Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đặng Thùy Dương (32 tuổi) đã rất ấn tượng với đất nước Bhutan yên bình, được bao bọc bởi thiên nhiên kỳ vĩ, người dân theo đạo Phật và con người sống đơn giản, lương thiện. Năm 2019, cô đã đến "xứ sở rồng sấm" Bhutan du lịch 5 ngày 4 đêm, hoàn thành một mục tiêu trong danh sách "những điều phải làm trong đời".

Phải chọn tour khi du lịch Bhutan

Bhutan có những yêu cầu khắt khe đối với khách du lịch nước ngoài. Để xin visa, du khách phải đăng ký với các công ty được cấp phép bởi Chính phủ nước này. Thời gian và lịch trình tour cũng được sắp xếp trước. Chi phí tối thiểu để tham quan ở đây cho mỗi ngày là 200-250 USD/người, ngoài ra du khách cũng phải đi theo chuyến bay thuê bao, vì vậy tổng chi phí cho chuyến đi của Dương là gần 50 triệu đồng. Cô cho biết với mức phí gần bằng tour du lịch châu Âu, cô vẫn thấy chuyến đi rất xứng đáng, vì được thăm vùng đất mới lạ, lại không quá đại trà với khách du lịch.

                      Dương chụp ảnh cùng một người dân tại Bhutan.

Hạ cánh tại sân bay nguy hiểm nhất thế giới

Dương cho biết khi hạ cánh ở sân bay quốc tế Paro, cô cảm nhận được đường băng rất ngắn, khoảng cách giữa 2 bên vách núi và máy bay gần nhau hơn nhiều so với các chuyến bay từ trước đến nay. Khi hạ cánh an toàn cô mới được biết đây là sân bay quốc tế duy nhất ở Bhutan, một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới, chỉ 17 phi công được phép hạ cánh, theo thống kê mới nhất năm 2018.

Với Dương, sân bay dù không hiện đại nhưng được xây dựng và trang trí đẹp mắt, với hai bên sân bay là núi non trùng điệp. Khách du lịch tới đây không dồn dập nên sân bay rất đơn giản, không có cầu ống lồng hay xe đưa đón, khách trực tiếp đi bộ từ máy bay vào trong...

Những ngôi nhà không khóa cửa

Trong ấn tượng của Dương, thành phố của Bhutan không có nhiều nhà cao tầng, đặc biệt những ngôi nhà ở đây hầu hết là cửa gỗ, nên nếu muốn trộm cắp thì cũng không khó khăn. Dương được hướng dẫn viên giải thích rằng, câu chuyện người dân ở Bhutan không bao giờ khoá cửa ngụ ý rằng đây là đất nước yên bình, mọi người sống hoà thuận với nhau, không có tâm thế phòng bị, sợ hãi. Phật giáo Kim Cương Thừa là quốc giáo của Bhutan. Người dân tin vào luật nhân quả, họ cho rằng sống tốt đẹp bây giờ sẽ nhận được kết quả tốt đẹp trong kiếp sau.

Những bức tường có hình "của quý"

Trong hành trình, Dương được thăm Divine Madman’s Monastery-Chhimi Lhakhang, tu viện nổi tiếng linh thiêng, nơi các cặp vợ chồng hiếm muộn thường lui tới để xin được ban phước lành về đường con cái. Cô rất ngạc nhiên khi thấy quanh đây đâu đâu cũng có hình dương vật, từ vật trang trí trong tu viện, hình vẽ trên tường nhà dân hay đồ lưu niệm... Hình ảnh dương vật được họ trang trí với niềm tin xua đuổi tà ma và được ban phước về sinh sản.

Đằng sau biểu tượng là một câu chuyện dài về một cao tăng Phật giáo nhánh Kim cương thừa là Drukpa Kunley. "Người dân Bhutan tin vào tín ngưỡng của mình, nên tôi rất tôn trọng và không cảm thấy xấu hổ. Ngoài ra hình vẽ và cách mô tả có thể gọi là đặc sắc và đôi chút đáng yêu, nên tôi nghĩ tới sự tươi đẹp", Dương nói.

