Lúa gặt lên người làm thuê phải đập, giũ, rê cho ra "thành phẩm" lúa hột sạch sẽ mới được trả công. Lúa hột được chủ ruộng chia đều 8 phần (gọi là "khúm 8"), người gặt thuê lấy 1 phần, coi như công gặt. Gặt giỏi, đống lúa gốc càng to thì số lúa 1/8 kia càng nhiều.

Cách trả công này thực chất rất tiến bộ, kích thích người làm thuê hăng hái lao động, già trẻ lớn bé ai cũng có cơ hội gặt thuê; miễn còn đủ khả năng làm hết các khâu để biến lúa cây thành lúa hột; cơ hội tốt cho lũ nhỏ tháo vát, muốn lao động kiếm tiền nhưng chưa đủ tuổi. 1 đứa không làm nổi nên tôi, chị Tư với con Út bàn nhau hợp sức lập "tổ gặt thuê".

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

 

Chị Tư lớn, thạo cầm liềm, lãnh việc gặt lúa; con Út lo lội ruộng rinh lúa bó; tôi trai tráng, khỏe nhất nên "ôm" việc gánh lúa về nhà. Đập, giũ, rê cho ra lúa hột sẽ xúm làm chung. Phần lúa công gặt đem bán lấy tiền chia 3.

Tính toán ngon ăn vậy; ai dè tới lúc đi hỏi mấy thím, mấy cô chủ ruộng xin được gặt thuê, ai nhìn 3 đứa nhỏ xong cũng… bật cười: “Tụi bây mà gặt hái cái gì! Thôi, về lo đuổi gà cho mẹ đi con, chờ lớn thêm đã”.

Hỏi tới người thứ ba cũng đáp từ chờ lớn thêm, nghe phát bực. Con Út xụ mặt chực khóc. Tôi nản, cũng tính buông xuôi. Chỉ chị Tư còn hăng, cố vớt vát: “Chờ đã, sao mình không hỏi… mẹ? Ruộng nhà mình mẹ cũng thuê gặt mà”.

Tưởng hỏi cầu may cho vui, ai dè mẹ đồng ý thật. Mẹ bảo: “Muốn gặt thuê thì gặt. Cũng đã tới lúc các con cần biết làm ra hột lúa vất vả ra sao”. Nghe mẹ "duyệt", 3 chị em nhảy cẫng hò reo; chẳng thèm lưu tâm tới cái đoạn "làm được hột lúa vất vả ra sao" của mẹ.

Tới bữa gặt, 3 đứa khệ nệ liềm hái gióng gánh hùng dũng theo chân người lớn ra ruộng. Chị Tư gặt thạo, vinh dự được đứng dàn hàng ngang cùng "đội gặt" của mấy cô, mấy thím. Thạo là so với chúng tôi, chứ sức gặt của chị hãy còn lâu mới theo kịp mấy cô thợ gặt.

Mẹ biết vậy nên chia lối gặt của chị hẹp hơn; thỉnh thoảng còn cầm liềm quơ cắt phụ. Con Út lẽo đẽo theo sau, hăng hái chuyển nhanh lúa bó lên bờ kịp cho tôi chất vô gióng gánh. Ruộng lấp xấp nước; nó trượt chân ngã oạch mấy lần vẫn lập tức bươn dậy chuyển lúa tiếp, mình mẩy lấm lem đất bùn.

Tôi gánh hết gánh này tới gánh kia lúp xúp chạy về nhà. Lệch xệch chạy hăng tới gánh thứ năm, tôi đã thở bằng… tai, mắt đổ đom đóm.

Đã lỡ "nói cứng" với mẹ, giờ bỏ cuộc thì kém quá. Nghỉ đỡ mệt xong, tôi mím môi mím lợi đứng dậy đi gánh tiếp. Ra tới ruộng, nhìn quanh quất: sao không thấy đụn lúa bó lúc nãy vẫn còn đầy ụ? Con Út tha bó lúa cuối lên bờ, thấy bộ dạng ngẩn ngơ của tôi, cười ngoác: “Ba sợ anh mệt nên gánh giùm cho 1 gánh”. Tôi nghe, nhẹ hết cả người.

Hì hụi đập, giũ, rê thêm nửa ngày, đống lúa bó con con của 3 chị em cũng chịu biến sang lúa hột. Chân tay mòn da, rướm máu do chưa quen đạp, giũ. Kệ, mệt có mệt, nhưng vui.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

 

Tuần tự mỗi đống, như thường lệ, được "khúm 8". Tới đống lúa của chúng tôi, mấy người lớn không ai hẹn ai tự nhiên cùng bụm miệng cười.

Ngơ ngác một hồi xong tôi chợt hiểu. Đống lúa bé xíu xiu, không bằng 1 góc khi đem so cùng những "núi" lúa của các cô, các chú. Chừng ấy lúa đem chia 8 phần ra chắc mỗi phần chỉ còn độ… vài tô lúa hột. Con Út chực khóc. Mẹ lật đật nín cười, ôm lấy nàng, dỗ: “Út nín, ngoan, rồi mẹ tính”.

Cách "tính" của mẹ là đống lúa thay vì khúm 8, mẹ đem khúm 6. Còn nữa, trong số 6 phần, mẹ cố tình chia một phần to ụ hơn 5 phần còn lại. Đương nhiên nàng Út "xí" ngay phần ấy, cười toe.

Phần lúa công gặt thuê ấy bán đi, đường nào chúng tôi cũng được ít tiền rủng rỉnh. Mà nữa, ruộng nhà còn chưa gặt hết; mai mốt lại tiếp tục xin mẹ gặt thuê. 

Theo phụ nữ TPHCM