Xưa, người miền Tây quê tôi hay hỏi khi gặp nhau vào những ngày giáp tết, nhất là đầu năm mới, câu: “Ăn tết lớn hông?”. Bất luận quan hệ thân sơ, câu ấy như một lời chào. Trong không khí nôn nao chộn rộn, trong cái se lạnh của những ngày gió chướng về, thể nào bạn cũng sẽ nghe nhiều chuyện buồn vui, được mất, tiếc nuối kỳ vọng của người được hỏi.

Bạn có thể được nghe về một năm buôn bán hanh thông. Bạn có thể được nghe về một vụ trúng mùa. Bạn có thể được nghe về nỗi buồn thất bát. Bạn có thể thấy nét mặt rầu rầu khi số nợ năm cũ vẫn còn treo lửng lơ trước mặt. Cuối cùng, bạn ắt hẳn cũng sẽ được nghe câu nói nhẹ tênh như một cái phủi tay dứt khoát: “Thôi, nợ mòn con lớn!”. Bạn sẽ được mời chung trà miếng bánh, cùng nhau nghĩ và tin về một ngày mai hẳn sẽ khác, miễn là còn khỏe mạnh, còn được sum họp.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Tôi đã đi qua những cái tết nghèo khó, thiếu thốn vào những năm 1980, 1990. Ngay trong những tháng năm khó khăn cơ cực đó, chưa bao giờ cái ăn trong ngày tết là quan trọng nhất. Cũng chỉ là nồi cơm nóng mỗi ngày, thịt kho trứng, khổ qua hầm, bánh tráng nướng, dưa hấu, củ kiệu, cải chua… năm này qua năm khác. Bữa cơm ngày tết có tươm tất hơn ngày thường. Nhưng, trừ trẻ con thơ ngây ra, có người lớn nào mong tết là để ăn uống cho “lớn”?

Người ta mong tết là vì được nghỉ ngơi, mọi công việc, âu lo, gánh nặng cuộc sống tạm thời để xuống, gác lại. Là vì những cô gái lấy chồng, những gia đình nhỏ ở riêng, cho dẫu có kề làng kề xã hay xa xôi cách tỉnh cách thành, 1 năm được mấy lần về thăm cha mẹ? Được mấy lần cả nhà chỉ có tiếng cười vui hớn hở, ngồi nhắc lại những chuyện năm nào, ăn uống, trao gửi cho nhau những dặn dò mong ước?

***

1 năm đôi lần tôi thích đi 1 chuyến. Nếu không tin, bạn hãy thử rời khỏi ngôi nhà mình đang ở vài hôm - ngôi nhà có những góc ám bụi đã lâu mà vì bận hay vì lười bạn chưa lau dọn, ngôi nhà ngày nào bạn cũng chào ngày mới từ ô cửa sổ quen thuộc, ngôi nhà dù cúp điện bất thình lình bạn vẫn có thể không cần mở đèn pin nhưng đi không vấp bậc cầu thang. Vài ba ngày bạn ở trong căn phòng khách sạn tinh tươm, ngủ dậy không cần xếp mền gối, không cần lau dọn, không cần nấu ăn, không cần làm việc…

Rồi khi chiếc taxi chở bạn đậu ngay bậu cửa nhà mình, mấy chậu kiểng đứng đó như những người lính canh gác lặng thầm nhiều năm, quen và thường đến nỗi bạn quên luôn chúng. Bạn vào nhà ngồi lên cái ghế vẫn hay ngồi khi đến bữa ăn; tắm rồi nằm duỗi chân trên cái giường quen thuộc. Bạn sẽ hiểu hóa ra bạn thoải mái nhất là ở đâu, cảm thấy đủ đầy nhất là ở đâu. Bạn sẽ hiểu người ta cần nhà như thế nào. Nó thực sự là chỗ dựa cho mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Nhất là nhà cha mẹ. Nó có thể cũ kỹ xiêu vẹo, nó có thể không phải là nơi bạn muốn sống suốt cuộc đời khi còn nhiều việc phải làm, đôi chân còn muốn đi đến những nơi xa lạ. Nhưng nhất định nó phải có. Nó là thứ của cải để dành cho tất cả chúng ta. Nếu không có, không còn nó, bạn thực sự bơ vơ, đáng thương. Ngôi nhà đó chỉ là nhà, là của để dành của bạn, khi bạn còn cha còn mẹ trên đời.

***

Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm, tôi thỉnh thoảng bắt gặp và thương đứt ruột cái chau mày nặng trĩu của một vài người bạn có quê xa. Không hỏi nhưng tôi biết bạn đang sắp xếp toan tính tiền nong, đùm túm cho một chuyến về quê ngày tết. Tiền vé tàu xe, ăn uống, quà biếu, thăm viếng không phải nói nhẹ là nhẹ. Cầm lên buông xuống, đắn đo chần chừ mãi rồi các bạn cũng về.

