Có mẹ, có cha là nhu cầu tự nhiên của con người - Thục Minh
Những đứa trẻ "ngoài giá thú"
Khi tôi mang thai và đi khám ở Singapore, bác sĩ nói với tôi rằng ở đây không cho phép các cơ sở y tế thực hiện việc thụ tinh nhân tạo cho những phụ nữ độc thân muốn có một đứa con của riêng mình. Chỉ những cặp vợ chồng hợp pháp bị hiếm muộn mới được hỗ trợ y khoa tại đảo quốc sư tử để có con bằng phương pháp nhân tạo (tạm gọi chung là thủ thuật IVF – In Vitro Fertilisation). Chính phủ Singapore lý giải đơn giản là một đứa bé cần có sự chăm sóc, giáo dưỡng của cả mẹ và cha, như cách mà tạo hóa đã định hình loài người vậy.
Một mình nuôi con không tránh khỏi những lúc thấy trống vắng, chênh vênh
Tôi trải qua thời khắc lâm bồn một cách nhẹ nhàng, không cần đến thuốc giảm đau, là nhờ có anh bên cạnh, nắm tay động viên và chỉ tôi cách phối hợp nhịp thở để đi qua từng cơn đau |
Quy định này đã dẫn đến thực tế là một số phụ nữ Singapore lẫn phụ nữ nước ngoài sống tại nước này chọn cách đi sang các nơi khác như Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông hay Úc thực hiện IVF rồi quay về. Luật pháp Singapore dĩ nhiên không làm gì được họ. Nhưng những phụ nữ là công dân nước này thì bị “trừng phạt” khi đứa bé ra đời. Con họ, dù mang quốc tịch Singapore ngay khi lọt lòng nhưng do thiếu một người cha hợp pháp, không được hưởng một số ưu đãi của nhà nước, chẳng hạn khoản tiền thưởng 8.000 SGD (gần 140 triệu đồng) gọi là Baby Bonus Cash Gift cho mỗi công dân Singapore mới chào đời. Quy định này áp dụng với cả những đứa trẻ được thụ thai một cách tự nhiên nhưng cha không nhận và trẻ có đủ cha mẹ nhưng họ không kết hôn chính thức.
Singapore là quốc gia có tỉ lệ sinh con của phụ nữ rất thấp và tỉ lệ đó càng ngày càng giảm. Theo Tổng cục Thống kê Singapore, năm 1988 tỉ lệ này là 1,96 con/phụ nữ; năm 2000: 1,60; năm 2012: 1,29. Từ 2012 đến nay, con số đó tiếp tục giảm, chỉ còn 1,14 năm 2018. Trong khi theo tính toán, để đảm bảo quốc gia có đủ nguồn lao động trẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phát triển một cách hài hòa, tỉ lệ sinh con của mỗi phụ nữ nước này phải đạt 2,1.
Ba dìu dắt con từng ngày
Suốt hơn 3 thập kỷ qua, chính phủ Singapore không ngừng kêu gọi và đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ kết hôn và tạo ra những công dân mới, kiến thiết những chương trình hỗ trợ người đi làm có điều kiện chăm sóc con thuận lợi hơn...
Tuy nhiên, quy định “phân biệt đối xử” với những đứa trẻ “ngoài giá thú” chỉ được cải thiện một chút. Trong khi việc cấm IVF đối với phụ nữ độc thân và các cặp đôi phi truyền thống vẫn y nguyên. Đã có nhiều chỉ trích rằng điều này khiến tình trạng thiếu hụt dân số trẻ ở Singapore càng nghiêm trọng hơn.
Ba khích lệ con đi tới và vươn lên
“Con có cha như nhà có nóc”
Thoạt nghe về những quy định có phần khắc nghiệt đối với những phụ nữ vì lý do nào đó mà phải chọn cách tự tạo ra đứa con cho chính mình, tôi hơi bất bình. Trên thực tế tôi thấy, những phụ nữ chọn cách này thường là những người giỏi giang, mạnh mẽ, vững vàng về tài chính và độc lập trong cuộc sống. Tôi từng tin rằng họ, cùng với cha mẹ, anh chị em và họ hàng, dư sức chăm sóc đứa trẻ và bảo đảm cho nó một cuộc sống đủ đầy từ vật chất đến tình thương, trong sự thiếu vắng người bố.
