Phụ nữ có khả năng ứng biến linh hoạt hơn đàn ông - Ảnh minh họa

Từ ngày chiếc loa phường liên tục nhắc nhở "tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường cách ly với phường..." nhà tôi chuyển sang mua hàng online. 

Mua đồ online của nhiều người, tôi nhận ra điểm chung thú vị: Trong khi các chị vợ tả xung hữu đột xoay xở đủ thứ để bán hàng hoá, thực phẩm (từ mua về bán lại đến tự nấu, tự chế biến kiểu "nhà làm") thì đa số các anh chồng hoặc đứng bên lề hoặc chỉ đảm trách nhiệm vụ thu tiền, ghi sổ sách hoặc làm "shipper" cho vợ. Không ít đôi vợ chồng đang kinh doanh online đều xuất thân từ "dân công sở" hay có công việc ổn định khác trước khi dịch xảy ra.

Chị "mối" bán các món đặc sản Huế tôi hay mua từng là nhân viên phòng vật tư một công ty lớn nước ngoài. Đợt dịch đầu, chị nằm trong danh sách bị công ty cắt giảm. Được khen nấu bún bò ngon, thêm gia đình có người ở Huế nên chị nấu bún bò và nhập thêm các sản vật Huế về bán qua mạng.

Lúc đầu chị thuê các dịch vụ giao hàng, sau đến lượt anh chồng shipper. Vốn là trưởng phòng trong một công ty nước ngoài, nay nghỉ việc vì công ty giảm biên chế, anh trở thành người giao hàng bất đắc dĩ cho vợ để giảm chi phí. 

Ở công ty anh làm sếp, ở nhà, anh phải theo sự chỉ đạo của vợ, vì anh không biết nấu nướng, cũng chẳng phụ chị được trong những việc liên quan bếp núc hay sổ sách, đơn hàng, âu cũng là sự phân công lao động hợp lý.

Chị "mối" giao trái cây online của tôi kể, vợ chồng chị trước đây làm cùng công ty, nay đều dịch nghỉ ở nhà vô thời hạn vì công ty trong vùng phong toả.

Chị lấy trái cây từ quê mẹ chị lên bán, anh không phản đối, nhưng phụ chị một cách miễn cưỡng. Anh trầm tư hẳn, ít nói hơn, dễ nổi giận, gắt gỏng. Thấy công ty không biết chừng nào mới hoạt động trở lại, anh mới chịu chở chị đi giao hàng.

Chiếc xe hơi chở "sếp - chồng" đi làm mỗi ngày giờ thành "xe thồ" cho chị chở trái cây đi giao, còn "sếp-chồng'' trở thành tài xế bất đắc dĩ.

Cô bạn bán chè và các món bánh, ăn vặt tôi hay mua cũng than: Việc kinh doanh online nhìn nhẹ nhàng vậy chứ tất bật quay cuồng từ sáng tới khuya, đủ thứ việc linh tinh chỉ một mình cô "xà quần" trong bếp, nhiều lúc mệt rã rời nhưng chồng chỉ phụ được vài việc linh tinh và đi giao hàng, chơi với con. Cũng may đơn hàng nhiều, có đồng ra đồng vô gỡ gạc trong thời gian chờ công ty  của hai vợ chồng hoạt động trở lại.

Bình thường, nhiều gia đình theo mô hình "chồng là trụ cột", thu nhập của người đàn ông là nguồn kinh tế chính. Ông chồng chỉ lo việc ở ngoài, phần còn lại như chợ búa, cơm nước, con cái... người vợ "cân tất" mặc dù cũng có công việc bên ngoài. Khi dịch giã kéo dài, vị trí trụ cột có phần lung lay, không chỉ thu nhập ảnh hưởng, mà mối quan hệ trong các gia đình có khi cũng ảnh hưởng theo. 

Với lợi thế chịu khó, tỉ mỉ, linh hoạt, phụ nữ dễ thích ứng hơn đàn ông trong những công việc không đòi hỏi "danh phận", họ dễ dàng từ vị trí "sếp sòng" ở ngoài trở về nhà thành "sếp chính" trong xó bếp mà không vướng phải trở ngại nào về tâm lý. Thế nên nhiều chị em ra ngoài có khi làm sếp này sếp nọ, nhưng khi "có biến", họ vẫn tung hoành ngược xuôi kiếm tiền ngon lành như nhiều chị em kinh doanh online trong mùa dịch. 

Ngược lại, đàn ông không phải ai cũng dễ dàng "biến hình" để chấp nhận hoàn cảnh mới như phụ nữ. Có người đã quen với sự uy quyền nơi công sở hay khả năng kiếm tiền dễ dàng với công việc sở trường ở ngoài, nay họ không hoặc chưa thích nghi được với hoàn cảnh mới nên sinh ra cáu kỉnh, gắt gỏng, tự ti khi bỗng dưng đang từ đỉnh cao như rơi xuống vực sâu, nhất là tâm lý tự nhiên "dưới cơ" vợ khiến nhiều ông khó chịu.

Chỉ cần họ biết hạ cái sĩ diện đàn ông xuống, chấp nhận thực trạng thời dịch giã ai cũng như ai để điềm nhiên mà sống, mà bình tĩnh bước qua khủng hoảng, thích ứng với hoàn cảnh mới chờ dịch qua. Đó cũng là cách để củng cố hạnh phúc gia đình cũng như trang bị cho bản thân liều vắc xin tinh thần tốt nhất.

Theo phunuonline