Trong nhiều gia đình, các ứng xử duy tình thái quá được cổ vũ, theo kiểu đứa con có điều kiện kinh tế tốt, khôn lanh thì buộc phải có trách nhiệm chia sẻ, nhường bớt tài sản cho đứa nghèo, lười lao động. Họ không hề suy ngẫm kỹ hàng loạt vấn đề khác như: nghèo nhưng anh có cố gắng chưa hay chỉ lo ăn chơi lêu lổng; anh cố gắng nhưng công việc lúc suôn sẻ thì giữ khư khư thành quả, lúc khó lại kêu gào anh em giúp, hay đứa giàu thì chắc gì giàu mãi, người thân vắt kiệt sức, lúc nó nghèo thì ai lo?
|
|
Không phải gia đình nào cũng suôn sẻ trong việc phân chia nhau chăm sóc cha mẹ (ảnh minh họa) |
Quan điểm trọng nam khinh nữ vẫn còn trong tư duy nhiều người, nên con trai thường được ưu tiên cho tài sản nhiều hơn con gái, với hy vọng nó chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, cúng giỗ, thờ tự. Điều này không hẳn đúng trong xã hội hiện đại bởi khái niệm làm dâu không còn như thời phong kiến. Một đứa con hiếu thảo hoặc bất hiếu không đơn thuần là tính cách của nó mà còn chịu sự tác động rất lớn của người phối ngẫu bên cạnh (dâu/rể), từ nền nếp gia đình khác. Muốn hòa hợp, ngoài việc cha mẹ ứng xử đúng mực, còn có yếu tố may mắn, phúc phần của mỗi gia đình.
Người già thường sống với kỷ niệm, tính cách có phần giống trẻ con, thích được vỗ về, ngọt ngào nên đa số họ đánh giá sự hiếu thảo của con cháu qua lời nói êm tai, ứng xử hình thức mà ít có cụ sắc sảo, thấu đáo trong xử sự, đặc biệt là công bằng trong phân chia tài sản cho con.
Pháp luật dân sự cũng ủng hộ quan điểm chia đều tài sản cho các con, kể cả con nuôi cũng được hưởng phần thừa kế ngang nhau khi cha mẹ chết không có di chúc (điều 651 Bộ luật Dân sự 2015) còn Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha mẹ “Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ” (khoản 4, điều 69).
Trên thực tế, tình thương cha mẹ với con cái thường không có giới hạn và ranh giới chuẩn, nên xử sự đúng chỉ xảy ra khi cha mẹ gương mẫu, có tư duy công bằng, trải nghiệm sống vừa đủ và khả năng quyết đoán vào những lúc quan trọng.
Loại trừ trường hợp con cái bất hiếu, không phải gia đình nào cũng có con đủ khả năng để chăm sóc cha mẹ. Nhiều trường hợp các con khó khăn, tha hương nên cha mẹ già phải tự lo.
Cuối cùng, tôi cho rằng: giáo dục con cái là quan trọng, nhưng việc “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” vẫn hay xảy ra. Tính cách con cái có thể thay đổi theo thời gian, môi trường sống, đặc biệt khi chúng trưởng thành, kết hôn. Mặt khác, mọi phương án đều có xác suất rủi ro nên người già có tài sản cần thận trọng, có nhiều phương án chăm lo bản thân xếp thứ tự ưu tiên như: nhờ con, thuê người chăm sóc, vào viện dưỡng lão hoặc tìm người thỏa thuận giám hộ…
Còn đối với phận làm con mà không tròn đạo hiếu thì sự trừng phạt của pháp luật nhiều khi không đáng sợ bằng sự trừng phạt của tòa án lương tâm.
Theo phụ nữ TPHCM