Chào chị Hạnh Dung,
Tôi năm nay 25 tuổi. Tôi lấy vợ năm 2019 đến năm 2021 tôi vi phạm pháp luật bị đi cải tạo 2 năm. Lúc đó con gái tôi 2 tuổi.
Đầu năm 2023 vừa rồi tôi cải tạo xong về với gia đình thì vợ tôi có nói với tôi là trong thời gian không có tôi bên cạnh, cô ấy có qua lại với một người làm chung công ty và đã có QHTD. Nhưng giờ tôi về nên vợ tôi đã cắt đứt liên lạc và muốn quay lại sống bên chồng con.
Cô ấy đã kể hết sự việc cho tôi nghe, và hứa từ nay sẽ là một người vợ ngoan hiền bên chồng con. Liệu tôi có nên tha thứ và chung sống với vợ con không, vì tôi cảm thấy rất nhục và tự ái. Tôi cần lời khuyên.
Trần Hoàng Nguyên
Anh Trần Hoàng Nguyên thân mến,
Con người ai cũng từng mắc sai lầm, phải không anh? Và điều tốt nhất để có thể hiểu được vì sao người ta sai lầm, là đặt mình vào hoàn cảnh người đó, và thật sự lắng nghe xem vì sao người ta lại làm những điều như vậy?
Tính từ tuổi của anh, có thể biết được rằng vợ anh cũng còn rất trẻ, chắc chắn là từ 25 đổ xuống. Có thể anh thấy bản thân và vợ đã trưởng thành, già dặn. Thế nhưng, so với đời người, thì độ tuổi đó còn rất trẻ.
Một người phụ nữ trẻ, sống một mình suốt 2 năm trời nuôi con, và còn phải chịu áp lực tiếng đời, áp lực hoang mang của bản thân về việc chồng mình đã vi phạm pháp luật và phải đi cải tạo, chắc chắn cô ấy đã gặp rất nhiều khó khăn. Và cô ấy rất cô đơn, anh ạ. Bởi chắc rằng không phải ai xung quanh cô ấy cũng thông cảm với hoàn cảnh của một người vợ có chồng phạm pháp đâu anh.
Chắc chắn có rất nhiều lúc yếu đuối, mệt mỏi, cô ấy cần một ai đó lắng nghe, động viên, an ủi, hay ít nhất cũng chỉ là ở bên cạnh, để cô ấy không cảm thấy quá cô đơn. Và một lúc nào đó, một giây phút nào đó quá yếu lòng, cô ấy đã trượt chân.
Có thể thông cảm và hiểu cho cô ấy được không anh? Hạnh Dung nghĩ là hoàn toàn được. Thậm chí, vì là một nhà báo, một người từng tiếp xúc với nhiều số phận, cuộc đời, Hạnh Dung có thể nói với anh một điều, rằng trong hoàn cảnh của cô ấy, nhiều cô gái trẻ thậm chí đã bỏ đi thẳng, tìm một người đàn ông khác để nương tựa, thay đổi cuộc đời của mình nữa cơ.
Nhưng cô ấy đã quay lại đúng vị trí của mình, khi anh ra đi. Và cô ấy thành thật với anh mọi điều, thể hiện sự ân hận, hối lỗi của mình, và muốn cùng anh tiếp tục gầy dựng cuộc sống tương lai. Hạnh Dung nghĩ, đây quả là một điều tốt đẹp cho anh và cho cô ấy, sau một chặng đường 2 năm nhiều khó khăn.
Thành thật thêm một điều, anh hãy thử nghĩ đi: anh cũng là người đã mắc một sai lầm. Hạnh Dung không biết mức độ nó như thế nào, thế nhưng ở cương vị một người chồng, một người cha mà vì sai lầm của mình, anh bỏ rơi vợ con cô đơn một mình vào lúc họ cần anh nhất, khi con anh còn quá nhỏ, anh không nghĩ rằng mình cũng có lỗi với vợ con sao?
Cho nên, ở đây, Hạnh Dung nghĩ không nên dùng từ "tha thứ" cho nhau, mà giữa anh và vợ cần có những tình cảm cao hơn, tốt đẹp hơn và có ích hơn: hiểu nhau, thông cảm với nhau, chia sẻ cho nhau và động viên nhau cùng xây dựng lại gia đình nhỏ của mình.
Tất nhiên, đó là nếu như anh bỏ đi được cái cảm xúc vị kỷ của một người đàn ông: thấy nhục, thấy tự ái vì vợ không giữ được mình khi chồng không có nhà. Nếu anh yêu bản thân, nghĩ cho bản thân nhiều hơn, nếu trái tim anh không đủ sự bao dung và hiểu biết để có thể khép quá khứ buồn của cả hai lại sau lưng, thì anh cũng không cần cố gắng làm gì. Anh phải chắc được về sức mạnh tình cảm và lý trí của mình, thì gia đình anh mới có một khởi đầu mới tốt đẹp.
Theo phụ nữ TPHCM