leftcenterrightdel
 Chị Trần Thị Kim Oanh là nạn nhân của lừa xuất khẩu lao động. Ảnh: Minh Hạnh

Đại diện Cục quản lý Lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) khuyến cáo chương trình E8 làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc chỉ thông qua các Sở LĐ-TB-XH.

Chị Trần Thị Kim Oanh, phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) tố cáo Nguyễn Thị Lưu (tên gọi khác là Nguyễn Thị Hằng) trú tại Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhận là đại diện cho Công ty cổ phần phát triển nhân lực và lữ hành tại ngõ 84 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, thu tiền và hồ sơ của chồng chị là Phan Xuân Thắng (sinh năm 1984) và 11 người khác để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với nhiều chính sách ưu đãi và chỉ sau 3 tháng sẽ được bay sang Hàn Quốc làm việc. Từ tháng 10.2021, những người này đã nộp hồ sơ và tiền cọc cho Nguyễn Thị Lưu.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Oanh cho biết, sau khi nộp hồ sơ, anh Phan Xuân Thắng và những người được đưa về Nam Định học tiếng Hàn và làm các thủ tục cần thiết để đi xuất khẩu lao động. Tháng 6.2022 sau khi học xong tiếng Hàn và chi phí đến hàng trăm triệu đồng, nhưng họ vẫn chỉ nhận được lời hứa để chờ đợi...

Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo vì việc tuyển lao động đi làm việc theo chương trình E8 chỉ thông qua Sở LĐ-TB-XH các tỉnh và Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở. Người lao động chỉ đăng kí tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở LĐ-TB-XH và Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc sở.

Liên quan đến sự việc này, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền -  Cục quản lý Lao động ngoài nước, ông Nguyễn Như Tuấn cho biết, việc các đơn vị, doanh nghiệp môi giới, thu tiền của người lao động để đưa sang làm lao động thời vụ tại Hàn Quốc theo chương trình E8 là hành vi thu tiền bất chính. Chương trình phái cử lao động thời vụ dành cho người nước ngoài là chương trình mời và tuyển chọn người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông ngư nghiệp sang làm việc tại các nông/ngư gia Hàn Quốc trong khoảng 90 ngày (visa C4) hoặc 5 tháng (visa E8).

Đây là chương trình  lao động thời vụ nếu làm việc trung thành có thể được mời và phái cử sang Hàn Quốc liên tục hàng năm. Chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm triển khai từ 1.1.2018. Đến nay mới chỉ triển khai tại 8 tỉnh: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau. Do đó, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào được phép tuyển dụng lao động đối với chương trình này.

Đại diện Cục quản lý Lao động ngoài nước cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị cũng nhận được đơn tố cáo của người lao động về việc một số đơn vị đăng thông tin, môi giới tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình C4 và E8. Cục đã cảnh báo rất nhiều về vấn đề này để người lao động nắm rõ.

Như vậy, có thể thấy hành vi môi giới và thu tiền đặt đọc của người lao động cùng lời hứa đưa đi làm việc tại Hàn Quốc mà theo chương trình các doanh nghiệp không được phép tuyển dụng là hoàn toàn sai trái, cần được các cơ quan chức năng làm rõ để trả lại số tiền thu bất chính cho người lao động.

Người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin có liên quan tại Cục Quản lý Lao động ngoài nước số điện thoại 024.38249517, hoặc thông tin trên webite: dolab.gov.vn. Tại website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước: dolab.gov.vn đăng công khai danh sách 435 doanh nghiệp có chức XKLĐ, người lao động có thể tra cứu thông tin doanh nghiệp tại danh sách này.

Theo nld