Năm nay, khi nhìn mấy tờ lịch hiếm hoi còn bám víu mỏng manh trên tường, tôi chưa kịp hỏi thì nghe tin một bạn đã về. Bạn về để tiễn mẹ ra đi mãi mãi.

Suốt mấy ngày, tôi không nguôi nghĩ đến bạn mình. Trên đời này, không ai có thể dạy được cảm xúc của một trải nghiệm. Đôi chân mình bước trên lửa mới nghe được cái nóng. Đôi tay mình cầm tảng băng mới nghe được cái lạnh. Mẹ cha rời đi mình mới hiểu trái tim trong lồng ngực tan nát, trống rỗng đến thế nào! Bất kể ta có hình dung ra sao, có nhìn thấy bao nhiêu lần, có đọc bao nhiêu trang sách, có nghe kể thế nào… khi đứng trước điều đó, tất cả cũng chỉ là một con số không!

Tôi rụt rè nhắn, không biết bạn có chịu nổi đợt lạnh đầu đông cắt da cắt thịt - những cái lạnh mà bạn kể tết năm nào về dăm ba hôm là mau mải đi bởi không chịu nổi. Tôi rụt rè hỏi bạn ổn không. Bạn nói nhẹ tênh rằng mình đã mua thêm áo ấm, mình ổn. Bạn chia sẻ nhẹ nhàng lời tạm biệt mẹ như những lần bạn về thăm thường thấy, chứ không hề là cuộc sinh ly tử biệt. Bạn bình thản nói: “Mình thấy trưởng thành rồi!”. Trưởng thành ở tuổi 50 sao? Người ta chỉ trưởng thành khi không bao giờ còn có cơ hội bật lên thành tiếng gọi “Cha ơi, mẹ ơi” trong lúc vui vẻ, trong lúc hoảng loạn, trong lúc nhớ thương sao?

***

Những tờ lịch của năm cũ rồi sẽ được xé xuống hết. Mỗi nhà sẽ treo lên nơi đó tờ lịch mới, với cuốn lịch phẳng phiu, dày cộm còn thơm mùi giấy. Bắt đầu cuộc hành trình mới cho đến khi vơi hẳn đi, rồi lại đầy. Tiền bạc cũng vậy, lúc này có thể khó nhưng nếu chăm chỉ thì sẽ ít ai khó một đời. Cha mẹ thì không như vậy. Một ngày của họ rơi xuống là rơi mãi, cạn dần rồi mất hút; không có cơ hội tìm lại được. Khi cha mẹ không còn, dẫu lúc đó bạn có thật nhiều tiền, ngồi trên chiếc xe sang của riêng bạn chứ không phải dắt díu vật vạ ra bến tàu, ra xe khách hay trên xe máy để về nhà, về quê, liệu bạn còn háo hức? Khi không còn cha mẹ, ngày tết ê hề đồ ăn thức uống, trong túi đầy tiền, liệu rằng bạn vẫn cảm thấy vui?

Tôi từng nhiều lần ngồi thừ ra nghĩ giá như mình có một số tiền đủ để đi du lịch nước này nước nọ, nơi này nơi kia vào dịp tết mà không cần đắn đo; một số tiền để đổi cái xe mới, mua sắm đồ mới trong nhà mà không cần suy nghĩ; một số tiền để thoải mái tiêu xài không cần tính toán hoặc đơn giản chỉ là nằm im trong tài khoản để thấy mình không chật vật, an tâm hơn. Tôi từng buồn bã, ghen tị hờn tủi vào những ngày cuối năm cũ đầu năm mới, khi nhìn quanh quất thấy 1 năm 365 ngày cũng chẳng có dư nhiều tiền; thậm chí 3.600 ngày đã qua vẫn tự hỏi khi nào mình giàu.

Hết 1 năm, chỉ cần người thân trong gia đình nhiều sức khỏe, cha mẹ vẫn còn ở bên cạnh là mình đã thực sự giàu có. Chưa bao giờ như bây giờ, tôi nghe rõ tiếng nói trong sâu thẳm lòng mình đến thế.

Tự nhiên tôi mong, tết này lại nghe hỏi: “Ăn tết lớn hông?”. Chúng ta ai nấy cũng sẽ vui vẻ trả lời: “Lớn chứ! Chỉ cần gia đình khỏe mạnh đủ đầy là ăn tết lớn rồi!”.

Theo phụ nữ TPHCM