Theo kế hoạch vào tối 30/7, nhà cô dâu Mỹ Hạnh, 25 tuổi, ở Hà Nội đã kết cổng hoa, nhà chú rể Nguyễn Cường, 29 tuổi, ở Bắc Giang đã phông bạt rập rình, chuẩn bị cho tiệc cưới và đón dâu.

Nhưng tối đó, ở cả hai nhà chỉ có sự im lìm như thường lệ.

Trong nhà, cô dâu ngồi với mẹ rà soát lại còn vị khách nào chưa được thông báo đám cưới bị hủy bỏ. Chú rể Cường cũng liên tục gọi về quê cho người thân hỏi han về tiến độ chuyển từ một đám cưới hoành tráng sang giản tiện.

Chú rể Cường và cô dâu Mỹ Hạnh đã vỡ kết hoạch cưới nhiều lần, trong đó có 2 lần do dịch bệnh. Họ từng thực hiện một bộ ảnh cưới chủ đề chống dịch để kỷ niệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước đó, hôm 24/7, đôi uyên ương hân hoan đăng tin báo ngày giờ hôn lễ lên trang cá nhân. Nhưng, chỉ một ngày sau khi đăng "bài viết thay cho thiệp hồng", Đà Nẵng ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày. Kể từ lúc đó cặp dâu rể này như ngồi trên đống lửa. Họ lo sợ làn sóng khách du lịch trở về Hà Nội có thể mang theo virus.

Sáng 29/7, Mỹ Hạnh, nhân viên một ngân hàng, đang làm việc tại văn phòng thì nhận được tin có người nghi nhiễm tại ngõ 26, Mễ Trì Thượng. "Khoảnh khắc ấy tôi không thể thốt nên lời. Dịch trở lại nhanh đến nỗi bùng ra đầu tiên ngay tại phường của tôi", cô chia sẻ.

Nhà Hạnh ở phố Miếu Đầm, Mễ Trì Thượng, nằm trong bán kính 1 km với nhà của "bệnh nhân 447". Dù đã có người đến phong tỏa, phun khử trùng, cô gái vẫn cầu mong cho người này không mắc Covid-19. "Từng biết có những người lần đầu dương tính, hai lần sau âm tính nên được kết luận âm. Suốt ngày hôm đó tôi mong cho bạn ấy an toàn", cô gái trẻ kể.

Song kết quả đã quá rõ ràng khi chiều tối 29, ca này được ghi nhận. Tối đó, gia đình nhà Hạnh và nhà Cường đi đến thống nhất vẫn sẽ tổ chức đưa dâu để lấy ngày đẹp. Nhà gái phải hủy tiệc.

Tại nhà trai ở Bắc Giang, dù dịch chưa xuất hiện, chú rể Cường cũng làm giản tiện trong nội bộ gia đình. Anh vốn là một nghệ sĩ Nhà hát chèo quân đội, đã lên kế hoạch cưới trên 1.000 khách mời, cùng âm nhạc hoành tráng. "Bao lâu nay tôi ấp ủ ý tưởng sẽ đem lời ca tiếng hát phục vụ bà con quê hương trong ngày cưới của mình. Tôi đã mời được các nghệ sĩ nổi tiếng và lên kế hoạch âm nhạc với nhiều tiết mục đặc sắc từ quan họ, trầu văn, độc tấu đàn bầu, sáo trúc... để biểu diễn cho bà con nghe. Nhưng nay toàn bộ phải hủy", Cường chia sẻ.

Hạnh và Cường yêu nhau tới năm thứ 6 và trong hai năm gần đây, họ đã định cưới cả chục lần mà không thành, do các lý do như nhà có người mất, người gặp tai nạn ốm sốt... Tháng 4 vừa qua, họ đã chụp ảnh cưới, chọn được ngày đẹp thì toàn quốc giãn cách.

Vốn là mạnh mẽ, song trước dấu mốc trọng đại của đời người con gái mà năm lần bảy lượt gặp sự cố, Mỹ Hạnh không tránh được suy nghĩ vẩn vơ. Đêm Hà Nội xuất hiện ca bệnh, cô buồn quá nhắn tin cho chồng: "Hay duyên phận chúng ta chưa đủ?". Chú rể Cường phải động viên cho vợ vui vẻ. Anh cũng hứa hẹn: "Hết dịch chúng mình sẽ làm lại tiệc cưới đông đủ hơn".

Đám cưới của cô dâu Mai Trinh, Đăk Lăk và chú rể Phúc Thái, Quảng Trị vào ngày 31/7 phải hoãn vì Đăk Lăk có ca mắc Covid-19. Trong hình, nhà cô dâu đang gỡ bỏ phông rạp đã chuẩn bị. Ảnh: Mai Trinh.

Tại vùng chưa xuất hiện dịch, các cô dâu cũng trở tay không kịp. Thùy An, 25 tuổi, ở TP Huế, tổ chức tiệc cưới vào ngày 31/7 nhưng sáng hôm đó, gia đình cô phải dỡ rạp cưới.

