Lần thứ n, mẹ con chị không vui khi bàn về đám cưới. Con trai mong cha mình tham dự như một người thân - từ lúc gặp mặt nhà gái cho đến lên sân khấu uống rượu mừng. Chị ghét chồng cũ nên không đồng ý, chỉ cho phép con gửi thiệp và anh sẽ đến như khách mời. Với chị, đám cưới này một mình chị lo liệu, chị có quyền quyết định. 

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock 


Năm đó, giữa bao người theo đuổi, chị bị tình yêu che mắt nên đã chọn người có vẻ thật lòng với mình nhất. Cha mẹ không đồng ý thì chị tự quyết định, dọn ra sống riêng cùng chồng cũ. Chị bỏ dở chương trình đại học, đi làm kiếm tiền, không cần gia đình chu cấp. Anh cũng chỉ học xong lớp Mười hai, đang làm công nhân cho một xí nghiệp nhỏ.

Thời gian đầu, quả thật họ rất hạnh phúc, nhưng tình yêu nồng nhiệt đã nhanh chóng bị cuộc sống khắc nghiệt bào mòn. Anh có vợ con rồi vẫn ham chơi biếng làm, công việc hơi cực nhọc là nản xin nghỉ. Mỗi lần nghỉ là thong dong ở nhà, mặc chị xoay xở với hàng trăm thứ cần chi tiêu, vay mượn khắp nơi để sống. Vì con, chị cố chịu đựng nhưng sau đó đành buông tay. Ôm đứa trẻ 2 tuổi, chị về với vòng tay bao dung của gia đình, con nhờ mẹ chăm, chị thi lại đại học, trầy trật 4 năm cũng lấy được tấm bằng. 

Vì muốn con có đủ tình thương cha mẹ, chị không ngăn cản anh lui tới với con, nhưng bao nhiêu năm tính vô tâm vẫn không đổi, miệng nói yêu con mà phí nuôi dưỡng thì không phụ đồng nào, lý do là không tiền. Vậy mà thằng nhỏ lại thương cha nó. Nhà chị vẫn thường nói anh “số hưởng”, cây không chăm mà vẫn hái quả ngọt. Con đi làm, đồng lương đầu tiên cũng muốn chia sẻ với cha. Mỗi lần anh bệnh nằm viện là tối nào cũng vào thay ca cho dì - vợ sau của anh. Chị biết trong lòng con mẹ luôn là nhất, mọi chuyện đều ưu tiên mẹ trước, nhưng vẫn thấy… tức.

Cũng do người đàn ông này mà chuyện hôn lễ trở thành vấn đề gây tranh cãi. Ngày tốt đã xem rồi mà mẹ con chị vẫn chưa thống nhất việc đi qua nhà gái. Con nói nếu mẹ không đồng ý cha đi cùng thì… tất cả cùng ở nhà. Con có đủ cha mẹ, chuyện trọng đại nhất đời sao lại phải bỏ bớt 1 người.

Chị giận đến mất bình tĩnh, ban đầu thì kêu con nhờ cha đứng ra tổ chức đám cưới, khỏi mời mẹ, sau đó lại nói con tự đãi tiệc ra mắt bạn bè không cần người lớn có mặt. Con bị bắt buộc lựa chọn nên cũng tranh luận, cho rằng mẹ chưa bao giờ hiểu mình, chỉ thích áp đặt suy nghĩ lên người khác. Bao năm qua con đã sống theo ý mẹ, giờ hãy để con được quyết định. Chị nghe không thấy thông cảm mà chỉ càng thêm giận, cả đời hy sinh vì con, con ăn học thành tài rồi lại nói muốn được là chính mình, như thể tình thương của mẹ là gánh nặng khiến con mệt mỏi.

2 mẹ con căng như dây đàn, sau cùng phải nhờ người thân hòa giải chị mới chịu lùi bước. Gia đình khuyên chị nên đặt mình vào vị trí của con. Chồng cũ tuy vô tâm nhưng luôn yêu thương con trai, giờ con kết hôn muốn cha chung vui cũng là điều bình thường. Con cái không có lỗi trong chuyện hôn nhân của cha mẹ nên đừng bắt con phải chọn lựa.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa 


Chị đã biết chồng cũ không có trách nhiệm thì không nên trông chờ vào việc anh sẽ phụ chi phí đám cưới, hãy xem cha của con mình là khách. Đến ngày thì mời “khách” cùng qua nhà gái, cùng đi rước dâu, đón tiếp 2 họ. Vì con, hãy bỏ qua những oán hận xưa cũ, để hôn lễ là ngày vui trọn vẹn.

Nhờ cậu và dì khuyên giải, con cũng biết nghĩ cho mẹ, không cố chấp như trước. Để cha có mặt với tư cách người thân đã là sự nhân nhượng hết mức của mẹ, họ hàng bên nội sẽ không tham dự. Việc sắp xếp cho hôn lễ, cha có thể góp ý và mẹ sẽ tham khảo, nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là mẹ. Khi lên sân khấu, cha mẹ cũng đi riêng, không cùng tiến lên và đứng cạnh nhau. Tất cả khách mời đều biết con từ nhỏ đã sống với mẹ, không cần thiết “làm màu”. 

Nhường nhau một chút, mẹ con vui vẻ trở lại, bắt đầu tất bật lo đám cưới. Đã giải tỏa được vướng mắc trong lòng, chị thấy mọi việc thật nhẹ nhàng. Người dù cũ vẫn luôn là cha của con mình, thôi thì cứ xem người là khách, tương kính như tân khi cùng gặp mặt trong những dịp chung. Tôn trọng nhau để con cái không phải khó xử, đó cũng là điều mà cha mẹ nên làm, dù đã đường ai nấy đi. 

Theo phụ nữ TPHCM