Chị Hạnh Dung kính mến,

Mẹ em và mẹ chị là chị em ruột, nên từ bé tụi em đã chơi rất thân với nhau, đi đâu cũng có nhau. Khi mẹ em hay mẹ chị bận, là tụi em được về ở chung với nhau vài ngày, có khi vài tháng. Nói thế để chị hiểu là tụi em gần như chị em ruột.

Chính vì thế mà em rất hiểu chị em. Tính tình chị em đỏng đảnh và rất được nuông chiều nên trở nên ích kỷ. Cả nhà luôn phải làm theo mọi ý muốn của chị, bất chấp lý lẽ. Vì nếu không, chị sẽ dỗi, không nói chuyện với cả nhà có khi cả tháng.

Mọi người chiều chị, vì chị xinh nhất nhà. Xinh từ bé, da trắng, tóc dày, đen, mắt to, lông mi cong. Lớn lên, chị lại có dáng đẹp, cao dong dỏng, vòng nào ra vòng đó, nên có khá nhiều đàn ông theo đuổi chị. Chị rất kiêu ngạo về điều đó.

Em thì ngược lại: xấu xí, lùn, đen, mãi không có người yêu, đến mức cả nhà hay đùa là có ai mà chị chê thì giới thiệu cho em. Nhiều lúc nghe mọi người đùa, em tủi thân lắm.

Thế mà cuối cùng người yêu của chị - một kỹ sư CNTT rất đẹp trai - tự dưng lại quay sang yêu em, sau vài lần tụi em gặp nhau trò chuyện những khi anh mệt mỏi về sự nóng nảy, khó chiều, đỏng đảnh… của chị.

Khi anh tỏ tình với em, em đã cương quyết từ chối, dù rất buồn, vì em và anh thật sự hợp nhau. Anh nói với em rằng anh sẽ chia tay với chị rồi mới bắt đầu quen em. Vì anh đã cố hết sức với chị, nhưng chị không thay đổi, coi thường đến mức chà đạp tình cảm của anh.

Trong khi đó, anh nhận thấy ở em một trái tim nhân hậu, dịu dàng và tinh tế. Anh nói anh không thể vì sợ điều tiếng, hay sự tức giận của chị mà để mất em được.

Bên cạnh việc lo sợ làm tổn thương chị, em còn phân vân một điều, rằng qua chị, anh cũng biết rằng nhà em khá giả, bản thân em đã có nhà riêng được cha mẹ cho, công việc của em cũng tốt, thu nhập lại cao. Liệu đó có phải là lý do để anh yêu em? Bởi nếu anh không nghĩ như thế, thì chị họ em cũng sẽ nghĩ như thế.

Em có nên đón nhận tình cảm của anh không ạ?

Thu Mai

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Em Thu Mai thân mến,

Có những việc trong cuộc sống này xét về lý thì không có gì là sai cả, nhưng ngẫm về tình thì lại thấy có gì đó lấn cấn, sai sai. Một người đàn ông đã yêu và cố gắng hết sức với một tình yêu, nhưng càng lúc càng mệt mỏi và tình cảm ngày càng cạn dần. Đúng lúc ấy, anh ta gặp một cô gái khác, đối lập hoàn toàn với người con gái đã làm cho anh ta mệt mỏi.

Tình yêu đâu có lỗi, người ta thường nói như vậy, nhất là nếu như chàng trai đó không dối gạt ai. Anh ta giải quyết một cách đàng hoàng, trung thực và thẳng thắn mối quan hệ mà anh ta thấy bế tắc, để đến với người khiến anh ta có cảm giác an lành, hạnh phúc.

Thế nhưng, xét về tình, thì ai cũng cảm thấy ở đây có gì đó không ổn. Bởi vì 2 cô gái đó là người thân của nhau. Và chắc chắn là chuyện anh ta bỏ một người để đến với người kia, sẽ gây tổn thương ghê gớm cho người bị bỏ.

Dù có thể, như anh ta nói, người đó không coi trọng anh ta và tình cảm của anh ta, nhưng việc anh ta sẽ trở thành họ hàng của mình, hạnh phúc với người mới - em họ mình, ngay trước mắt mình, và mình không thể cười nói tự nhiên với anh ta như những người họ hàng khác. Chuyện đó rất khó.

Anh ấy yêu em, hay em tiếp nhận tình cảm của anh ấy, thực ra là không sai, nhưng cũng không hẳn tốt đẹp hoàn toàn. Vậy thì em hãy thử đánh giá xem tình cảm đó có "nặng" đến mức để em có thể hy sinh tình thân của gia đình, làm tổn thương người nhà (có thể không chỉ là chị họ em, mà sẽ còn có những người khác trong gia đình hai bên).

Thực tình, để đánh giá sự "nặng - nhẹ" của tình cảm, Hạnh Dung còn căn cứ cả vào điều cuối cùng em viết trong thư. Hình như em chỉ đang bị hấp dẫn bởi những ưu điểm vượt trội của người đàn ông này, và tình cảm mà anh ta thể hiện với em. Còn trong em vẫn đang chứa chất nghi ngờ và bất an.

Nghi ngờ và bất an đó có thể đúng, cũng có thể sai, nhưng như vậy cũng có nghĩa là em còn cần rất nhiều thời gian và sự tinh tường để có thể trả lời câu hỏi mà mình đang vướng mắc.

Theo phụ nữ TPHCM