Hôm qua tôi ghé nhà đồng nghiệp ở ngoại ô chơi, lúc về được hái cho một mớ bắp làm quà. Tự nhận là “trồng cho vui”, không phân thuốc nên bắp cũng rất tùy hứng. Lúc lột vỏ ra, có trái “đều như bắp”, có trái hạt còn tệ hơn… răng sún, chỉ nhìn thấy cùi bắp là chủ yếu. Bấm thử, thấy trái già quá, nhưng tôi vẫn quyết định đặt xoong lên bếp luộc. Không sao. Cùng lắm thì… húp nước, cũng ngon ngọt kia mà.
Thế rồi buổi sáng hôm ấy, căn bếp nhà tôi bỗng ngan ngát mùi hương của bắp nấu. Dìu dịu, thơm thơm, nhẹ nhàng mà ấm áp đến lạ kỳ. Cái mùi gợi lên sự êm ả, no đủ, lành sạch, của nếp của đường, của lao xao chén bát gọi mời… Khoảnh khắc ấy, tự dưng thấy nhẹ nhõm, bình yên đến lạ. Tất cả chỉ nhờ một nồi bắp đang khe khẽ sôi trên bếp.
Chợt nhớ năm đó, chồng tôi ốm một trận rất nặng. Nỗi lo âu thấp thỏm khiến cảnh nhà buồn thiu, bọn trẻ con cũng ngại nói cười. Những khuya đứng lặng lẽ trong bếp, tôi thường nhìn quanh, tự nhủ mình cố lên, cả nhà hãy cùng cố lên. Lên tinh thần xong thì tỉ mẩn gọt củ gừng, xắt nhỏ, từng sợi hăng hăng cay cay ấy khiến tôi cứ muốn chảy nước mắt. Chồng cần tẩm bổ, nên lâu lâu tôi lại chưng một tai yến đường phèn, hay nấu cháo hạt sen thanh đạm. Cả hai thức ấy đều nêm nếm nhiều gừng miếng cho ấm bụng.
Chẳng biết có phải nhờ mùi gừng thơm không, mà tôi luôn thấy mình bình tâm hẳn. Rồi trời thương, ba sắp nhỏ cũng qua được. Nhưng thi thoảng, chắc đã là một thói quen, tôi lại cạo vỏ củ gừng, hầm một nồi cháo nhỏ với gà ác. Hương thơm dịu dàng tỏa ra từ căn bếp nhỏ đã cứu rỗi gia đình tôi trong những năm tháng kiệt cùng tuyệt vọng.
Chị bạn kể, nhà chị thường xuyên nấu một bó lá xông, chủ yếu là sả cây, kinh giới, mùi già. Cho thơm nhà. Cho ấm cúng. Nhất là những hôm mưa gió thấy người mệt mệt, lại càng cần một giải pháp mang tính “hương liệu”, vừa rẻ tiền mà lại rất “sang”. Bọn trẻ con nhà tôi thích uống thứ nước mát tên là “nước sâm”. Gọi vậy, nhưng nguyên liệu nấu món ấy chẳng hề có sâm, mà rất bình dân gần gũi: rễ tranh, mía lau, vòi voi, huyết dụ… và nhất là không thể thiếu lá dứa.
Tìm ở chợ nào cũng dễ dàng gặp chỗ bán bó “nước mát”, “nước sâm” ấy. Cái thứ lá màu xanh, cột lại bỏ lên xe hay cất giữ trong phòng ngủ, nhà vệ sinh sẽ tỏa ra hương thơm dễ chịu. Đặc biệt là khi lá dứa héo dần, khô đi, mới thực sự dậy mùi. Khi nấu lên, lá dứa khiến căn bếp tỏa hương ngan ngát. Của nước sâm, của xôi đậu, của chè chuối, của bất kỳ cái gì cũng được. Hương lá dứa gắn chặt với gian bếp quê, và theo chúng tôi về phố, xuất hiện trong bó lá màu xanh bình dị, quen thuộc.
Ngày xưa mẹ tôi hay nướng bồ kết để gội đầu. Mùi bồ kết thơm thơm khen khét ấy rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được, về tới ngõ là đã biết đang có nồi nước gội đầu âm ỉ trên bếp. Trái bồ kết tươi ở miền Nam khá hiếm gặp, nên mẹ tôi thường nhờ mua bồ kết khô, cất để dành xài dần.
Lâu lắm, tôi hầu như chưa từng gặp lại mùi hương tóc tự nhiên ấy ở đâu cả. Nhưng đôi lúc ngang qua một phụ nữ có hương dầu bồ kết, bỗng thấy rưng rưng nhớ mẹ. Nhớ cả mùi dầu dừa mẹ tự thắng lấy, trong veo ngòn ngọt như mứt. Mùi hũ cải chua vừa ngấu, nồng và thơm mẹ vẫn muối. Mùi của rổ rau càng cua mới hái bên hông nhà, dưới gốc cây đinh lăng, cây nguyệt quế trồng trong chậu sứ. Mùi chanh vắt vào tô nước luộc rau, mùi mắm nêm trộn lẫn mùi cay của ớt, tỏi bằm.
Hương bếp của những ngày bình yên, no ấm, sum vầy, đông đúc. Của khổ qua hầm, thịt kho ngày tết, của mâm bát lao xao ngày cúng giỗ, của hoa vạn thọ, cúc vàng thơm tho mẹ chưng trên bàn thờ ông Công ông Táo. Của ấu thơ bình yên chỉ đi ngang qua một lần trong đời người.
Theo phunuonline