Má hí hoáy gói từng cái kẹo, miếng bánh và mớ quần áo không dùng đến nhưng còn tốt, chưa hết hạn sử dụng, xếp ngay ngắn vào mấy thùng các-tông. Hỏi gửi cho ai, má cười “nhóm từ thiện!”. 

Hồi trước, má hay cố giữ lại những gì con cháu mua hay cho tặng. Có năm, tết đến mấy anh em hì hục phụ má sắp xếp, lau dọn ngăn nắp rồi cho vào kho cất hết nửa ngày mới xong. Má bảo của người ta cho, phải quý lắm người ta mới trao tay. Nếu không phù hợp, không dùng thì phải biết nâng niu, trân trọng. Và cách trân trọng như ý má thuở trước là đem cất nó vào rương, chưng trên tủ hoặc cất kỹ ở đâu đó góc này góc nọ trong phòng. Ăn thì ít, xài không nhiều nên hầu như năm nào má cũng có một vài thứ không dùng đến còn mới toanh.

leftcenterrightdel
Cuối năm, những món đồ đã cũ hoặc ít khi dùng đến thường được các gia đình cho vào thùng các tông để mang đi cất (ảnh minh họa) 

Đôi lần bị con cháu càm ràm việc "cái gì cũng giữ, cũng cất", má đâm lúng túng. Má cũng biết, có những thứ để không sẽ phí, hư hao theo thời gian, nhưng gom mang ra chợ bán như vài người khác xử lý với của cho hoặc quà tặng, má không làm được. Má bảo, làm như vậy lỡ người cho hay tặng mình nhìn thấy, họ sẽ bị tổn thương.

Một lần má được con trai lớn khuyến khích và đăng ký suất cho đi chuyến thăm tặng quà từ thiện đồng bào vùng sâu vùng xa. Má đi về bảo dân mình còn nhiều người nghèo khó quá. Có nơi, con nít không có cái ăn cái mặc, tặng cho mấy cái kẹo hay chiếc áo ấm mà tụi nhỏ vui rần trời.

Rồi má kể về những phận đời tần tảo mưu sinh khốn khó, mãi không thoát nổi cái nghèo. Có người nhận thùng mì, túi gạo mà gật đầu cảm ơn rối rít. Có người nhìn thấy chiếc áo hoa má mặc mà cứ nắm tà áo mà vân vê. Có những thứ mình quá dư thừa mà đâu đó trên dải đất hình chữ S này người ta còn thiếu thốn. Má bảo, có nhiều thứ mình không sử dụng, không xài hết mà mang bỏ xó, gom cất là hơi hoang phí.

Sau đận đó, má hay gom đồ cho các tổ chức từ thiện hoặc tận tay mang đến cho những người nghèo gặp khó khăn hơn. Rồi không biết bằng cách nào mà má huy động được cả mấy dì xóm trên, mấy cô xóm dưới, mọi người cùng hưởng ứng, chung tay.

Mấy hôm nay, bà Năm ở xóm trên gom mấy cái áo của thằng con chê dài chê rộng, cô Tư ở xóm dưới gom mấy áo khoác, áo thun có cổ bảo má cho gói cùng để mang tặng cho vùng sâu vùng xa. Không khí làng xóm mấy ngày cuối năm dọn nhà không chỉ rộn ràng mà còn ấm áp bởi yêu thương và sự sẻ chia.

leftcenterrightdel
 Những món đồ đã cũ hoặc ít sử dụng, bạn có thể được hô biến chúng thành những món quà ý nghĩa dành tặng cho những người khó khăn nếu được chăm chút (ảnh minh họa)

Má bảo san sẻ yêu thương là một khái niệm vô cùng đơn giản và rất dễ thực thi. Bởi chỉ cần khi chúng ta nhìn thấy một ai đó khổ mà trong khả năng mình có thể giúp đỡ thì một nắm xôi hay ký gạo, một manh áo hay con cá trao đúng lúc cũng vô cùng quý giá.

Rồi má kể, hôm trước thằng Tám mồ côi ở xóm trên ngã bệnh nằm một chỗ nhưng không có tiền và không ai đi mua thuốc. Con Sáu Sự xóm mình hay tin, thấy thằng nhỏ đáng thương quá liền đi mua. Không biết duyên phước kiểu gì mà sau khi thằng Tám qua cơn, khỏi bệnh, vài tháng sau 2 đứa chuyển sang thương yêu nhau. Hàng xóm thấy cảnh, ông Bảy chà cho cái chài, tay lưới, bà Năm cho quả bầu trái bí, nghe đâu ra tết này tụi nó chuẩn bị đón thêm thằng cu Tí.

Nhìn những món quà gói trọn yêu thương và sự sẻ chia của má, tôi bỗng thấy xuân đang dần lan tỏa đâu đây...

Theo phụ nữ TPHCM