Nếu hỏi: “Có bao giờ bạn nhìn thẳng vào mắt mẹ, quan sát những thay đổi trên gương mặt mẹ, hay đơn giản nhất nhìn mẹ phía sau?”, nhiều người sẽ thật lòng chia sẻ rằng, đã lâu rồi họ không nhìn kỹ mẹ như vậy.
Có thể đổ lỗi cho cuộc sống quay cuồng cơm áo hay bởi chính con người đã quá chủ quan với người thân yêu của mình do tâm lý, đã là sở hữu thì không gì phải vội (yêu thương)? Bây giờ, sự hiện diện của chiếc điện thoại thông minh vô tình tạo thêm khoảng cách ngay cả với người thân.
Chủ nhật, vợ chồng con cái đi ăn sáng, uống cà phê. Ngồi cùng bàn nhưng mỗi người một thế giới riêng vui cùng với chiếc điện thoại của mình. Đa phần ai cũng có tài khoản Facebook, Zalo, Instagram... và có mối quan hệ bạn bè, giao lưu riêng. Không chat thì bình luận, đơn giản nhất có người tạo Facebook chỉ để “núp lùm” đọc tin tức mà bạn bè dẫn link.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Mà những tin tức ấy nào có phải quan trọng gì. Một câu trạng thái hết sức vớ vẩn, cũng kéo số người vào like hoặc bình luận rôm rả. Cũng lắm chuyện khôi hài xảy ra, tỷ như bà mẹ sẵn sàng la mắng, thúc ép con cái chụp hình cho đẹp để đưa lên Facebook, bất chấp con có thích hay không, đằng sau những tấm ảnh đẹp đẽ trưng lên ấy, mấy ai biết có cả sự giận hờn, oán trách của con cái với mẹ.
Một bà mẹ kể chuyện, nào giờ bà vẫn chủ quan rằng con cái khỏe, học hành tốt, gia đình hạnh phúc. Con cái đi học xa, bà mua một ngôi nhà cho hai chị em ở chung, mối liên hệ mẹ con luôn được kết nối từ điện thoại hay tin nhắn chat mỗi ngày và bà mẹ an tâm lắm.
Một ngày vào thăm con trai học năm thứ hai đại học bà hoảng hồn khi thấy con sút cân một cách kỳ lạ. Thật ra, dịp tết con về nhà, bà đã phát hiện ra cậu con trai có hiện tượng gầy sụt đi phải đến chục ký. Khi ấy bà chủ quan cho rằng cậu đang thời gian niềng răng ảnh hưởng đến ăn uống, bà chỉ nhắc con cố gắng giữ gìn sức khỏe, đau răng không ăn được thì cố uống sữa…
Lúc này bà mẹ mới chú ý kỹ con trai và bà phát hiện cậu bị run tay, kèm theo hiện tượng bướu cổ. Hỏi thêm, bà mẹ tá hỏa khi cậu con bảo là chứng run tay xuất hiện trước tết nhưng cậu không báo cho mẹ.
Bà mẹ càng ân hận hơn tại sao thời gian nghỉ tết đến 15 ngày mà bà không phát hiện điều gì khác lạ nơi con. Một lý do là, thời gian nghỉ dài vậy mà cả nhà cùng ngồi ăn cơm với nhau rất ít. Thường, nếu cha đi vắng mỗi người làm một tô ngồi trước máy vi tính hay ti vi.
Bà mẹ ân hận rằng, nếu khi ấy cùng ngồi ăn cơm với nhau, nói chuyện nhiều hơn thì bà đã phát hiện ra bệnh của con rồi! Thêm nữa, hai chị em tuy sống cùng nhà nhưng chị đi làm từ sáng đến tối mịt, về mệt nhoài, không còn hơi sức đâu để quan tâm em ăn gì…
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Tuy muộn nhưng còn hơn không, bà đến ở cùng hai con, tập trung vào việc chữa bệnh cho cậu sinh viên. Đầu tiên là phải tổ chức lại nếp sống bắt đầu từ gian bếp. Mọi người cùng nhau ngồi vào bàn ăn và dứt điểm “nói không” với vi tính, điện thoại.
Trong bữa ăn bà mẹ cố gợi chuyện để các con trao đổi. Cuộc chiến đấu còn dài nhưng bà hy vọng khi bứt ra khỏi công nghệ số ít ra vào giờ cơm cũng mang đến một phần nhỏ hiệu quả.
Tự kiểm, bà mẹ thấy rằng chính bà cũng bị chứng nghiện Facebook cộng thêm sự nuông chiều con cái lâu nay. Và điều đầu tiên, bản thân bà phải chấm dứt để làm gương cho con.
“Đừng để quá muộn” là câu nói của người xưa xem ra không thừa khi mà giờ đây, lào xào trên mạng ảo đông đúc, tưởng là vui nhưng hóa ra, đời thực con người rất cô đơn.
Theo phụ nữ TPHCM