Đất nước không có đèn giao thông

Ở Bhutan, mật độ xe cộ không nhiều, dù vậy có nhiều ôtô tốt và đặc biệt không có đèn giao thông, người đi đường sẽ tuân theo sự điều phối của cảnh sát. Dù vậy trong suốt hành trình, Dương chưa khi nào gặp tắc đường và những tiếng còi xe tức tối.

Ngoài ra trước khi đến Bhutan, cô đã tưởng tượng nơi đây giống một vùng quê yên bình. Tuy nhiên ở đây có Internet, các cửa hàng điện thoại thông minh đầy rẫy trên phố. Người dân đều có TV dù là đời cổ.

Người dân mặc trang phục truyền thống

Người dân ở đây thường xuyên mặc trang phục truyền thống với nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau. Tên gọi của trang phục này là Kira, gồm mảnh vải hình chữ nhật được dệt thủ công, buộc thành chân váy, mặc cùng với áo Toego. Dương cũng may mắn có dịp được mặc trang phục truyền thống của Bhutan một ngày đi tham quan các tu viện và đền thờ. Trang phục truyền thống nhìn có vẻ "gò bó" nhưng khi mặc khá thoải mái. Trong tiết trời se lạnh, cô chọn một chiếc áo Toego chần bông giữ ấm tốt mà không cần thêm áo khoác.

Đất nước không sát sinh

Giết mổ động vật là điều cấm kị ở Bhutan. Ở đây du khách cũng được thấy rất nhiều chó, ở ngoài đường, trên núi... Chúng là chó hoang nhưng hiền lành, thường đợi người đi qua cho ăn, không gây phiền đến khách đi đường. Không sát sinh nhưng không có nghĩa họ ăn chay hoàn toàn, người Bhutan ăn thịt cá và hầu hết gia súc được giết mổ ở vùng biên giới với Ấn Độ hoặc nhập khẩu từ Ấn Độ.

Cuộc sống yên bình ở Bhutan

Người dân ở xứ sở Rồng sấm không phải khi nào cũng thường trực nụ cười trên môi nhưng những người Dương gặp đều rất thân thiện, nhẹ nhàng. Bhutan được bao bọc bởi hơn 70% diện tích là cây xanh nên không khí ở đây trong lành, không có xí nghiệp, nhà máy hay đô thị tấp nập ồn ào, có lẽ vì thế mà tâm trí được thư thả, bình an hơn.

                                                                       Những thầy tu hiền hậu ở Pháo đài Punakha dzong hay còn gọi là Cung điện hạnh phúc.

 

Dù vậy, cũng có đôi lần Dương thấy buồn vì không phải bất cứ ai ở Bhutan cũng đơn thuần giống như cô tưởng tượng. Ở đây cũng có những em bé đi bán những món đồ lưu niệm hay các điểm chơi đặt cược gần khách sạn. "Mình thấy chủ sòng tay cầm một cọc tiền, người già người trẻ và khách du lịch tụm lại đặt cược. Chẳng may họ thua cược, thì chắc hẳn không còn nở được nụ cười hạnh phúc được rồi", cô nói.

Hay lần khác khi đến tu viện Tiger Nest, Dương nhận thấy gương mặt thầy tu vắng đi nét thanh tịnh, vui vẻ vì bận rộn với những khách du lịch đến cúng dường. Những người bán đèn dầu cầu bình an không cười vì họ bận đốt nến, bận thu tiền, trả lại. Những vị khách ở đây chen nhau, ồn ào và họ mua hương hoa thì quan tâm là đã trả đủ tiền chưa, chứ không phải một nụ cười hạnh phúc, không phải một câu chúc bình an.

Theo vnexpress