Tôi cũng được đánh giá là người mạnh mẽ và độc lập. Tôi cũng từng tin rằng mình hoàn toàn có thể có con và nuôi con một mình. Nhưng từ khi con tôi ra đời, suy nghĩ của tôi thay đổi hẳn. Ngay trên bàn sinh, tôi đã cảm thấy, nếu không có người đàn ông của mình bên cạnh, việc sinh và nuôi con một mình sẽ là một sự tủi cực, một gánh nặng khủng khiếp. Tôi trải qua thời khắc lâm bồn một cách nhẹ nhàng, không cần đến thuốc giảm đau, là nhờ có anh bên cạnh, nắm tay động viên và chỉ tôi cách phối hợp nhịp thở để đi qua từng cơn đau. Hình ảnh anh cầm kéo cắt dây rốn cho con cứ mãi cho tôi cảm giác được đồng hành và chia sẻ.
Ba khơi gợi thú vui khám phá thiên nhiên và sáng tạo
Với con, tôi tin câu nói của ông bà mình: “Con có cha như nhà có nóc”. Mỗi khi con khó ở, tôi thấy yên tâm khi có ba nó ở bên cạnh hơn là khi người nhà tôi thay vào vị trí đó. Trong quá trình nuôi dạy con hơn 4 năm qua, tôi nhận ra tôi và ông xã có nhiều quan điểm và cách thức rất khác nhau, mà chúng tôi phải cãi nhau thường xuyên để đi đến phương án tốt nhất. Tôi thấy cách chơi với con của anh khác hẳn cách của tôi - người mẹ. Con bé quấn quít tôi suốt ngày, nhưng thích chơi cùng ba hơn, bất cứ khi nào có thể. Có nhiều buổi tối sau bữa ăn, nó thì thầm với tôi: “Mẹ có thể rửa chén để ba chơi với con được không?”
Tôi đảm trách hầu hết việc ăn ngủ, tắm rửa và vệ sinh cho con. Anh thì tập trung nhiều hơn vào khía cạnh an toàn cá nhân và phát triển trí tuệ, thẩm mỹ của con bé. Trong rất nhiều trường hợp, anh thực sự kiên nhẫn và có lý hơn tôi. Con bé thường nhìn tôi trìu mến, hôn hít và nói: “Con yêu thương mẹ” với thái độ biết ơn. Nó ít làm như vậy với ba, nhưng có phần “nể” ba hơn.
Con bé rất thích được cõng trên vai. Tôi chỉ có thể cõng nó được vài phút, nhưng ba nó thì có thể làm việc đó đến hàng giờ. Mỗi khi ra ngoài, đặc biệt là lúc xem các chương trình nghệ thuật đường phố, mà được ngồi trên vai ba, nó sung sướng và tự hào vì thấy mình cao hơn những người khác. Ngồi trên vai ba đi qua những tán cây, nó với tay và có thể sờ được cành lá, nên rất thích thú. “Ở trên đó, con có thấy không khí trong lành hơn? Có thấy con nhìn được xa hơn không?”, tôi hỏi. Nó không trả lời mà chỉ hỉnh mặt lên, hãnh diện…
Trên đôi vai ba, bầu trời gần con hơn
Những trải nghiệm như vậy khiến tôi quay sang ủng hộ chủ trương của Singapore: Không khuyến khích sự ra đời của những đứa trẻ thiếu cha!
Chủ trương đó nghe có vẻ bảo thủ, nhưng không phải là ngoại lệ chỉ có ở đất nước giàu có, hiện đại, nhưng có phần bảo thủ, thực dụng và ít tự do như Singapore. Luật năm 1983 của Nhật Bản cũng chỉ cho phép hỗ trợ IVF đối với những cặp đôi dị tính có kết hôn hợp pháp.
