Ngoài công việc nghiên cứu ở đại học, Trang đang chuẩn bị ứng cử cho vị trí giáo sư dự khuyết tại một số trường. Bận rộn nhưng nữ thạc sĩ ngoài 30 tuổi vẫn hỗ trợ một số ứng viên tiềm năng tìm kiếm học bổng, viết luận xin hỗ trợ tài chính và giúp chuẩn bị hành trang sang Mỹ.
Trang cho biết khi đã có điểm GMAT và nhận được học bổng, các bạn đừng vội ăn mừng mà hãy chuẩn bị vốn sống và kỹ năng để sớm thích nghi với cuộc sống du học.
Du học sinh nên tìm hiểu về bóng rổ và bóng bầu dục trước khi sang Mỹ. "Bạn muốn thực sự hòa nhập với văn hóa Mỹ thì các cuộc nói chuyện thể thao bao giờ cũng đứng đầu 'chuỗi thức ăn'. Hãy xem cho thích thì thôi", cô chia sẻ.
Trang rất mê bóng rổ và bóng bầu dục, nhờ đó thấy dễ dàng hơn khi trò chuyện với những người bạn Mỹ.
Ngoài thể thao, Trang gợi ý học nhiều về văn hóa Việt Nam để giới thiệu với những người bạn mới. Muốn kéo dài cuộc trò chuyện và gây được ấn tượng, bạn cần có vốn hiểu biết và kiến thức. Các bạn Mỹ rất "tò mò" muốn biết văn hóa ở vùng đất mới.
Trang ví dụ, tục cải táng ở Việt Nam là một trong những phong tục "không chỉ cần biết, nên biết mà phải biết" để còn có chuyện để nói. Học và biết những truyền thống văn hóa Việt sẽ tạo cho bạn bản sắc riêng, nhất là trên đất khách. "Kiến thức giúp bạn theo kịp chương trình học, còn kỹ năng làm bạn tự tin hơn khi sống một mình".
Khi biết nấu ăn, du học sinh có thể thỉnh thoảng mời bạn bè đến nhà, ăn uống giao lưu. Từ những cuộc tiếp xúc ấy, bạn gây dựng được các mối quan hệ. Nấu ăn ngon cũng giúp Trang bớt cảm giác nhớ nhà, thấy cuộc sống đàng hoàng hơn và tự tin đến lớp.
Không chỉ nấu ăn, Trang cũng khuyên du học sinh học cách cầm búa đóng đinh, cầm tuốc nơ vít để chủ động sắp xếp cuộc sống. Nếu biết tự sửa đồ, bạn có thể tạo ra không gian sống với chi phí hợp lý. Khi có căn phòng tử tế, tinh thần học của bạn sẽ lên cao.
"Đệm mua hết 120 USD, chăn ga gối đệm đồ mềm 50 USD, bàn ghế, giường tủ có thể đi xin dần hoặc đi nhặt rồi đóng lại. Muốn có không gian sống đầy đủ trong vòng hai tuần đầu, bạn có thể mất khoảng 350 USD", Trang cho hay.
Tư vấn cho các bạn sắp sang Mỹ học, Trang cũng hướng dẫn họ cách quản lý chi tiêu và thời gian. Thời còn học thạc sĩ, Trang tự nấu ăn, tiêu 20-30 USD một tuần, tiền điện thoại 44 USD (cả thuế), thêm 150 USD tiền networking (kết nối) cuối tuần đi ăn hàng, uống bia cùng bạn bè. Với Trang, khoản networking khá quan trọng và nên đầu tư để có mối quan hệ, thuận lợi cho xin việc sau này.
Trang cho rằng không nên chỉ tập trung vào mỗi việc học mà bỏ qua các hoạt động khác như đi thể dục, nấu nướng, dọn dẹp, giao lưu hay xin thực tập. Thay vì giành khoảng 20 giờ học mỗi ngày, Trang chỉ bỏ ra 12 giờ nhưng kết quả vẫn đạt 3.7-3.8 GPA.
"Quan trọng của việc học là cùng một thời gian nhưng bạn làm được nhiều việc chứ không phải dồn 100% thời gian vào một thứ để thứ đó cực tốt, những thứ khác thì không ổn", Trang nói.
Du học sinh cũng cần học cách nhìn xa hơn, đừng quẩn quanh với suy nghĩ học để được điểm số cao. Các bạn hãy đặt mục tiêu thực tế như học để sau này làm ở tập đoàn lớn, thăng tiến tới vị trí CEO, lương vài trăm triệu một tháng. Khi nhìn xa như vậy, bạn sẽ thấy học không hẳn đã quá quan trọng. Điểm bạn có thể không quá cao nhưng bạn xây dựng được mối quan hệ rộng lớn, khi cần có người giúp, muốn là có người sẵn sàng đứng ra giới thiệu.
Trang gợi ý những món đồ du học sinh nên mang theo sang Mỹ, gồm:
Đồ bếp: 5 cái bát (3 bát, 2 đĩa sâu lòng), 3 cái đĩa để chén, một con dao làm bếp cỡ lớn, một bộ đũa (5 đôi), một muôi, một thìa, một cái thớt, chảo và một chiếc nồi. Nếu thiếu, bạn có thể mua thêm.
Phòng ngủ: Chỉ nên chuẩn bị mắc áo, không cần mang bàn là, cầu là nhỏ, chăn ga gối đệm vì mua bên này rẻ. Bạn cần liên hệ với người hỗ trợ của trường trước khi sang để được giúp đỡ.
Phòng tắm: Mang bàn chải, kem đánh răng, còn lại mua mới và nhớ sắm thùng rác và túi rác.
Đồ ăn: Có thể mang ruốc, đồ khô hoặc mỳ, miến.
Đồ mặc: Đừng mang quá nhiều, vì bên này đồ đẹp và rẻ nhưng ít nhất phải có hai bộ vests để còn mặc nhân các dịp quan trọng. Bạn nhớ mang nhiều tất và đồ trong.
Theo vnexpress