Cả nhà chị đang ăn cơm tối và trò chuyện vui vẻ thì anh có điện thoại. Nhìn thấy số máy của em trai, anh vội cầm điện thoại rời bàn ăn.

Chị thấy thế liền nóng mặt: “Anh ngồi đó mà nói chuyện cũng được, việc gì phải đi đâu”. Anh lườm vợ rồi bỏ ra sân. Mỗi lần chỉ cần nhắc đến em chồng, vợ chồng chị lại mặt nặng mày nhẹ với nhau.

leftcenterrightdel
 Chỉ cần nhắc đến em chồng, vợ chồng chị lại lục đục (Ảnh minh họa)

Trước đây, chị cũng quý em chồng, từng lo lắng đủ điều cho em, đến tận ngày chú ấy lấy vợ. Cứ ngỡ có gia đình riêng, em trai sẽ bớt ỷ lại vào anh chị, nhưng càng ngày chị càng bực bội. Cha mẹ chồng có 3 người con, 2 trai, 1 gái, em trai kém chồng chị 15 tuổi nên khi anh đi làm thì em còn đi học.

Năm 18 tuổi, em trai lên thành phố học và sống cùng chồng chị. Anh thay ba mẹ nuôi em, lo đủ mọi chi phí từ ăn uống, tiền học, tiêu vặt... Đến khi anh chị cưới nhau, em trai vẫn ở chung, dù đã đi làm nhưng chưa bao giờ em đóng góp một đồng sinh hoạt phí nào.

Đôi lần chị ý kiến với chồng về việc em trai nên góp tiền hàng tháng để có trách nhiệm nhưng chồng chị gạt đi. Anh cằn nhằn: “Lo được chừng ấy năm thì giờ gắng chút có sao, bữa ăn thêm bát thêm đũa chứ tốn kém gì đâu mà kêu đóng góp”.

Chị nghe vậy, thấy ức chế trong lòng, việc nuôi thêm một miệng ăn đâu có đơn giản như anh nói, trong khi 2 đứa con còn nhỏ bao nhiêu chi phí phải lo. Hàng tháng, anh chỉ đưa chị 12 triệu đồng để lo lắng tất tần tật thì làm sao đủ!

Em chồng đi làm về là vào phòng bật máy lạnh lướt điện thoại đến giờ ăn mới xuống, quần áo bẩn cũng chỉ biết quăng bừa vào máy giặt rồi để đấy.

leftcenterrightdel
 Mỗi lần chồng nghe điện thoải của em trai, chị thấy nóng trong người (Ảnh minh họa)

Đến khi em trai chồng cưới vợ, chị tưởng chừng như trút được gánh nặng. Vậy mà, em trai thuê nhà ra ở riêng nhưng thường xuyên nhắn tin xin hoặc mượn tiền anh trai. Có tháng mượn 3 lần liên tục, tổng cộng 12 triệu đồng; chưa kể hàng tháng xin lai rai vài trăm đến vài triệu.

Em thường chuyên gọi điện nhờ anh trai mua đồ ăn thức uống, gửi tiền đám cưới, đám tang giùm. Năm trước, vợ chồng chị đứt ruột đã bỏ ra 200 triệu đồng trả tiền nợ ngân hàng cho em trai chồng, vì em mượn sổ đỏ của anh chị cầm cố để vay tiền khởi nghiệp, nhưng không thành công.

Những lần trước, chị biết chuyện em trai mượn tiền đã càu nhàu, anh chỉ im lặng. Đến khi chị đọc được tin nhắn, em trai nhờ anh mua sữa cho vợ cùng mấy thứ đồ dùng cho bà bầu thì không giữ được bình tĩnh mới bảo: “Anh muốn bảo bọc chú ấy đến bao giờ nữa?”.

Lúc đó, anh quát chị: “Tiền anh làm ra, tiêu vào việc gì là quyền anh, anh lo cho em mình là sai à, nó nhờ anh chứ có nhờ em đâu”. Chị lặng người, chợt hiểu ra ranh giới giữa mối quan hệ vợ chồng và tình thân. Từ ngày đó, mỗi lần em trai gọi điện, anh đều tránh mặt chị để nghe. Chị không muốn tranh cãi nhưng trong lòng rất buồn bực vì cách cư xử của chồng.

Theo phụ nữ TPHCM