Nỗi đau từ một cuộc ngoại tình luôn là việc không hề dễ dàng vượt qua. Bị phản bội khi mới chỉ trong mối quan hệ lứa đôi đã có thể hủy hoại niềm tin của một người. Bị phản bội trong một cuộc hôn nhân sẽ khiến người ta đau gấp trăm, gấp ngàn lần với những cảm xúc hỗn loạn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Hôn nhân trong sự công nhận của pháp luật Việt Nam hiện tại là sự cam kết giữa mối quan hệ 1-1. Chỉ có 1 vợ và 1 chồng. Khi một ai đó muốn tiến đến hôn nhân, đó là lúc họ đã đồng ý bước vào cam kết thiêng liêng ấy. Hôn nhân không chỉ là câu chuyện của 2 người mà còn là mối quan hệ với gia đình 2 bên, sự ràng buộc con cái, tài sản chung… Ngoại tình sẽ gây ra tổn thương cho rất nhiều người.
Trong hoàn cảnh đó, phụ nữ sẽ rơi vào những phức cảm. Họ cảm thấy uất hận, thấy trời đất như sụp đổ, thấy bối rối với những câu hỏi “Tại sao?”.
Tại sao người ta có thể làm tổn thương mình như vậy? Nếu không còn tình cảm và muốn đến với người khác thì có thể trao đổi với nhau để mối quan hệ được kết thúc văn minh mà? Họ bối rối và dò xét thái độ của chồng. Chồng mình có ăn năn, mong được tha thứ không hay chồng mình có cớ phủi tay theo người tình? Rồi con mình sẽ như thế nào? Nó sẽ phải sống trong cảnh không đủ đầy cha mẹ sao? Họ cảm thấy xấu hổ khi sĩ diện bị chạm vào.
Rồi, họ lại xem thử bản thân đã mắc lỗi lầm gì. Trong cơn uất hận, họ có thể rủa sả chồng thậm tệ hay bạo lực với kẻ thứ ba, hủy hoại danh dự và sự nghiệp của người đó.
Thế gian này có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu cách giải quyết. Có những người trong cơn đau đớn cùng cực muốn người khác cũng phải chịu sự đau đớn như mình. Lại cũng có người tự dành cho mình sự im lặng chữa lành. Có người quyết định bỏ chồng không cần suy nghĩ nhưng tổn thương thì cứ đeo bám mãi. Lại có người cho chồng cơ hội hàn gắn nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ đến điều đó.
Bạn tôi kể rằng cho đến bây giờ, thỉnh thoảng cô ấy vẫn có cảm giác ghê tởm chồng dù đã quyết tâm bao dung, hàn gắn.
Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có sự lựa chọn riêng nhưng trước khi quyết định điều gì, hãy nghĩ về những đứa trẻ.
Con mình sẽ tổn thương biết mấy khi câu chuyện ấy bị tung hê với cả xã hội. Nó cũng cần nhìn cha nó bằng ánh mắt tôn trọng. Nó có vui không khi cha mẹ đấu tố nhau trên mạng xã hội? Và với những hành vi thỏa mãn cơn giận đối với kẻ thứ ba, nếu không biết kiềm chế có thể tự rước họa vì tội làm nhục đối phương.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Chỉ có sự bình tĩnh mới cho ta những quyết định thật sáng suốt. Hãy trực diện vào nỗi đau, cảm nhận con tim mình đau như thế nào. Hãy khóc cho những ấm ức, tổn thương…
Và rồi, sau uất hận là gì? Nỗi đau ấy có thể tái đi tái lại rất nhiều lần cho dù bạn quyết định cho chồng cơ hội hàn gắn. Nó vẫn là một tiến trình tự nhiên của sự hồi phục nhưng đừng chìm đắm vào nó. Chỉ hiểu là nó như thế, rồi tiếp tục quan sát cho đến một ngày có thể nhìn nó nhẹ nhàng. Trong thời gian ấy, bạn hãy dành sự tập trung vào chính bản thân.
Trước hôn nhân, bạn là một con người độc lập, một con người với rất nhiều năng lực tiềm ẩn và là một con người hoàn toàn có thể tự gieo cho mình hạt giống bình an. Sau hôn nhân, bạn vẫn có thể là con người như thế. Chỉ có điều đa phần phụ nữ thường dễ tự dính mắc bản thân vào vai trò làm vợ, làm mẹ mà quên mất mình là một con người độc lập. Họ hay gắn hạnh phúc và đau khổ của mình vào các đối tượng này khi “không được yêu thương”.
Trên thực tế, dù đối phương có chọn cách hành xử như thế nào cũng không thể mài mòn ngày tháng cần được hạnh phúc của bạn. Dành thời gian phát triển bản thân, chăm sóc lại chính mình, nỗ lực kiếm tiền nhiều hơn, thời gian để nghĩ ngợi muộn phiền cũng sẽ giảm lại.
Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng nếu bạn không có ý thức về sự tự chữa lành, nỗi đau sẽ dịch chuyển sang các thế hệ sau. Chẳng có ai xứng đáng đau thêm nữa dù điều gì đã xảy ra. Đó là một tiến trình cần rất nhiều riêng tư và nỗ lực của chính bạn.
Cuộc sống rất ngắn ngủi. Hãy trân trọng sinh mệnh bản thân. Không cần chờ đợi sẽ gặp được ai yêu thương mình, chỉ mong bạn luôn biết yêu thương bản thân và chấp nhận mọi chặng đường đã qua.
Theo phụ nữ TPHCM