leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Buổi tối đầu tháng, tôi nhận được thông báo thanh toán tiền điện. Như thường lệ, tôi bấm ví điện tử, hoàn tất việc đóng tiền. Tiện tay, tôi dò được mã khách hàng của mẹ chồng ở quê nên thanh toán luôn, rồi chụp màn hình báo với mẹ. Làm xong, tôi vui vẻ đi ngủ tới tận sáng hôm sau. Tôi không ngờ việc này lại gây ra “cơn sóng” nho nhỏ trong gia đình.

Ngủ dậy, tôi thấy một tin nhắn rất dài của mẹ được gửi từ đêm. Mẹ bảo rất buồn vì tôi làm vậy. Bà trách tôi sao quá ư sòng phẳng, vì mấy tháng hè tôi gửi con về quê, rồi giờ trả tiền điện như thế, mẹ thấy không thoải mái.

Ôi trời, tôi đâu ngờ việc làm của mình lại khiến mẹ nặng lòng vậy. Chắc cả đêm bà trằn trọc khó ngủ vì mấy trăm ngàn đồng tiền điện của con dâu trả. Tôi phải giải thích ngay: Việc này con tính làm từ lâu rồi, nhưng chưa tìm được mã khách hàng. Con muốn đóng online để mẹ khỏi mất công lên điện lực đóng, lỡ quên họ lại cắt điện.

Mẹ nghe vậy vui vẻ trở lại và kể thêm rằng sáng sớm đã mang chuyện này nói lại với cha: “Cha nghe xong không rầy con, mà nói các con lo được cứ để con lo, để con mình được có hiếu với cha mẹ, tạo được phước lành cho con”.

Những lời này làm tôi rất cảm động. Một việc quá nhỏ, lẽ ra tôi nên làm từ lâu, chẳng có gì đáng kể, vậy mà được cha mẹ trân trọng và làm cho nó có nhiều ý nghĩa đến vậy. Cha tôi khi nào cũng cư xử nhẹ nhàng và có những tư tưởng, lời nói rất tiến bộ mà từ đó tôi cũng học hỏi được rất nhiều. Lần này là bài học về “cách nhận”.

Có lần chính tôi chứng kiến một người bạn khi nhận được tháng lương đầu tiên đã vui mừng mang về biếu mẹ 500.000 đồng. Tuy nhiên, bà kiên quyết từ chối, khiến đứa con bật khóc tức tưởi giữa nhà. Lần đó, tôi hiểu rằng, không biết cách nhận hoặc cách từ chối nhận thiếu tế nhị cũng có thể gây tổn thương người khác đến thế. Dù bà mẹ có giải thích rằng biết con mới đi làm còn khó khăn nên không muốn nhận tiền của con, nhưng giá mà bà khéo léo hơn thì việc con tặng mẹ một phần tháng lương đầu tiên đã trở thành một kỷ niệm đẹp đáng nhớ của cả 2 người.

Ngày xưa tôi đi học xa nhà. Mỗi lần về quê, trước khi tôi trở lại thành phố là cha mẹ tôi thức dậy từ 4 giờ sáng, nấu xôi nếp, làm thịt con gà, xúc cho bao gạo, rồi vườn nhà có rau củ gì đều hái cho hết vào bao tải cho con mang đi. Lỉnh kỉnh vác lên xe đò rồi khiêng được về nhà trọ cũng mệt phờ người, mấy chị cùng xóm trọ cứ nói sao phải vậy cho cực. Tôi chỉ cười, nói tại vì em thấy lúc chuẩn bị cho em những thứ đó, cha mẹ em vui lắm.

Sau này lớn lên, đi làm xa hơn, mỗi lần về, tôi vẫn ra vườn hái một ít rau, xúc dăm ba lon gạo cho vào ba lô mang đi, dù những thứ này ở thành phố không thiếu. Tôi thích làm vậy, vì mẹ tôi vui khi thấy con mình mang theo thứ gì đó của bà.

Sau này, tôi có đọc được một câu chuyện trên mạng, kể về người mẹ cứ lâu lâu lại sai con sang hàng xóm xin ít muối, ít mắm, xì dầu. Đứa con rất thắc mắc sao nhà mình khá giả hơn, mấy thứ đó cũng có mà mẹ cứ kêu con đi xin. Người mẹ mới giải thích là do những người xung quanh khó khăn, hay phải vay tiền hoặc xin của nhà mình những thứ giá trị hơn, nên mẹ làm vậy để họ thấy mình cũng cho đi, sẽ không ngại nếu lần sau lại cần mình giúp đỡ.

Cách làm của người mẹ đã gieo vào lòng đứa con về cái tâm chân thành, cư xử khéo léo khi cho và nhận. Dù sao, trên hết vẫn là sự chân thành.

Theo phụ nữ TPHCM