Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng em lấy nhau được 18 năm, có 2 cậu con trai. Bạn lớn năm nay lớp 12, bạn bé năm nay lớp 8. Gia đình rất hòa thuận, chỉ có điều chồng em có tính chơi cờ bạc, xóc đĩa... gây bao hệ lụy cho gia đình.

Từ hồi lấy nhau, anh hay chơi kiểu như có lương thì chơi cho hết. Rồi năm này qua năm khác, anh vẫn chơi và sinh ra vay nợ nặng lãi, đến mức bán đất, cắm nhà. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, đến bây giờ con số nợ đã lên đến gần 2 tỉ đồng.

Bình thường anh là con người chịu khó, vẫn đi làm kiếm tiền, biết tính toán, không rượu chè, nhưng thỉnh thoảng lại chơi một mẻ, rồi nợ chồng nợ. Bản thân em đi vào bế tắc, muốn giải thoát cho mình, nhưng lại thương con.

Hoàn cảnh nhà em khổ lắm. Bố mẹ hai bên không gần nhau, không nhờ chăm con được, mà mang con theo thì không thể. Trong những món nợ của anh, có một số em đứng tên vay, nếu bỏ đi, em vẫn phải trả, nên em chẳng biết làm thế nào.

Mong chị em cho em một lời khuyên, em phải làm gì để cứu vãn?

Nguyễn Thị Thuận

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Nguyễn Thị Thuận thân mến,

Câu hỏi cuối cùng của em làm Hạnh Dung hết sức băn khoăn. Em hỏi làm sao để cứu vãn được, mà Hạnh Dung không hiểu là em muốn cứu vãn gia đình, cứu vãn chính bản thân em, hay cứu vãn cuộc sống tương lai của các con em?

Dù là cứu vãn điều gì trong 3 điều kể trên, thì Hạnh Dung cũng không thể giấu được sự ngạc nhiên và "thán phục" em: Chồng em đã cờ bạc từ khi lấy nhau, cứ có lương là chơi hết, vay nặng lãi để chơi, khiến gia đình phải bán đất, cắm nhà, và đến giờ vẫn còn nợ 2 tỉ...

Ấy vậy mà em nói rằng gia đình rất hòa thuận, và em chịu đựng được điều đó đến gần 20 năm. Em quả là một phụ nữ... "phi thường"! Bởi không người phụ nữ nào có thể chịu đựng được cảnh nghèo khổ đến mức tuyệt vọng vì tật xấu cờ bạc của chồng. Nhưng em thì có thể, kể cả chịu đựng việc mất nhà cửa, hay gánh nợ khủng cùng chồng.

Giờ đây, em mới bắt đầu đặt câu hỏi: "Làm gì để cứu vãn?", có lẽ là hơi muộn em ạ. Được dung túng, bao che và chung vai gánh nợ giùm, chồng em đã để thói xấu cờ bạc đó ăn sâu vào máu và khó lòng từ bỏ rồi.

Nếu ngay từ đầu em đã cương quyết đấu tranh với chồng, không chấp nhận để anh ta sử dụng hết tiền lương của mình để chơi bạc, không chấp nhận bán nhà và không gánh nợ giùm, thậm chí đặt cho chồng sự chọn lựa: gia đình hay cờ bạc... thì đó mới là cách giúp chồng, giúp gia đình và giúp bản thân mình tốt nhất.

Các con em giờ đã lớn, không còn ở tuổi không hiểu biết gì về thói xấu của bố, thậm chí đã có thể cùng em bàn bạc những giải pháp để giúp bố thay đổi, thì em vẫn nói về chúng như về những đứa trẻ vài tuổi.

Muộn còn hơn không. Điều quan trọng là em hãy đánh giá lại xem giờ em muốn cứu cái gì hơn cả? Cuộc sống của em? Cuộc sống gia đình? Tương lai của các con? Tùy vào mục tiêu của bản thân, cùng với sự góp ý của các con, em hãy lựa chọn và đề ra những biện pháp phù hợp.

Hãy cho chồng biết rằng em đã cạn kiệt sức lực, tinh thần và tài chính. Em có thể có những chọn lựa tốt hơn cho bản thân và các con. Nếu chồng em không thể làm gì cho chọn lựa đó của em và các con, thì hãy để anh ta tự cứu mình.

Theo phụ nữ TPHCM