Trước đó, dịch bệnh tái xuất quá cận ngày cưới nên hai gia đình quyết vừa tổ chức, vừa nghe ngóng, cập nhật tin tức hàng giờ. "Lúc trước nghĩ ngày cưới sẽ hồi hộp lắm, nhưng giờ hồi hộp vì Covid-19 hơn", cô gái nói nửa đùa nửa thật.

Hôm 29/7, nhà An vừa dựng xong tạp thì tối đó có công văn hỏa tốc của tỉnh về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ngay lập tức hai gia đình bàn bạc qua điện thoại thống nhất hoãn cưới. Ngay trong đêm đó cho đến ngày hôm sau, An đã gọi hàng trăm cuộc thông báo cho bạn bè, đồng nghiệp về việc hủy hôn lễ. Để tránh bỏ sót, cô cũng đăng tin tin hoãn cưới lên mạng. Nhiều người họ hàng của cô từ tỉnh xa về phải chấp nhận với việc mất tiền vé.

"Thương nhất những người làm dịch vụ. Đồ ăn mua sẵn hết rồi mà mình báo hoãn, họ chẳng trách một câu còn động viên mình là sẽ mang đồ ăn ra chợ bán", An chia sẻ.

Hai ngày qua tất bật xử lý công việc không có thời gian để buồn. Đến sáng nay rạp dỡ xong, thành phố bất chợt có mưa, người ra vào than thở "Các cụ bảo cưới ngày mưa giàu lắm đây". Thùy An chẳng để tâm điều đấy, lòng chỉ buồn đáng lý ngày hôm nay đã được mặc áo cưới.

"Nhưng thật sự hoãn một cái mà nhẹ cả lòng, mọi người cũng yên tâm theo. Chỉ sợ có ai bị dính vivus, vui chưa thấy đâu, mình lại ân hận", cô bộc bạch.

Trên một group dành cho các cô dâu sắp cưới, trong 3 ngày qua có hàng trăm cô dâu khắp cả nước chia sẻ tình cảnh đám cưới bị ảnh hưởng vì dịch. Đa phần các cô dâu đưa ra ba lựa chọn: hoãn cưới hoặc chỉ đón dâu lấy ngày. Một số cô dâu ở các tỉnh chưa có dịch thì đang lo lắng chưa biết nên hoãn hay không.

Cô dâu Như Ý, một kế toán 25 tuổi quê Quảng Trị, quyết định hoãn cưới lần thứ hai không hề phân vân. Cô và chồng, một kỹ sư điện đã trải qua 6 năm thanh xuân bên nhau, từ khi cùng học ở Đà Nẵng đếm vào Đồng Nai lập nghiệp. Tháng 4 vừa qua, họ cùng nghỉ việc để trở về quê kết hôn và ổn định cuộc sống. Đám cưới lần đầu dự tính ngày 24/4, song vướng đợt giãn cách nên cả hai quyết định tạm dừng hạnh phúc cá nhân để chống dịch.

                     Cô dâu Như Ý và chồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lần này hôn lễ định vào ngày 9/8. Nhà gái sẽ mời khoảng 400 khách, nhà trai mời 800 khách. Thiệp mời đã trao tận tay khách. Dịch tái xuất, gia đình hai bên sợ các con buồn nên đưa ra ý kiến làm lễ xin dâu trước, dịch ổn rồi tổ chức tiệc sau. Nhưng Như Ý và chồng sắp cưới nghĩ "Đây là tình hình chung của cả nước. Bây giờ dịch thì mình hoãn, sau này mình làm đông đủ gia đình hai bên để trọn vẹn hơn". Vài hôm nay, họ đã phải thông báo cho từng người về kế hoạch hoãn cưới lần hai.

"Có cô bạn bạn chuẩn bị bài hát vài tháng nay mà chưa được thể hiện. Cô em hàng xóm đi đại học thấy mình còn ở nhà bố mẹ đẻ thì ồ lên ngạc nhiên khi biết vẫn chưa 'xuất' đi được", Như Ý cười kể.

Chuyên gia tâm lý Minh Hoa, TP HCM chia sẻ, chắc chắn các dâu rể sẽ không khỏi rối bời, lo lắng vì ngày cưới bị ảnh hưởng. Nỗi lo này thường đến từ 2 lý do chính. Đó là công sức, thời gian đã bỏ ra chuẩn bị cho hôn lễ giờ bị phá sản. Thứ hai là nỗi lo tiền cọc các dịch vụ. Đối với nhiều người, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, khoản tiền lo cho đám cưới là con số không nhỏ.

Nhiều người khác cũng có nỗi lo "đầu không xuôi đuôi không lọt". Tuy nhiên theo nhà tâm lý, dịch bệnh là yếu tố khách quan, không ai mong muốn. Hơn nữa không phải vì thiếu "một ngày quan trọng nhất" mà cuộc sống mất đi hạnh phúc. "Vợ chồng đồng lòng mới là chìa khóa lâu dài của hôn nhân. Không có tiệc, một ngày báo hỷ cũng hoàn toàn có thể đánh dấu cho sự bắt đầu", bà gợi ý.

Theo vnexpress