng NLĐ bỏ trốn ra ngoài. Một là, những người còn hợp đồng dài hạn nhưng chấp nhận mất tiền đặt cọc trốn ra ngoài làm lương cao hơn do không phải đóng thuế, bảo hiểm và được làm thêm nhiều. Hai là, những người sắp hết hạn hợp đồng nhảy ra ngoài làm kéo dài thời gian để kiếm thêm tiền. Trường hợp này chiếm nhiều hơn vì sau nhiều năm "cày" đã tích lũy được kha khá nhưng vẫn cố tình ở lại kiếm thêm kiểu "được đồng nào hay đồng đó", nếu có bị bắt cũng không lo vì đã có tiền.

Theo anh Vũ Văn Nam - quê Hà Tĩnh, từng đi XKLĐ Hàn Quốc về nước - so với những năm trước, năm nay, số lượng các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đã giảm rất nhiều. Đó là thông tin tích cực, cũng là nỗ lực của 2 cơ quan quản lý lao động của Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả, hạn chế được tình trạng bỏ trốn.

Thời kỳ đỉnh điểm của việc NLĐ bỏ trốn, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có chi phí mà họ bỏ ra để đi Hàn Quốc không ai kiểm soát, mặc DN tự tung tự tác. Thêm nữa, lúc đó không có quy định đóng tiền ký quỹ chống bỏ trốn 100 triệu đồng như hiện nay. Thời điểm đó, phía Hàn Quốc cũng không thông tin rõ ràng việc được quay lại nước này làm khi hết hạn hợp đồng nên NLĐ nghĩ rằng chỉ đi được một lần nên trốn luôn không về.

Vài năm gần đây, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) thực hiện rất tốt phần thi tuyển chọn đầu vào. Sang đến Hàn Quốc, NLĐ có rất nhiều chế độ về điều kiện ăn ở, lương thưởng. Cơ hội cho những người về nước đúng hạn sang lại Hàn Quốc cũng nhiều hơn bởi HRD đã có chính sách cho NLĐ mẫu mực.

"Tính sơ trong thời điểm này, nếu kết thúc hợp đồng về nước đúng hạn, NLĐ sẽ nhận được các khoản bảo hiểm và lương tháng 13 khoảng 300-500 triệu đồng, cộng thêm 100 triệu đồng tiền ký quỹ và lãi suất nữa. Như vậy, NLĐ về nước đúng hạn sẽ được nhiều tiền và thuận lợi hơn nếu muốn qua lại Hàn Quốc làm việc" - anh Nam phân tích.

Rút ngắn thời gian tái nhập cảnh cho lao động mẫu mực

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết trong nỗ lực hợp tác lao động và triển khai các biện pháp nhằm chống tình trạng bỏ trốn, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã có một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện cho NLĐ Việt Nam sớm được quay trở lại nước này làm việc. Một trong những chính sách đó là việc rút ngắn thời gian tái nhập cảnh cho NLĐ mẫu mực. Thay vì phải về nước, chờ đợi 3 tháng mới có thể tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc trong 4 năm 10 tháng, NLĐ Việt Nam có chứng nhận "mẫu mực" chỉ sau 1 tháng đã có thể quay lại nước này tiếp tục làm việc.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, chính sách này góp phần khuyến khích NLĐ về nước đúng hạn. Bởi lẽ, nguyên nhân khiến NLĐ bỏ trốn là lo ngại không được quay lại nước này.

Theo nld