Tại châu Âu, Bioethics (luật đạo đức sinh học) năm 1994 của Pháp cũng “cấm cửa” người đồng tính và phụ nữ độc thân đối với thủ thuật IVF, tương tự ở một số bang nước Đức. Ở Áo và Na Uy, các cặp đồng tính nữ có thể được chấp nhận, nhưng phụ nữ độc thân thì không. Ở Thụy Sĩ nơi tôi đang sống, IVF chỉ dành cho những cặp đôi dị tính hợp pháp bị hiếm muộn và chứng minh được rằng họ đã dùng nhiều phương pháp trị liệu mà không có hiệu quả trong khi IVF có thể giải quyết được vấn đề của họ.
Gần đây, với những biến chuyển trong hình thái gia đình và quan hệ giới tính, một số quốc gia kể trên đã có động thái cởi mở hơn trước nguyện vọng được hỗ trợ để có con của một số trường hợp đặc biệt. Nhật Bản năm 2014 đã cho phép những cặp đôi dị tính không kết hôn được làm IVF. Hạ viện Pháp hồi cuối tháng 9.2019 đã thông qua dự luật của chính quyền Emmanuel Macron - “mở cửa” IVF cho mọi đối tượng - với số phiếu 55 - 17. Dự luật này được xem là nỗ lực “canh tân xã hội” lớn nhất của Tổng thống Macron kể từ khi nắm quyền năm 2017, và là bước kế tục đạo luật cho phép hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính năm 2013 của người tiền nhiệm François Hollande.
Chưa biết Thượng viện Pháp sẽ thông qua hay không, nhưng dự luật của ông Macron đã vấp phải sự phản đối khốc liệt của cánh bảo thủ, các tổ chức tôn giáo và cả một số người trong chính nội các của ông.
Báo Financial Times (Anh) trích lời nghị sĩ Valérie Boyer của đảng Cộng hòa Pháp: “Một xã hội tước đoạt người cha khỏi những đứa trẻ sẽ tạo ra bất bình đẳng, trong đó quyền lợi của trẻ không được xem xét đến”.
Báo này cũng dẫn một báo cáo của Viện hàn lâm Y khoa quốc gia Pháp nói rằng: “Việc cố tình tạo ra một đứa trẻ không cha gây nên một sự gãy vỡ lớn về mặt nhân chủng học mà không phải không kèm theo nguy cơ đối với sự phát triển tâm lý và trưởng thành của trẻ”.
Trong công chúng, theo một khảo sát của Viện nghiên cứu công luận Pháp (IFOP), đối với điều khoản mở cửa IFV cho phụ nữ độc thân, có 68% người ủng hộ với phân tầng tuổi tác rất thú vị: 80% người ở độ tuổi 18-24 đồng tình, nhưng chỉ 50% người trên 65 tuổi nhất trí.
“Con có cha như nhà có nóc” có lẽ không phải là quan niệm chỉ có ở phương Đông.
Cuộc sống của những đứa trẻ thiếu cha
Từ khi có con, tôi cũng trở nên quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của những đứa trẻ khác, đặc biệt là những đứa trẻ thiếu cha. Chúng là con của bạn tôi, hoặc con của những người bạn của bạn tôi, ở Việt Nam có, ở Singapore có.
Những đứa bé ấy thiếu tình thương và sự chăm sóc dạy dỗ của cha ngay từ khi chào đời đã đành. Nhưng trong phần lớn trường hợp, sự chăm sóc của mẹ cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Đơn giản là vì những phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ ấy sau thời gian nghỉ sinh con lại tiếp tục lao vào con đường sự nghiệp, để khẳng định mình, để bảo đảm nguồn tài chính lâu dài, bởi họ là người “kiếm cơm” chính của gia đình. Kết cục là đứa bé hầu như chỉ được ông bà ngoại hay người giúp việc chăm sóc.
