Zhang Shaoge muốn kết hôn. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm ý trung nhân thông qua bạn bè và đồng nghiệp bất thành, anh phó mặc chuyện hôn nhân của mình cho chính quyền, theo AFP.
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh và kết hôn giảm, đồng thời lực lượng lao động già đi gây trì trệ nền kinh tế, giới chức ở nhiều địa phương đảm nhận luôn vai trò kết duyên. Một số nơi đang tổ chức các sự kiện cho người độc thân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu.
“Đã đến lúc tôi phải hẹn hò và kết hôn ở tuổi này. Hiện xung quanh tôi không có đối tượng nào phù hợp nên tôi muốn mở rộng quan hệ xã hội của mình”, Zhang (30 tuổi) nói về quyết định tham gia một sự kiện hẹn hò chính thức của chính quyền.
|
Những người độc thân tham gia sự kiện mai mối do giới chức địa phương tổ chức ở Tế Nam hồi tháng 10/2021.
|
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm trên toàn quốc. Chỉ 8,14 triệu cặp đăng ký kết hôn vào năm 2020, giảm mạnh so với mức 13,47 triệu năm 2013, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất trên thế giới giảm xuống còn 7,52 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2021 - con số thấp nhất kể từ năm 1949.
Hiện số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới hàng chục triệu người, một phần do chính sách một con hà khắc chỉ mới chấm dứt vào năm 2015, cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến việc phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi. Sự mất cân bằng giới tính đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn.
Zhang, một cư dân thành thị, cho biết anh không quen nhiều phụ nữ do đặc thù công việc. Quyết định tham gia buổi mai mối tập thể của anh cũng xuất phát từ áp lực gia đình mong muốn anh sớm yên bề gia thất. Đáng nói, Zhang không phải trường hợp hiếm hoi.
Nỗ lực của giới chức
Hơn 100 người độc thân đã tham dự một sự kiện mai mối được giới chức ủng hộ ở Tế Nam (tỉnh Sơn Đông). Sự kiện được tổ chức tại một công viên thành phố.
Những tờ giấy ghi thông tin cá nhân chi tiết của người tham dự, bao gồm tuổi tác, lĩnh vực làm việc và thu nhập, được treo trên các cây xung quanh. Người dẫn chương trình tổ chức các trò chơi khởi động giúp phá băng.
“Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi tham dự các buổi hẹn hò giấu mặt chính thức. Hiện có nhiều trang web mai mối, nhưng khi điền thông tin của mình, bạn sẽ nhận được nhiều cuộc gọi quấy rối”, Li Chengle, một kỹ sư 26 tuổi, cho biết.
Xu Feng (40 tuổi), một trong số những người tham dự sự kiện, thừa nhận rằng anh đến đây chỉ vì gia đình thúc giục chuyện kết hôn. “Tôi càng lớn tuổi, áp lực càng lớn”, anh nói.
|
Thông tin cá nhân của người tham dự sự kiện mai mối được treo trên cây.
|
Tại tỉnh An Huy, giới chức địa phương đã tận dụng công nghệ để kết nối những người trẻ tuổi bằng cách khởi tạo một chương trình nhỏ trên WeChat. Các thành viên đã đăng ký có thể xem thông tin cá nhân của nhau, bao gồm chiều cao, cân nặng, nơi làm việc và thu nhập.
“Nếu thích ai đó, bạn có thể kết bạn với họ luôn”, Li Heng, đại diện cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh An Huy, giải thích.
Li cũng cho biết thêm rằng họ có “lợi thế về mặt tổ chức” bởi chương trình có thể đến được với những người độc thân trong các công ty và tập đoàn lớn.
Hậu quả của tình trạng "thừa nam"
Bắc Kinh đang cố gắng đảo ngược nhiều thập kỷ kế hoạch hóa gia đình hà khắc, đồng thời đưa ra chính sách “30 ngày hòa hoãn” để làm chậm quá trình ly hôn của các cặp.
Tuy nhiên, những ông mai, bà mối ở vùng nông thôn nói với AFP rằng sự mất cân bằng giới tính đồng nghĩa tình yêu và hôn nhân có thể nằm ngoài tầm với của một số người.
“Đôi khi, nó vượt quá tỷ lệ 10 chọi 1”, Quan Baoyong, người mai mối ở tỉnh Hà Nam, nói về tỷ lệ nam - nữ hiện nay.
Giới chức đang ưu tiên giải quyết vấn đề này, nhưng những chiến dịch của họ có thể phản tác dụng.
Năm 2021, đề xuất của một huyện kêu gọi phụ nữ trẻ tuổi ở lại quê, không đi làm ăn xa nhằm giúp đàn ông dễ kiếm bạn đời đã gây làn sóng chỉ trích trên mạng. Các nhà chức trách phải làm rõ rằng họ không cố gắng ép buộc nữ giới phải ở lại.
“Giả dụ lúc này, tôi mới ngoài 20, tôi sẽ không tìm kiếm một người vợ đâu”, Zhao Ling, một tài xế giao hàng, nói. Anh cũng cho biết việc cưới xin hiện “đặt nặng về vật chất” hơn so với thời anh kết hôn.
|
Các trò chơi phá băng tại sự kiện mai mối tập thể ở Tế Nam.
|
Chính quyền Trung Quốc đang nhắm đến phong tục kết hôn “không lành mạnh” bằng cách “hạn chế sự xa hoa”, bao gồm tiền sính lễ.
Tiền sính lễ tại một số làng ở tỉnh Hà Nam có thể lên đến 160.000 NDT (hơn 25.000 USD) bởi sự mất cân bằng giới tính khiến các gia đình tranh giành con dâu phù hợp, theo các nhà mai mối.
Một số quan chức bắt đầu giới hạn con số này ở mức 66.000 NDT để khiến hôn nhân hợp lý hơn ở các vùng nông thôn.
“Đối phương cũng muốn bạn phải có nhà và ôtô. Những khoản đó tốn ít nhất 500.000-600.000 NDT. Đối với một gia đình ở nông thôn, nó không hề đơn giản”, Zhao nói.
Theo Zing