Chuyện nhà Hạnh dạo này rối tung. Chồng cô xếp đồ “ra ở riêng” đã một tuần, như một cách tuyên chiến với vợ. Cha mẹ chồng thì nặng nhẹ khi nhìn thấy con dâu. Hạnh cũng đau đầu, cô không nghĩ mọi chuyện lại nghiêm trọng đến thế.
Chuyện bắt đầu từ khi mẹ chồng bắt đầu trở tính, những khó ở của người già cứ tăng tiến mãi. Nhà Hạnh ở sát cạnh ba mẹ, trước thì nghĩ đó là sự tiện lợi để con cái chạy qua chạy lại thăm nom ông bà. Nhưng giờ với Hạnh đó là sự ấm ức khó chịu khi bị mẹ xét nét, soi mói.
Ảnh minh hoạ
Hạnh trút những bực bội đó với chồng, nhưng thường vào những lúc anh trở về sau một ngày làm việc. Vậy nên, anh lớn giọng át đi. Khi mệt mỏi hoặc say xỉn thì không bao giờ người đàn ông đủ tinh tế để nói với vợ những lời chia sẻ, động viên dễ nghe. Vậy là giận, là dằn hắt, thậm chí quát mắng nhau…
Hôm sau, vợ đi việc vợ, chồng đi việc chồng, từ sáng sớm tới tối khuya. Giai đoạn này dịch giã, chồng Hạnh khá nhiều việc, trước thì Hạnh hiểu anh có nhiều áp lực công việc, nhưng do những ấm ức tích tụ nên cô không còn dễ thông cảm được nữa. Mọi chuyện tưởng nhỏ cứ thế đẩy thành nỗi bực dọc chất ngất trong lòng.
Hạnh mang chuyện nhà mình than phiền trong một hội nhóm chị em trên Facebook. Nhiều người chê trách chồng Hạnh vô tâm, chỉ biết nghe mẹ.
Người đặt ra nghi vấn hay chồng cô có bồ? Người khuyên độc lập tài chính như Hạnh thì nên yêu lấy bản thân. Có người thẳng thắn hơn khuyên Hạnh nếu sống không vui vẻ gì thì “bỏ quách đi” cho nhẹ nợ, đỡ phải gồng gánh thêm những ràng buộc, những trách nhiệm đến vô lý với nhà chồng, bởi đàn bà lấy chồng, chứ có phải lấy cả nhà chồng đâu.
Lời khuyên nào Hạnh cũng thấy đúng. Cô đọc xong càng thấy mình đáng thương. Hạnh quên mất chồng cô rất yêu thương con, anh quan tâm đến nhà vợ. Biết không chia sẻ việc nhà với vợ được thì anh sẵn sàng đưa hết tiền cho Hạnh quản lý và mua sắm. Những đồ đạc hỏng hóc trong nhà không sửa được thì anh có thể gọi thợ tới. Chỉ là… anh nhậu hơi nhiều và bênh mẹ thôi.
Không hiểu vì sao những chia sẻ chuyện nhà trong hội chị em của Hạnh, cô em chồng lại biết được. Bằng cách nào đó mà cô em chụp được toàn bộ màn hình câu chuyện gửi cho anh trai, cho ba mẹ chồng.
Hạnh cứ nghĩ đó là nhóm kín. Là kín trong thế giới ảo, thì làm gì có ai quen. Những bực dọc về chồng, về nhà chồng, Hạnh trút để giảm stress, chứ ai ngờ cũng có ngày ông chồng đọc được. Mẹ chồng vốn dĩ đã khó tính, nay thấy những lời than thở của con dâu thì nói: “Chị giỏi thật, vậy chị tự lo một mình đi”.
Chồng Hạnh xin vào cơ quan tá túc. Các con nhớ ba luôn miệng đòi ba phải về nhà. Hạnh không dám nhờ ba mẹ chồng giữ cháu, mình cô xoay như chong chóng, đi làm luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau về thời gian.
Lúc này cô mới hiểu, những cơn bùng lên cho “đã nư” trên mạng xã hội đúng là tai bay vạ gió. Không một ai trên thế giới ảo đó bước ra gỡ giùm cô mối tơ vò trong cuộc sống thật.
Vùng lên, để rồi sao nữa? Trên mạng xã hội, mọi người rất dễ đưa lời khuyên giải thoát cho bản thân, còn hậu quả sau đó mấy ai khuyên.
Vùng lên để khẳng định giá trị bản thân, nhiều người cho đó là hình ảnh cần có của phụ nữ hiện đại, nhưng những tổn thương mất mát, những thiệt thòi của các con, của chính người trong cuộc lại ít được nhắc đến…
Việc chuyện gia đình bị đẩy đi xa quá như vậy, Hạnh thật không ngờ. Thực tâm cô chưa bao giờ nghĩ đến bỏ chồng, đến hai chữ ly hôn.
Bởi dù chồng có khiếm khuyết, thì cô biết chính mình cũng chưa tròn trịa. Hai con người cùng nương nhau mà bước, hẳn sẽ vững hơn chứ. Bà nội có khó tính, xét nét con dâu thì ông nội vẫn hằng ngày đưa đón các cháu, lúc con dâu bận rộn, cháu nội vẫn có thể chơi cùng ông để mẹ làm việc.
Hạnh nghĩ, cô cần sang nhà ông bà nội để nói lời xin lỗi.