Người ta hay nói: “Người cha chính là người thầy đầu tiên của đứa trẻ". Đúng vậy, ba chính là “người thầy” yêu quý nhất của đời tôi. Những đứa trẻ khác gọi bằng bố, bằng cha nhưng từ khi biết nói cho đến giờ, tôi vẫn gọi một tiếng ba mộc mạc.

Ba năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Ba tôi không phải là giáo viên, cũng không phải là bác sĩ mà đơn giản là một người đàn ông gắn bó với nghề thợ hồ đã hơn 20 năm.

Chính con người của ba và cái nghề thợ hồ đó đã dạy tôi biết bao bài học có ý nghĩa. Hàng ngày, ba phải đi làm từ sáng cho đến xế chiều, có khi ba không về ăn cơm trưa vì đường xa. Công việc thợ hồ đối với ba thời gian trước thì bình thường, có đôi lúc gặp khó khăn nhưng gần 4 năm trở lại đây, khả năng lao động của ba không còn được tốt nữa vì sau đợt tai nạn nghề nghiệp, ba mắc chứng bệnh gai cột sống, thường xuyên đau lưng.

Sau đợt đó, trong mỗi bữa cơm ba hay nói: “Giờ đi làm thấy độ cao không dám lên, sợ ngã một lần nữa”.

anhdaidien-1673118246-8131-1673119937

Ảnh minh họa.

Những lúc như vậy tôi thật không biết làm thế nào, không lẽ khuyên ba nghỉ làm tìm một công việc khác, tôi chỉ biết ngồi im đó mà nghe ba nói và nuốt từng hạt cơm. Miệng thì ba nói như vậy nhưng có những hôm tôi đi học ngang qua chỗ làm thì thấy ba đang đứng trên mái nhà gần hai, ba tầng thật cao. Trời nắng nóng 37 độ, đi ngoài đường đã thấy nóng bức, còn ba tôi mặc kệ gian khổ vẫn miệt mài với công việc để nuôi gia đình, lo cho chị em tôi ăn học.

Nắng quá, ba tôi đội một cái mũ đâu thể mát hơn, thêm cái nón cũng không giảm bớt độ nắng nên có những lúc ba phải lấy bao xi măng rửa sơ qua rồi trùm lên làm cái vành mũ cho nắng đỡ táp vào mặt. Hay những ngày mưa gió ba vẫn đi làm đều đặn. Không làm được ngoài trời thì cũng làm trong nhà, nào là đắp chỉ, tô tường, lát gạch nền nhà. Có những khi mệt, ba muốn hút một điếu thuốc để ngồi nghỉ ngơi nhưng khi móc lấy gói thuốc trong túi ra thì nó đã ướt nhẹp vì mưa gió, vì mồ hôi. Mưa gió lạnh lẽo người ta chỉ muốn nằm trong phòng đắp chăn, còn ba tôi dù mưa hay nắng ba vẫn lặn lội đi làm ngày này qua ngày khác với chiếc xe cúp.

Thợ hồ - một cái nghề có thể đơn giản với người khác nhưng với ba tôi đó là cái nghề có thể giết chết sức khỏe của ba từ từ.

Vì sao tôi nói vậy?

Bởi ba tôi bị dị ứng với xi măng. Đôi tay của ba từ chỗ khuỷu tay trở xuống bàn tay, mười ngón tay không có lành lặn như bao người đàn ông khác mà đã bị lở loét hết, có những lúc ba bóc gói thuốc mà cũng khó khăn. Tuy nhiên với tôi, đây là đôi bàn tay tôi trân trọng nhất, đôi tay vàng trong ánh mắt của đứa con gái này.

Bươn chải với nắng mưa, mái tóc ba đã dần bạc đi, đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, khó khăn không làm mất đi tính cách bên trong của ba tội, ba luôn là một người đầy nghị lực, giàu đức hy sinh và hết lòng yêu thương gia đình. Gia đình tôi không giàu có cao sang, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền ba mẹ kiếm được hàng ngày. Dù có lúc bệnh tật, ốm đau nhưng ba chưa bao giờ đầu hàng với số mệnh, ba vẫn kiên trì với công việc này.

Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ làm nên một cái nhà đơn giản lắm, nhưng càng lớn tôi mới biết suy nghĩ đó của tôi là sai. Năm tôi mười bốn tuổi, nhà tôi xây nhà mới, ba là người thiết kế hết mọi thứ và năm đó tôi được chứng kiến tận mắt ba đã làm thế nào để có được một ngôi nhà hoàn chỉnh. Ngôi nhà là bao mồ hôi của ba tôi đổ xuống, là những đêm mẹ và tôi rọi đèn cho ba kẻ từng đường chỉ cửa một cách tỉ mỉ, lát từng miếng gạch men cho nhanh chóng hoàn thành ngôi nhà. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng kiếm được đồng tiền đâu phải dễ dàng gì, cuộc sống này không một ai cho không mình bất cứ điều gì cả, mình có lao động thì mới có tiền để lo cho cuộc sống.

Ba tôi hiền và rất ít nói nhưng một khi ba nói thì câu nào cũng thấm sâu vào lòng. Lúc còn nhỏ xíu mỗi khi trời lạnh tôi thường hay phá ba, hễ thấy ba đi làm về tắm rửa mặc áo vào xong là tôi chui thọt vào áo ba ngồi rồi ló cái đầu lên trên chỗ cổ áo của ba.

Tôi thích được sờ lỗ tai ba, thích được ba chở đi, ngồi phía sau ôm lưng ba. Giờ lớn rồi tôi không làm những điều đó nữa mà thay vào đó là những lần hai ba con ngồi tâm sự với nhau. Lần nào ba cũng nói: “Con cứ ráng học cho giỏi, nhà mình không giàu có nhưng ba mày sẽ lo cho mày ăn học tới nơi, tới chốn".

Câu nói của ba tôi gần như thuộc lòng, đó như là một động lực giúp tôi cố gắng học tập. Từ nhỏ cho đến bây giờ ba chưa từng chỉ tôi học bài nhưng ba luôn coi trọng việc học của tôi. Ba luôn động viên tôi ráng học để sau này không khổ như ba mẹ.

Nhiều lúc ngồi với ba, tôi nói: “Sao ba không nghỉ làm hồ đi, ở nhà đúc lò làm bánh tráng với mẹ, rồi chăn con bò trông con heo cho khỏe".

Ba cười rồi nói: "Ba mày làm đến khi nào nuôi mày ăn học xong bốn năm đại học ra trường rồi mới nghỉ làm hồ".

Ba hay nói đùa rằng: “Lo mà học đến ra trường đi làm rồi trả nợ cho tui”, nhưng đến khi tôi đi làm và gửi tháng lương của mình về thì ba bảo để đó mà dùng. Ba hay mẹ mình đôi khi là vậy, không nỡ lấy tiền của con cái, ngược lại luôn cho chúng ta tất cả mà họ có.

Ba như ngọn lửa sưởi ấm và bảo vệ cho gia đình tôi. Ba không đơn thuần chỉ là người ba mà còn là người thầy dạy tôi nhiều điều hay. Công ơn của một người ba tôi còn chưa trả hết thì ơn nghĩa của một “người thầy" đến bao giờ tôi mới trả được!

Tôi cảm ơn ba và thương ba nhiều lắm! Tôi biết dù có cảm ơn ngàn lần đi chăng nữa thì vẫn không trả hết công lao của ba - người thầy đặc biệt của riêng tôi. Cái bài học lớn nhất khi tôi được làm con gái của ba đó là: “Trong bản thân mình cần phải có tính kiên trì và chịu đựng để vượt qua mọi thứ trong cuộc sống. Bởi cuộc sống này đâu phẳng lặng như chúng ta nghĩ nên dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải tự tin vượt qua”.

Theo giadinhonline.vn