Tôi biết một đứa bé như vậy ở Singapore đã có những biểu hiện tâm lý không bình thường, ưa vung tay đánh những người xung quanh, đến mức mỗi lần đưa con ra đường, mẹ nó phải cột một sợi dây vào tay dẫn đi để tránh con chạy lạc hay thượng cẳng tay hạ cẳng chân với người ngoài. Thằng bé được sinh ra không phải bằng IVF, nhưng cha nó đã quất ngựa truy phong khi mẹ nó mang thai. Nó sống trong gia đình ngoại đông đúc, nhưng thú vui mỗi ngày chủ yếu là xem ti vi.
Một bé khác, cũng ở Singapore, hai tuổi rưỡi vẫn không ăn được cháo vì lợn cợn. Nguồn dinh dưỡng duy nhất nó nhận hàng ngày là sữa (ban đầu là sữa mẹ vắt ra đông lạnh, sau là sữa bột) do người giúp việc đút vào miệng bằng muỗng. Không chỉ không biết ăn, đứa bé còn có dấu hiệu béo phì từ rất sớm.
Ở Việt Nam tôi cũng biết một cháu bé đến 3 tuổi mà chỉ bập bẹ được vài tiếng khởi nguyên, bởi cuộc sống của nó thiếu thốn sự giao tiếp. Hằng ngày, mẹ đi làm, bé ở nhà với bà ngoại và chơi iPad ròng rã. Đêm mẹ về thì bé đã ngủ lăn quay.
Thuở chưa có con, tôi có biết một chị học cao, tài giỏi ở Việt Nam. Chị từng có chồng nhưng rồi không thuận phải chia tay. Sau vài năm đơn chiếc, chị quyết định tự có con. Ngày chị thông báo việc thụ tinh nhân tạo thành công và thai nhi phát triển tốt, bạn bè ai cũng mừng cho chị. Tuy nhiên, sau vài năm tôi hỏi lại, một người bạn thân thiết của chị nói rằng chị rất uể oải và không tha thiết gì. Mỗi tối đi làm về, nhìn thấy con nhưng chị không đủ hào hứng để ôm ấp, yêu thương và chơi cùng nó nữa.
Chọn lối đi khác?
Bên cạnh những thiếu hụt về tình cảm, có nhiều nghiên cứu nói rằng những đứa trẻ ra đời nhờ IVF - cách mà nhiều phụ nữ độc lập ngày nay ưa chọn để có con - còn đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi không muốn vẽ ra một bức tranh đầy màu xám trước mắt những phụ nữ vì lý do này hay lý do khác muốn chọn cách có con và nuôi con một mình.
Tôi tôn trọng nguyện vọng được trải nghiệm thai nghén, sinh con và nuôi nấng giọt máu của chính mình ở mỗi người phụ nữ. Nhưng từ chính những trải nghiệm của mình, tôi không ủng hộ việc chủ động tạo ra những đứa trẻ từ lúc tượng hình đã bị mồ côi cha.
Chính phủ Singapore không muốn những đứa trẻ ra đời ngoài khuôn khổ gia đình truyền thống. Nhưng họ ủng hộ tuyệt đối những người góa vợ, góa chồng, người li hôn và người độc thân từ 25 tuổi trở lên muốn xin con nuôi. Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận con nuôi và được mang quốc tịch của cha/mẹ nuôi, đứa bé lập tức được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của nhà nước hệt như những đứa trẻ Singapore có cha mẹ kết hôn hợp pháp.
Tôi cho rằng chủ trương của Singapore không chỉ có lý mà còn có tính nhân văn. Ở một số quốc gia láng giềng đông dân và ít thịnh thượng bằng Singapore, có rất nhiều trẻ ra đời nhưng vì nhiều lý do phải vào trại mồ côi, mái ấm tình thương... Mỗi đứa trẻ sớm mang “kiếp mồ côi” bất đắc dĩ đó nếu được người có khả năng kinh tế, có tấm lòng nhận nuôi và yêu thương như con thì chẳng phải thế giới bớt đi được một nỗi bất hạnh?
Không một đứa trẻ nào đáng được sinh ra để khi lớn lên phải ngậm ngùi vì câu hát “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Theo thanhnien