Khi con tôi vào lớp Một, năm ấy chương trình cải cách nên học sách giáo khoa mới, trường phát phiếu mua sách tổng trị giá hơn 800 ngàn đồng. Tôi thấy số tiền hơi nhiều nên đã đăng lên một hội nhóm mạng xã hội để hỏi xem các trường khác thế nào. Chỉ vậy thôi, nhưng một số người đã lao vào chỉ trích tôi với ý: Nếu không đủ tiền mua sách giáo khoa thì đẻ con làm gì?
|
|
Con cái là món quà kỳ diệu và tôi dù nghèo tới mức nào đi nữa cũng hạnh diện nhận quà (ảnh minh họa) |
Tôi đã sốc mấy ngày vì tổn thương. Rõ ràng chuyện từ trên trời rớt xuống cũng khiến cho mình suy nghĩ vì người ta gán mác "nghèo còn bày đặt sinh con". Tôi sinh những 2 đứa, lại nuôi con một mình, làm sao tránh buồn tủi sau những bình luận như vậy.
“Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện”, câu phát biểu của anh MC gây ồn ào mấy hôm nay dường như khơi lại vết thương ngày trước. Tôi hỏi con, cậu bé nay đã học lớp 4 rằng: "Nếu con biết mẹ nghèo như vậy, thì con có muốn được sinh ra và làm con của mẹ không?".
Cậu bạn nhỏ trả lời liền: "Có chứ, nếu không mẹ sẽ buồn lắm vì giờ mẹ sẽ ngồi đây một mình". Câu trả lời của con trẻ nghe có vẻ ngây ngô nhưng có lẽ đã chữa lành mọi vết thương lòng trong tôi.
Tôi vẫn nghĩ, việc sinh con luôn có xác suất ngoài dự tính của con người. Ví dụ như bạn đã chuẩn bị hết mọi điều kiện về tài chính, vật chất, tinh thần.... nhưng con chưa đến với bạn; hoặc khi bạn chưa chuẩn bị gì, nhưng con lại bất ngờ đến. Vậy nên khi con đến, có thể hoàn cảnh của ta chưa thật hoàn hảo nhưng ta vẫn nên đón nhận con với tâm thế chào mừng, đấy là điều cha mẹ có thể làm.
Và nếu nói về việc nuôi con, một đứa trẻ ra đời đâu chỉ cần tiền, nhưng rất nhiều người chỉ đề cập chuyện giàu hay nghèo. Sinh con cần rất nhiều thứ, ví dụ như sức khoẻ; ví dụ như theo luật pháp là bạn phải là người thành niên, tức đủ 18 tuổi; bạn có chuẩn bị tinh thần, tâm lý để chào đón một đứa trẻ; bạn đủ trưởng thành về mặt cảm xúc để có thể dạy con; bạn có một công việc đủ để bạn có thể nuôi con... Cho nên, nếu chỉ đề cập giàu hay nghèo là hoàn toàn không đủ để nói đến nên hay không nên sinh con.
2 con tôi nay đã được 10 -11 tuổi, độ tuổi mà còn ăn chưa no lo chưa tới nhưng vì hoàn cảnh gia đình không khá giả, mà có thể nói là nghèo, thì các con đã biết phụ giúp mẹ. Mỗi khi tôi bận, cậu anh còn biết nấu cơm cho em, tìm quần áo cho em; hay cậu em đã biết giao hàng cho mẹ, tự dọn dẹp quần áo của mình. Tôi nghĩ đó là những "phần thưởng" mà chỉ sống trong nghèo khó người ta mới được rèn giũa, ấy là nghị lực và sự cảm thông với người khác.
|
|
Bữa tiệc sinh nhật giản dị vẫn khiến tôi hạnh phúc |
Sinh nhật tôi, 2 con mua một cái bánh kem nhỏ, 2 lon nước ngọt được siêu thị giảm giá để chúng tôi vui vẻ cùng nhau. Con tôi rất hãnh diện vì được tự trả tiền mua quà cho mẹ. Vào ngày sinh nhật ấy, tôi đã nghĩ không ai hạnh phúc hơn mình, vì trong nghèo khó, các con tôi dần dần cứng cáp, trưởng thành và không ngừng yêu thương mẹ.
Với tất cả nỗ lực, tôi vẫn mong con được đủ đầy, cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng tôi dần dần nhận ra, cây kem 5 ngàn đồng cũng khiến con tôi hạnh phúc như cây kem 50 ngàn. Vì hạnh phúc là như nhau, đã nuôi con thì giàu hay nghèo đều vất vả, đều lo lắng, đều phải cố gắng để nuôi dạy con nên người.
Riêng với tôi, con cái là món quà kỳ diệu, là bài học để mình cố gắng và học hỏi. Dù giàu thì có thể bớt vất vả kiếm tiền hơn, nhưng không vì nghèo mà tôi từ chối món quà đời mình.
Theo phụ nữ TPHCM