Một ngôi nhà cổ do thạc sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Giang thiết kế và được xây dựng tại Củ Chi
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, Chàng Sơn thuộc huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ lâu đời. Về Chàng Sơn, khắp đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng nghe thấy tiếng lách cách đục đẽo, tiếng xẻ gỗ xè xè. Qua hàng loạt các xưởng mộc, chúng tôi như bị cuốn hút bởi sự mải mê của những người thợ tài hoa bên chiếc đục, chiếc bào đang say sưa chế tác.
Chúng tôi ghé xưởng gỗ của anh Nguyễn Giang, một trong những người tiên phong trong việc khôi phục và phát triển nghề làm nhà gỗ truyền thống của cha ông để lại ở xã Chàng Sơn. Là người gắn bó với công việc chạm khắc hoa văn nhà gỗ ngay từ những ngày còn nhỏ, cùng với sự đam mê về kiến trúc truyền thống nên anh Giang đã theo học ngành kiến trúc. Anh bắt đầu làm công trình nhà gỗ đầu tiên vào năm 2004. Sau hơn 10 năm, anh đã làm hơn 20 công trình nhà gỗ truyền thống Việt Nam ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
Để làm một công trình nhà gỗ truyền thống, người thợ Chàng Sơn phải tính toán, lên được kích thước của ngôi nhà. Nguyên liệu truyền thống trước đây thường làm bằng gỗ xoan, lim, táu… , sau này cũng do điều kiện thay đổi nên người thợ cũng điều chỉnh chuyển sang gỗ rừng trồng khác. Sau khi chọn nguyên liệu, người thợ sẽ gia công các cấu kiện thô ở xưởng và chạm khắc hoa văn trên các cấu kiện. Để thể hiện rõ yếu tố nhà gỗ truyền thống Việt Nam, người thợ Chàng Sơn thường đục chạm các hoa văn mang hình ảnh văn hóa Việt Nam như các trò chơi dân gian, trầu cau, cây Nêu, Thánh Gióng...
Các hoa văn, họa tiết được người thợ Chàng Sơn đục chạm bằng tay |
Trong kiến trúc nhà người thợ Chàng Sơn thường dựng dựa trên kết cấu kiến trúc điển hình nhà gỗ của người Việt. Nhà gỗ được xây thành 5 gian và chỉ có duy nhất một tầng. Mái nhà hình chóp, trải đều sang phía trước và sau hiên nhà. Kiến trúc khung gỗ cũng khá độc đáo, được dựng từ các vỉ kèo liên kết cùng nhau tạo ra một khối thống nhất có khuôn hình chữ nhật và bốn góc đều vuông.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng, người thợ Chàng Sơn điều chỉnh đôi chút về thiết kế. Ngoài không gian thờ cúng tổ tiên vẫn giữ được nét truyền thống, ngôi nhà còn được thiết kế hợp lý để người dùng còn cần có không gian nghỉ ngơi và sử dụng những phương tiện hiện đại đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt như điều hòa, ti vi, tủ lạnh…
Có thể nói, khi nhịp sống hiện đại đang thay đổi một cách nhanh chóng, đời sống của con người lại càng đề cao các giá trị tiện ích, nghề làm nhà gỗ Chàng Sơn đã góp phần đưa các giá trị văn hóa Việt truyền thống trở lại với đời sống hiện đại./.
Theo Quê hương