Tôi quen chồng được ít tháng thì vác một cái bụng lùm xùm về xin cưới. Cách đây 12 năm, ở một vùng quê miền Trung, chuyện có bầu trước khi cưới thực sự rất khó được chấp nhận.

Nghĩ lại, tôi thấy tôi, mới 22 tuổi đầu phải ngồi co ro trước cha mẹ chồng, run lẩy bẩy khi nghe cha chồng phân tích: “Các con vội vàng quá, cha sợ các con chưa hiểu nhau. Cha mẹ yêu nhau suốt mấy năm trời, tìm hiểu kỹ càng mới đi đến quyết định cưới xin. Thế con về làm vợ thì đã biết chồng con thích ăn món gì chưa, đã học được kỹ năng gì?...”

Nhà chồng có điều kiện hơn nhà tôi, cha mẹ chồng cũng là một phạm vi gì đó rất xa cách, tôi luôn thấy sợ và không có chút tự tin nào vào bản thân khi ở trong nhà chồng. Chắc có lẽ là vì có bầu trước, vợ chồng tôi mới được chấp nhận và đến được với nhau. 

Vợ chồng tôi cưới nhau xong thì ra thành phố tiếp tục sống và làm việc. Năm đầu tiên về ăn tết ở nhà nội, tôi đối diện với rất nhiều nỗi cô đơn, hoang mang. Cha mẹ chồng tôi đi bán hàng bận rộn quanh năm, chỉ nghỉ đúng 3 ngày tết. Chồng tôi luôn muốn về quê sớm và trở lại thành phố thật muộn để tranh thủ ra ki-ốt phụ cha mẹ. Cả kỳ nghỉ tết, hầu như tôi chỉ loay hoay ở nhà một mình. 

Tôi nhớ nhà ngoại da diết, nhưng em bé trong bụng lúc ấy đã 8 tháng, tôi cũng không dám tự ý về nhà ngoại. Chiều chiều cứ đứng nhìn về phía nhà mẹ ruột, nhìn khói nhà ai bay lên, tôi lại nhòe mắt…

Nhà chồng có một người giúp việc theo giờ, cô ấy tới nấu ăn, dọn dẹp thì về, có khi chưa làm hết việc. Tôi cũng không thể ngồi không, lại muốn chứng minh mình giỏi nấu ăn, gia chánh nên cùng nấu nướng và quét dọn với cô ấy.

Tết năm đầu tiên tôi làm dâu ấy, nhà chồng có một thùng rác lớn đặt góc sân. Rác đầy, phải dọn cho sạch hết, những tôi chẳng biết chỗ đổ ở đâu nên quyết định dùng bật lửa và đốt. Lửa bén, rác và giấy cháy xong thì cháy luôn cái thùng nhựa. Tôi hốt hoảng đổ nước vào dập, nhưng đã cháy 1/3 cái thùng rác bằng nhựa rồi, may mắn chưa lan thành đám cháy lớn.

Ngày tết, nhìn cái thùng rác bị cháy và sợ bị cha mẹ chồng “đánh giá” việc gây tai nạn, tôi đã ngồi khóc và gọi chồng về gấp, báo với anh về "sự cố". Chồng tôi nói “không sao đâu” nhưng tôi vẫn sợ tạo ấn tượng xấu trong mắt cha mẹ chồng.

Sau đó, chồng tôi mang về một thùng rác mới. Anh bảo: “Anh kể cho mẹ rồi. Mẹ chỉ hỏi em có bị làm sao không và đưa cho anh thùng rác này về để thay. Không sao đâu em!”.

Càng lúc tôi càng vững dạ khi ăn tết nhà chồng (ảnh minh họa)
Càng lúc tôi càng "vững dạ" khi ăn tết nhà chồng (ảnh minh họa)

 

Hơn 10 cái tết trôi qua ở nhà chồng, những đứa con lần lượt ra đời. Tôi vẫn đùa rằng “cuộc đời mình chỉ có ăn rồi đẻ và đón tết”. Nhà chồng chưa bao giờ ý kiến hay chê trách con dâu nửa lời. Dù cho tôi nấu ăn thường xuyên bị cháy nồi, làm mọi việc rất cẩu thả... cha mẹ chồng luôn bao dung mọi lỗi lầm.

Cha mẹ chồng cũng chăm sóc gia đình nhỏ của tôi từng chút một. Cứ vài tuần hoặc một tháng, mẹ lại chọn mua những gì ngon nhất, từ thịt bò, hải sản, rau củ… ở quê để gửi xe đò vào thành phố cho chúng tôi. Mỗi khi có chuyện, chỉ cần mình mở lời ra tâm sự với cha chồng thì tôi luôn nhận được câu trả lời hoặc lời khuyên thỏa đáng. 

Mười mấy năm làm dâu, tôi đi từ sợ cha mẹ chồng chuyển sang cảm giác biết ơn. Nhiều lần vợ chồng mâu thuẫn, tôi muốn "ly hôn quách cho xong", nhưng cha mẹ chồng quá tốt là lý do khiến tôi ở lại. 

Tôi đã không còn sợ cảnh tết về nhà chồng, đã không còn những nỗi cô đơn và hoang mang. Ngày tết, tôi muốn ở nhà nội làm hết vai trò, trách nhiệm của một người con, lo chuyện cúng kiếng, nấu các món ngon cho gia đình. 

Cách sống của cha mẹ chồng khiến tôi nhận ra, có những chuyện chỉ là do bản thân suy diễn và sợ hãi. Nếu đối xử với nhau bằng sự chân thành và bao dung, chắc chắn ta sẽ nhận được tình yêu thương. Cảm ơn một nơi chốn ấm áp để tôi được trở về.

Theo phụ nữ TPHCM