leftcenterrightdel
Một người tiêu dùng chọn hỗn hợp nước xốt cà ri tại một siêu thị ở Seoul. Ảnh: Yonhap 

Đã hai tuần trôi qua, Kim Ji-yeon, giáo viên tiểu học 29 tuổi, không tiêu một đồng nào vào các ngày trong tuần. Cô đã bỏ ăn ngoài vào các ngày trong tuần và bắt đầu ăn trưa tại căng tin của trường. Thay vì đến quán cà phê sau bữa trưa, cô uống cà phê hòa tan có sẵn trong văn phòng.

"Tôi biết đến 'thử thách không tiêu tiền' thông qua Instagram và nghĩ rằng đó là một cách tốt để tiết kiệm tiền. Tôi đã tiết kiệm được khoảng 200.000 won (153 USD) trong hai tuần qua", cô nói.

Kim là một trong số nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ Millennials và gen Z (những người sinh từ những năm 1980 đến những năm 2010), đang cố gắng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Trên Instagram, hiện có 3.290 hashtag bắt đầu bằng những từ khóa như "không chi tiêu", "thách thức không tiêu tiền" và "ngày không chi tiêu". Đính kèm các bài đăng là sổ tay hoặc danh sách chi tiêu hàng ngày của các cá nhân hoặc hộ gia đình trẻ. Những youtuber cũng chia sẻ mẹo cắt giảm đáng kể chi phí sinh hoạt hàng ngày và các cách thay đổi thói quen tiêu xài.

Kim, y tá đồng thời là vlogger, gần đây đã đăng tải các video dạy nấu những bữa ăn đơn giản với chi phí thấp, chẳng hạn như cà ri. Kim đặt ra thử thách chỉ sống với 50.000 won/tuần (gần 900.000 đồng) và cho người xem thấy điều đó có thể thực hiện được như thế nào.

"Một ngày nọ, tôi kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình và thấy nó hoàn toàn trống rỗng. Tôi đã nghĩ nếu không bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ, chẳng mấy chốc mình sẽ trở thành người vô gia cư và không có tiền", Kim nói trong video Youtube của mình.

Còn He9rang, nhà tiếp thị khởi nghiệp ở độ tuổi 20, chỉ ra các cách để tiết kiệm 80% thu nhập và kiếm 100 triệu won (gần 1,8 tỷ đồng) trong vài năm. Cô cũng gợi ý cho người xem những cuốn sách dễ đọc về tiết kiệm tiền bạc.

Tuy nhiên, khi "thử thách không tiêu tiền" lan rộng, các chuyên gia cảnh báo tiết kiệm quá mức có thể gây hại. "Tiết kiệm không xấu. Nhưng cắt đứt mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp và cô lập bản thân không phải là cách tiết kiệm tiền bạc lành mạnh", Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha cho biết.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6% lên 108,22 tính đến tháng Sáu, mức cao nhất trong hơn 23 năm và 7 tháng qua. Chỉ số khốn khó đo lường mức độ khó khăn của nền kinh tế bằng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã tăng lên 10,6, mức cao nhất trong bảy năm trở lại đây.

Theo ngoisao