leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Mỗi lần vậy, mẹ lại gọi điện cho tôi và chị Hai về nhà động viên, khuyên nhủ em. Tôi chỉ có mặt 2 lần, những lần sau tôi không về nữa, bởi trái quan điểm với chị Hai và em gái.

Khi em gái kể tội chồng, chị Hai ủng hộ, còn tôi thì ngược lại. Chị khuyên em gái phải “cứng” ngay từ đầu để chồng không lấn lướt, cứ ở nhà mẹ đến khi chồng năn nỉ mới về chứ tuyệt đối không xuống nước trước.

Tôi tưởng nguyên nhân cãi vã của vợ chồng em nghiêm trọng, hóa ra toàn việc nhỏ nhặt, em rể cũng không hẳn sai hoàn toàn. Lần đầu, cưới nhau được nửa tháng, em gái bị ho cảm nhẹ, gọi chồng chở đi khám nhưng em rể bận họp nên nhắn vợ gọi xe đi, trưa sẽ ghé chở về. Vậy mà em gái dằn dỗi, giận chồng, bỏ về nhà mẹ.

Lần hai vào một đêm trời mưa tầm tã, em gái thèm ăn miến gà, muốn chồng đi mua, em rể càu nhàu nói: “Em ăn tạm gì đó hay đặt ship về cũng được, anh phải ngủ sớm, mai còn đi làm”.

Tôi nghe chuyện, bật cười nói: “Giờ đã là vợ chồng chứ phải đang yêu nữa đâu mà em đòi hỏi nhiều thế, phải trưởng thành lên chứ!”. Nghe thế, em gái vùng vằng dỗi: “Chị không hiểu cảm giác của em. Lấy nhau về mà tình cảm giảm đi thì không cưới còn hơn”.

Tôi nghiêm túc phân tích cho em, khi mới bước vào hôn nhân, ai cũng gặp những “cú sốc” kiểu vậy và cách tốt nhất là thay đổi và điều chỉnh những mong đợi của bản thân vào bạn đời cho phù hợp thực tế.

Nói cách khác là giảm bớt kỳ vọng vào hôn nhân sẽ giúp mình cảm thấy hạnh phúc hơn. Em không thể trông đợi chồng suốt ngày luẩn quẩn bên cạnh mình, đáp ứng tất cả yêu cầu của vợ. Chẳng có anh chồng nào hoàn hảo như trong những câu chuyện ngôn tình - hôn tạm biệt vợ mỗi buổi sáng, gọi điện nhắn tin hỏi han vợ suốt ngày, về nhà ăn tối đúng giờ, lương đưa đầy đủ nhưng hoa quà vẫn tặng đều, đưa đón, mua đồ ăn cho vợ, lại thông minh, hài hước, chung thủy.

Thực tế, vợ chồng là 2 thực thể khác nhau, vì yêu mà gắn bó nên không thể nào thay đổi người ta theo ý của mình.

Tôi cũng từng như em gái, lúc mới lấy chồng, luôn thấy thất vọng về bạn đời. Nhưng về sau, tôi nhận ra chồng vẫn thế, chỉ do mình kỳ vọng quá nhiều. Tự thay đổi và biết yêu bản thân, bớt hy vọng sẽ không thất vọng. Tôi không còn trông đợi chồng chăm sóc mình từng li từng tí nữa, vì hiểu anh cũng có công việc và cuộc sống riêng. Tôi tự nhủ, phải nhìn vào những điểm tốt của chồng để vun vén cho hôn nhân.

Suy cho cùng, anh không phụ tôi làm việc nhà nhưng hằng tháng anh đưa lương đầy đủ, luôn lo cho gia đình. Anh không thường xuyên về quê thăm cha mẹ vợ nhưng khi ông bà bệnh, anh chạy đôn chạy đáo lo thủ tục nhập viện. Anh ít rửa chén, dọn nhà giúp vợ, nhưng anh biết kiếm tiền để mua máy rửa chén và máy hút bụi cho tôi đỡ vất vả.

Tôi kể cho em gái câu chuyện vui, người ta nói rằng người đưa mũ bảo hiểm còn cẩn thận cài mũ lại, gạt chỗ để chân, giữ vững xe máy để mình trèo lên chỉ có thể là anh xe ôm; người nằm bò ra đất để mình có một bức ảnh đẹp chỉ là thợ chụp ảnh chứ đừng hy vọng chồng mình làm được như vậy.

Bởi vậy, sau khi kết hôn, cần đưa kỳ vọng của mình vào bạn đời về sát thực tế, để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Chỉ nên đòi hỏi những điều cơ bản từ nửa kia - đó là tình thương yêu, sự tôn trọng và sự tin tưởng; còn muốn lúc nào cũng được nâng niu, chiều chuộng như lúc mới yêu sẽ dễ gây ra mâu thuẫn trong gia đình vì những chuyện không đáng.

Theo phụ nữ TPHCM