Ngày trước, người ta gọi bếp và nhà vệ sinh là công trình phụ. Nhà trên có khi trang hoàng, bày biện lộng lẫy, nhưng công trình phụ lại sơ sài đến mức không vệ sinh. Có nhà, muốn ra bếp phải qua một khoảng sân rộng rất bất tiện, nhất là khi trời mưa. Kiểu nhà này không chỉ ở thôn quê mà thành phố cũng có, dạng nhà biệt thự hẳn hoi.

Bây giờ, ở nhiều căn hộ chung cư đời mới, cái bếp nhảy vọt từ sau ra trước, chễm chệ trước gian tiếp khách để nói lên rằng, con người đặt việc hưởng thụ lên hàng đầu, không chỉ nhu cầu được ăn ngon mà còn hàm ý gia đình quây quần, tụ họp quanh bàn ăn, chuyện trò.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Chỉ nói chuyện căn hộ chung cư thôi. Buổi sáng, bà chủ nhà nhẹ nhàng mở cửa phòng ngủ bước ra. Việc đầu tiên là cắm bình nước sôi, sau đó vệ sinh cá nhân. Xong, bà bắt đầu bữa ăn sáng cho gia đình với những món đơn giản như mì gói thịt bò, bánh canh thịt (bột bánh canh mua sẵn, thịt cũng chế biến sẵn, chỉ bỏ vào nấu), đơn giản nhất là bánh mì ốp la, bơ, pate…

Bánh mì mua ở siêu thị - giòn, mới, thơm về cho vào tủ lạnh, khi ăn thì bỏ vào nồi chiên không dầu, nhanh và tiện. Bà chủ pha 2 ly cà phê sữa cho người lớn; trẻ con thì tùy, có thể là sữa tươi hay sữa nóng. Có trẻ thích ăn sáng với yến mạch trộn yaourt lại càng dễ, không phải chế biến cầu kỳ.

Mọi thứ đâu ra đó hay còn đang ngổn ngang thì “cha con họ” lục tục dậy. Mẹ bày biện các thứ lên bàn ăn ngay bếp, rất tiện. Cả nhà ngồi vào bàn. Có thể có lời thúc giục con cái ăn nhanh kẻo muộn giờ học. Bữa ăn sáng chấm dứt, tiễn “cha con họ” ra khỏi nhà, mẹ trở vào dọn dẹp nhanh còn kịp giờ đi làm. Lúc này mới thấy cái bất tiện của gian bếp “mặt tiền”. Bà chủ có vội cũng phải dọn dẹp sạch sẽ trước khi ra khỏi nhà kẻo có khách đến bất ngờ hay bất chợt ba mẹ đến thăm - họ phải đi qua cái bếp mới đến bộ salon.

Bếp núc sạch sẽ đâu ra đó, bà chủ bắt đầu trang điểm, chọn trang phục ra khỏi nhà. Để mọi thứ nhanh chóng vào sáng mai thì tối hôm trước, bà chủ phải chuẩn bị thức ăn, đến giờ chỉ cần bật bếp. Chưa tính việc dọn dẹp, lau nhà, hút bụi, lau bàn ghế… Nhà càng đẹp càng phải chỉn chu, ngăn nắp. Cái quan niệm ở “dưới bếp” không ai thấy xưa rồi nên không thể bầy hầy được.

Ai cũng biết dọn dẹp bếp là cả vấn đề. Tuy bây giờ bếp tiện lắm, toàn bộ ốp kính màu rất dễ lau chùi, nhưng vì là nơi sử dụng hằng ngày, nhiều thao tác, nhiều nguyên liệu để chế biến nên rất mau dơ, vậy nên dùng xong phải dọn sạch ngay. Nếu ngày xưa dưới bếp chẳng khách nào ngó xuống, ăn xong để một đống chén, làm biếng một chút rồi dọn sau cũng không sao thì bây giờ sẽ rất chướng mắt nếu không dọn dẹp ngay.

Tuy nhiên, cái được ở đây là tập cho mỗi người trong gia đình ý thức việc dọn dẹp nơi chế biến thức ăn. Nơi đó, cái thùng rác cũng phải đẹp, sạch. Từng ngóc ngách phải được lau chùi tinh tươm, chén đĩa, nồi, chảo… thứ tự lớp lang, khoa học.

Biết là không dễ nếu không có thói quen, nên cha mẹ phải dạy cho con từ bé đã biết đẹp, gọn, sạch ở cái bếp nhà mình, tập cho chúng thói quen làm đâu gọn, sạch đó… Gia đình văn minh là từ cái bếp. 

Theo phụ nữ TPHCM